- Các anh chị ơi, giờ em đang rất lo lắng về việc bị lây nhiễm HIV của mình. Cách đây một tuần khi đang mải xuống xe bus thì tự nhiên tay em có cảm giác bị 1 vật nhọn gì đó đâm vào (rất giống như bị đầu kim đâm). 

TIN BÀI KHÁC:

Phía sau em khi đó có 1 vài người cũng chờ  xuống xe. Ngay lúc đó, kiểm tra tay thì em không thấy bị chảy máu nhưng vì sợ bị kim tiêm đâm vào nên em đã cố lặn xem có máu trên vùng da đó. Sau đó, thấy nước màu vàng chảy ra và xuất hiện một nốt đỏ máu nhưng cố lặn tiếp thì cũng không thấy máu chảy ra mà vẫn chỉ thấy nốt máu đỏ.

Các anh chị ơi, trường hợp của em như vậy có phải có nguy cơ bị kim tiêm đâm vào không ạ. Em sợ bị ai đó đâm kim tiêm vào mình nên rất muốn đi làm xét nghiệm máu để kiểm tra HIV nhưng theo thông tin em đọc được thì phải đợi ít nhất 3 tháng phải không ạ? Mong các anh chị giải đáp cho em với vì giờ em đang rất lo lắng. (Bạn đọc giấu tên).

Ảnh minh họa

Tư vấn viên chia sẻ:

Cách đây vài năm HIV được mô tả như một căn bệnh khủng khiếp. Người ta mệnh danh HIV là căn bệnh thế kỷ (thế kỷ XX, hiện nay chúng ta đã sang thế kỷ XXI). HIV bị coi là căn bệnh xã hội, khi HIV đi liền với ma túy, mại dâm và các tệ nạn khác. Do hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị HIV, nên nhiều người có suy nghĩ tiêu cực, cho rằng nhiễm HIV đồng nghĩa với cái chết.

Thực tế thì các quan niệm đó hiện nay đã lỗi thời và sai lầm, HIV chỉ là một loại virut, và nhiễm HIV là một dạng nhiễm Virut mãn tính chứ không thể đánh đồng việc nhiễm HIV với các hành vi đạo đức, và kết cục không quá nguy hiểm như chúng ta nghĩ.

Với cách truyền thông đánh vào tâm lý sợ hãi, rất nhiều người đã lo lắng trước các nguy cơ nhiễm HIV, và thường lo bị nhiễm HIV khi có trầy xước, vết thương hở. Điều này cũng khiến cho nhiều đối tượng thường mang nguy cơ nhiễm HIV ra đe dọa người khác, với mục đích khủng bố, cưỡng đoạt tài sản mà báo chí từng nói.

HIV thường lây nhiễm qua ba con đường. Thứ nhất là từ mẹ sang con, trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú. Thứ hai là từ việc quan hệ tình dục không an toàn, không có biện pháp bảo vệ với người nhiễm HIV. Thứ ba là từ việc truyền máu, dùng chung các thiết bị y tế, vật xuyên chích qua da với người nhiễm HIV.

Tuy vậy, HIV là một vi rút rất yếu khi ở ngoài môi trường, và HIV cũng không dễ dàng lây nhiễm.

Với trường hợp lây nhiễm do dùng chung vật xuyên chích qua da với người nhiễm H, bạn cũng cần phải có một vết thương đủ lớn và có một lượng máu nhất định nhiễm H vào cơ thể bạn. Những tuyên truyền rỉ tai trên mạng như nặn máu, rửa bằng nước sạch và nước sát trùng, chỉ là cách phòng tránh nhiễm trùng thông thường, không phải cách phòng tránh HIV.

Trong trường hợp của bạn kể, có thể bạn vô tình bị đâm bởi đinh, kim, tăm nhọn … tỷ lệ nhiễm HIV qua một tai nạn nhỏ, mà vết thương hoàn toàn không bị hở, chảy máu thì khả năng nhiễm HIV là không thể. Bạn hoàn toàn không cần lo lắng cho sức khỏe của mình, tránh căng thẳng không cần thiết.

Chúng tôi mong rằng bạn cũng như những người khác, sẽ có thêm hiểu biết về căn bệnh HIV/AIDS, và bớt đi những nỗi sợ hãi cùng cái nhìn kỳ thị. Bởi vì bớt đi một ánh nhìn kỳ thị, là thêm một tia hi vọng với những người có H, và căn bệnh HIV/AIDS hoàn toàn không kinh khủng, đáng sợ như những gì bạn nghĩ. 

•    Hữu Tùng - Tư vấn viên - nhóm tư vấn thanh niên Thành phố Hà Nội Dự án phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho thanh niên).

Gặp phải các tình huống tâm lý khó xử trong cuộc sống, bạn đọc có thể gửi thư về địa chỉ [email protected] chúng tôi sẽ liên hệ với các chuyên gia tâm lý để chia sẻ cùng bạn.