Đầu tuần này, cỗ máy tìm kiếm Google bị trang web đăng tải lời bài hát Genius cáo buộc sao chép nội dung của họ và hiển thị trực tiếp trên trang kết quả tìm kiếm của mình. Cáo buộc này đến vào thời điểm khó khăn của Google khi họ đang phải đối phó với cuộc điều tra chống độc quyền của Hạ viện Mỹ.
Điều đó buộc Google phải nhanh chóng phản ứng và hành động trước khi vụ việc diễn biến theo hướng tiêu cực hơn.
Google dành riêng một bài đăng trên blog của họ để giải thích tại sao các lời bài hát này xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm của họ. Theo tuyên bố của Google, họ không trực tiếp lấy các nội dung này từ những trang web cung cấp lời bài hát, thay vào đó, những lời bài hát này do các nhà cung cấp nội dung bên thứ ba cung cấp để xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm của mình.
Trong khi không đề cập đến tên đối tác của mình trong bài đăng đó, một trong các đối tác cung cấp nội dung của Google, LyricFind, đã lên tiếng giải thích về vụ việc trong báo cáo của Wall Street Journal (WSJ). Theo lời giải thích của LyricFind, vụ việc xảy ra hoàn toàn là do "vô ý".
"Một thời gian trước, Ben Gross từ Genius thông báo với LyricFind thấy điều họ tin rằng họ đang thấy những lời bài hát của Genius xuất hiện trong cơ sở dữ liệu của LyricFind. Sau khi nhận được thông báo từ Genius, nhóm nội dung của chúng tôi được hướng dẫn không xem Genius như một nguồn nội dung."
"Gần đây, Genius lại phát hiện vấn đề này và cung cấp một vài ví dụ về chúng. Tất cả các ví dụ đó cũng xuất hiện trên nhiều trang đăng tải lời bài hát và dịch vụ khác, cho thấy có khả năng nhóm nội dung của chúng tôi vô ý lấy nguồn lời bài hát của Genius từ một địa điểm khác."
Nhưng sự việc này không chỉ dừng lại ở đó.
Một trong những mẹo Genius dùng để phát hiện ra ai đang sao chép nội dung của mình là chèn các mã Morse vào trong lời bài hát của họ. Báo cáo của Wall Street Journal cũng xác nhận về 100 ví dụ cho thấy lời bài hát xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của Google có chứa các mã Morse do Genius cố tình chèn vào.
Điều đáng chú ý là dù được Genius thông báo về sự việc này từ năm 2016, nhưng những lời bài hát có chèn mã Morse của Genius vẫn xuất hiện trên trang tìm kiếm của Google cho đến khi có báo cáo của WSJ.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi báo cáo của WSJ xuất hiện, những bằng chứng này – hay các mã Morse do Genius chèn vào – đã biến mất trên hầu hết những lời bài hát xuất hiện trên trang Google. Và các kỹ sư của Genius còn phát hiện ra rằng, những mã này đã biến mất từ sau khi Genius đưa bằng chứng cho các phóng viên của WSJ nhưng trước khi bài báo được xuất bản.
Vậy liệu có phải ai đó đang tìm cách che giấu bằng chứng của việc ăn trộm nội dung hay chỉ đơn giản là vì LyricFind đã thực sự loại bỏ những lời bài hát lấy nguồn từ Genius ra khỏi cơ sở dữ liệu của họ và lấy nguồn từ nơi khác để hiển thị lên Google? Điều này vẫn chưa rõ ràng. Cả Google và LyricFind đều không bình luận về sự việc trên.
Dù Google có liên quan trực tiếp đến vụ việc này hay không, họ đã thực hiện một số thay đổi. Trên blog của mình, Google viết "Để làm rõ hơn về nguồn gốc của những lời bài hát này, chúng tôi sẽ sớm đưa vào tên của bên thứ ba đã đóng góp phần lời bài hát này." Vậy là mọi liên quan của Google đến vụ việc này đều bị "dọn sạch" chỉ trong vài ngày.
Nhưng một điều còn lớn hơn cả vụ việc ăn trộm lời bài hát này. Với việc hiển thị các nội dung này ngay trên trang kết quả tìm kiếm, Google đang cạnh tranh với chính những nhà cung cấp nội dung và làm họ thiệt hại thực sự. Khi người dùng không cần phải truy cập vào các kết quả tìm kiếm để có câu trả lời, lượng truy cập tới các trang cung cấp nội dung sẽ sụt giảm và gây tổn thất về nguồn thu của họ.
Nhưng cuối cùng, điều này cũng có thể gây tác hại ngược lại cho Google trong bối cảnh công ty đang vướng phải các cáo buộc về chống độc quyền cũng như lợi dụng vị thế của mình để gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh.
Theo GenK