Giá mỗi lít bia cỏ tại xưởng chỉ 5.000 đồng/lít. Mỗi lít bia được 3 cốc lớn, tức là mỗi cốc bia rẻ hơn một cốc trà đá vỉa hè. Bia giá rẻ song an toàn vệ sinh không đảm bảo khiến nguy cơ nhiễm vi khuẩn rất cao.

Người bán "vớ bẫm" nhờ bia cỏ

Cái oi nóng của mùa hè đem lại thu nhập khủng cho hàng trăm chủ quán bia hơi trên địa bàn Hà Nội nhưng cũng mang lại mối hại sức khỏe cho không ít nam giới có thói quen uống bia mỗi ngày.

Giờ nghỉ trưa, tan tầm vào mỗi buổi chiều, khắp các quán bia trên địa bàn Hà Nội, nơi đâu cũng nườm nượp thực khách. Quán bia hơi là nơi hội tụ của nhiều tầng lớp từ người lao động đến những nhà trí thức.

Nhiều người còn nói vui “đây là công sở thứ hai”, nơi giờ thứ 9 được phát huy tác dụng. Trong quán bia, tỷ lệ nam giới chiếm tới 95%, thỉnh thoảng gặp một vài chị, cô đi kèm để góp vui cùng bàn nhậu.

Thông tin trên Thời báo Kinh doanh, tâm lý thích nhậu nhẹt, la cà, tám chuyện của nhiều nam giới đã và đang mang lại nguồn lợi khủng cho rất nhiều ông chủ, bà chủ của những quán bia hơi lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, chủ một quán bia lâu năm, cho biết: “Bình quân mỗi ngày tôi bán khoảng 400-450 cốc bia hơi, có ngày nắng nóng lượng bia tiêu thụ tăng vọt có thể lên tới 700-750 cốc/ngày. Với giá bán 5.000 đồng/cốc, cộng với khoản lãi từ đồ ăn nhanh dân nhậu quen dùng như: nem chua, lạc luộc, mực nướng, đậu lướt ván, bê tái lăn…. Trừ chi phí trả điện nước, lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, mỗi ngày tôi bỏ túi đôi, ba triệu là chuyện thường.”

{keywords}

Không chỉ rút ngắn thời gian lên men bia, bia cỏ còn được thay đổi công thức nguyên liệu. (Ảnh minh họa).

Theo điều tra của PV báo Giao thông, một xưởng sản xuất bia cỏ (loại bia rẻ tiền do những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất) nằm trong khuôn viên của ngôi nhà số 49, cách KTX trường Đại học Nội vụ chỉ vài bước chân mọc lên và tồn gần 1/4 thế kỷ. Từ đây, hàng nghìn lít bia cỏ được xuất xưởng mỗi ngày rồi len lỏi vào những quán nhậu bình dân, sau đó chúng được “thay tên đổi họ” thành những loại bia hơi nổi tiếng khác để đưa lên bàn nhậu cho thực khách sử dụng.

Chủ xưởng giới thiệu sản phẩm của mình là loại bia hơi “xịn” được sản xuất bằng “Công nghệ của bia hơi Hà Nội”. Giá mỗi lít bia nhập trực tiếp từ xưởng này chỉ 5.000 đồng/lít. Mỗi lít bia được 3 cốc lớn, tức là mỗi cốc bia ở đây có giá rẻ hơn một cốc trà đá vỉa hè.

Để “bóc mẽ” thứ bia cỏ trà trộn vào các quán nhậu dưới dạng bia hơi thương hiệu, PV vào vai người mua bia tìm đến những địa chỉ mà các xe máy chở bia cỏ đã đến giao bia trước đó. Tại quán bia nằm trong phố Đình Thôn, đúng như tấm biển treo bên ngoài cửa, chủ quán quảng cáo thứ bia hơi mà anh ta bán tại đây là bia Hado “xịn”, giá bán lẻ tại quán là 5.000 đồng/cốc.

Sự pha trộn bia cỏ đội lốt bia xịn của các chủ quán không phải là một bí mật, có quá nhiều thực khách biết về điều này nhưng tâm lý thờ ơ, dễ dãi vẫn đưa chân họ đến góp phần tăng thêm lợi nhuận cho các quán bia cỏ. “Chúng tôi thừa biết mình đang uống bia cỏ nhưng lương tôi ba cọc ba đồng lấy đâu tiền uống bia chai. Uống mãi thành quen đau đầu một lúc rồi bia tan hết thì hết đau. Ai cũng vậy có phải riêng mình đâu, uống cho vui là chính.”- anh Nguyễn Tiến Đồng- một thực khách chia sẻ.

Bia cỏ chứa nhiều độc tố

Thông tin trên báo Infonet, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghẹ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, bia cỏ hay còn gọi là bia gia công được sản xuất rất nhiều ở các tỉnh lẻ hay những khu dân cư thu nhập thấp vì có giá rẻ. Bia phố cổ cũng là loại bia gia công từ ngày xưa là chủ yếu.

Uống bia ở những quán bia cỏ, bia giá rẻ song an toàn vệ sinh không đảm bảo khiến nguy cơ nhiễm các vi khuẩn khác rất cao. PGS Thinh chia sẻ thực tế ông gặp nhiều quán bia họ chẳng rửa lại cốc vì đông khách, họ chỉ thu cốc vào rồi lại rót bia mặc cho cặn bia hay uống chung cốc. Nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường ăn uống như viêm gan A cũng có.

Giải thích lý do bia gây đau đầu, mệt mỏi sau khi uống bia, PGS Thịnh cho biết thực chất nguyên nhân gây đau đầu đó là chất diaxetyl. Trong bia cỏ, chất này có hàm lượng cao nên gây các biểu hiện như trên.

Diaxetyl là một loại chất độc tự sản sinh ra trong quá trình biến đổi sinh hóa khi lên men. Chất này sẽ có nồng độ khá lớn trong những ngày đầu lên men nhằm tạo ra hương thơm cho bia và giảm dần vào các ngày sau đó. Những nhà sản xuất bia thường đảm bảo để cho các chất này giảm dần theo thời gian hay còn gọi là ngày ủ men bia.

Tuy nhiên, trong bia cỏ, ngày nay thường bị người làm bia cắt ngắn, không đảm bảo đủ quy trình nên chất diaxetyl vẫn còn lại trong nước bia. Khi uống phải chất này, người uống cảm thấy đau đầu.

Không chỉ rút ngắn thời gian lên men bia, bia cỏ còn được thay đổi công thức nguyên liệu. Ví dụ bia phải làm từ mạch thì người ta thay bằng nguyên liệu gạo, ngô, sắn… Chính các thành phần này làm cho bia cỏ không thể có chất lượng, mùi vị và màu đẹp như bia nhà máy.

Hơn nữa, trang thiết bị, công nghệ không đảm bảo quy chuẩn cũng khiến cho nhiệt độ không ổn định, lên xuống thất thường cũng là một nguyên nhân gây nên các độc tố như diaxetyl và aldehyde cao khi ra bia thành phẩm.

Sử dụng men công nghiệp còn gây ảnh hưởng đến nồng độ cồn metylic. Đây là cồn có trong rượu công nghiệp có thể gây ngộ độc nhưng ở bia lượng cồn thấp hơn rượu thường các bia cao nhất chỉ 5% độ cồn, không gây ngộ độc cấp tính, song có thể gây ngộ độc trường diễn.

Ông Nguyễn Cao Hoằng, Giám đốc Trung tâm phát triển Kỹ thuật Công Nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho biết, để đảm bảo quy trình công nghệ, sản xuất bia phải đủ thời gian lên men qua hai giai đoạn là lên men chính (lên men thành phần nguyên liệu) và lên men phụ (thời gian lên men để khử độc và ổn định chất lượng bia). Nhiệt độ lên men khoảng từ 2 - 8 độ C và ổn định trong suốt quá trình lên men cũng quyết định chất lượng bia.

Tuy nhiên, trong sản xuất gia công thời gian lên men thường bị rút ngắn đi rất nhiều, đặc biệt là thời gian lên men phụ không đủ để khử hết các độc tố gây đau đầu, mệt cho người sử dụng.

Đối với các loại bia của nhà máy an toàn thì người uống cũng sử dụng vừa phải. Một ngày có thể dùng 1,5 cốc bia hoặc 1 lon bia là đủ. Vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe, vừa tốt cho tiêu hóa và thanh nhiệt.

(Theo ĐS&PL)