Sau một ngày xét xử, chiều 10/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên không chấp nhận kháng nghị của VKS, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, toà tuyên Grab phải bồi thường cho Vinataxi số tiền 4,8 tỷ đồng.
Vinasun kiện Grab cho rằng sự xuất hiện của Grab khiến doanh thu Vinasun sụt giảm, giá trị vốn hoá đi xuống, đồng thời khẳng định Grab đang hoạt động như mô hình một công ty kinh doanh vận tải.
Hội đồng xét xử cũng cho rằng Grab được Bộ GTVT cho phép thực hiện thí điểm xe công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối hợp tác xã vận tải với khách hàng theo Đề án 24, tuy nhiên thực tế Grab lại kinh doanh vận tải.
Toà cho rằng tài liệu thu thập cho thấy từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến, số lượng xe nằm bãi và kinh doanh của Vinasun ngày càng giảm. Điều này cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa sự xuất hiện của Grab với sụt giảm doanh thu của Vinasun.
Tuy nhiên, toà cho rằng giá trị vốn hoá của Vinasun giảm do nhiều yếu tố khách quan, không chứng minh được Grab là nguyên nhân chính của vụ việc.
Toà kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại khung pháp lý để xem Grab như một công ty kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Hội đồng xét xử yêu cầu các công ty kinh doanh taxi như Vinasun phải cải thiện dịch vụ, chi phí quản lý,... để cạnh tranh trong thời đại số.
Đáp lại các phán quyết của toà, Grab mới đây gửi thông tin đến truyền thông khẳng định “kiên quyết tiếp tục bảo vệ uy tín và thương hiệu trước những cáo buộc vô lý, sai sự thật và vô căn cứ do phía Vinasun đưa ra tại tòa”.
“Kiên định với nguyên tắc này, Grab sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi để đạt được một kết quả công bằng, minh bạch”, thông cáo của Grab viết, mở ra khả năng công ty này tiếp tục kháng cáo phán quyết của toà.
Theo Grab, không có đủ bằng chứng thuyết phục để Tòa phúc thẩm xác định công ty đã vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải và vi phạm Đề án thí điểm theo Quyết định 24. Grab cho rằng các cơ quan chức năng đã xem xét và kết luận hoạt động kinh doanh của Grab tuân thủ Đề án thí điểm theo Quyết định 24.
Grab cũng cho rằng tòa cấp phúc thẩm dựa vào báo cáo giám định của Công ty Cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long để yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun khi báo cáo này không đảm bảo khách quan, vô tư và có nhiều sai sót. Công ty này khẳng định rằng tại phiên tòa hôm nay, họ đã chứng minh được nhiều sai sót trong báo cáo giám định.
“Phán quyết của Tòa phúc thẩm không ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại và kế hoạch mở rộng hoạt động của Grab tại Việt Nam. Grab cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành khi thực hiện Nghị định 10”, thông báo của Grab cho biết.