Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Việt Hùng |
Nói đến Kiên Giang, du khách nghĩ ngay đến du lịch Phú Quốc, ông có thể cho biết quan tâm của lãnh đạo tỉnh về vấn đề này?
Để phát triển du lịch, Kiên Giang xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thực tế trong những năm qua và thời gian gần đây, du lịch đóng góp rất nhiều vào kinh tế của tỉnh.
Chính vì xác định du lịch là mũi nhọn như vậy nên Kiên Giang mới quan tâm huy động nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương và các nguồn lực đầu tư trong xã hội quan tâm đến đầu tư du lịch Kiên Giang đặc biệt là trên địa bàn Phú Quốc.
Trong thơi gian vừa qua, du lịch Phú Quốc đã có nhiều khởi sắc, nhưng có thể nói đây mới là giai đoạn đầu để đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc. Do đó để phát triển du lịch Phú Quốc bền vững thì cần nhiều giải pháp.
Cũng như trong đề án phát triển du lịch tổng thể của tỉnh Kiên Giang đã đặt vấn đề du lịch phát triển nhưng phải phát triển bền vững. Làm sao để du lịch phát triển đóng góp cho nền kinh tế nhưng phải đảm bảo được cảnh quan môi trường, giữ được điều kiện thiên nhiên, vẻ đẹp thiên nhiên quả Phú Quốc. Và hiện nay Phú Quốc đang phát triển theo hướng đó.
Hiện nay Phú Quốc đang phát triển đúng theo Quy hoạch Phú Quốc đã được Chính phủ phê duyệt nhưng nó chưa đáp ứng được mong muốn của khách du lịch do đây mới là giải đoạn ban đầu.
Vậy lãnh đạo Kiên Giang sẽ làm gì để thúc đẩy du lịch phát triển thưa ông?
Sắp tới, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sẽ quản lý phát triển du lịch Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng theo định hướng chung đã được Chỉnh phủ phê duyệt.
Và chỉ khi chúng ta phát triển đúng định hướng, phát triển theo đúng quy hoạch đã đặt ra và được quản lý một cách bài bản hơn…thì mới đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, của địa phương và đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Nghị trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/10. Ảnh: Thành Chung |
Hiện nay các nguồn lực thu hút đầu tư cho du lịch Phú Quốc như thế nào thưa ông?
Như tôi đã nói, nguồn lực cho du lịch Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng có từ nhiều nguồn vốn tử Trung ương, Địa phương đến các doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn Phú Quốc có thể nói đã thu hút được một lượng vốn tương đối lớn. Con số hơn 200 dự án với tổng số vốn khoảng 2.000 tỷ đồng là rất đáng ghi nhận. Số doanh nghiệp và nguồn vốn này sẽ là nguồn lực và tạo động lực cho Phú Quốc phát triển. Với mong muốn và quyết tâm của mình, Kiên Giang sẽ giành nhiều ưu đãi với doanh nghiệp hơn nữa trong chính sách thu hút đầu tư về biển đảo, để Phú Quốc phát triển.
Lâu nay vấn đề xử lý những tồn đọng do lượng rác thải ở Đảo Ngọc vẫn đang được quan tâm, ông có thể cho biết tỉnh Kiên Giang đã và sẽ quan tâm đến vấn đề này như thế nào?
Trong quy hoạch phát triển chung của Phú Quốc, vấn đề đảm bảo môi trường và xử lý rác thải sẽ được quan tâm. Hiện nay tỉnh Kiên Giang đã quan tâm, có quy hoạch và có chấp thuận cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn Phú Quốc. Hiện nhà máy này đang triển khai, sớm xây dựng để xử lý rác thải, đảm bảo môi trường trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc. Và chắc chắn một điều, môi trường phải trong lành thì Phú Quốc mới thu hút được khách du lịch.
Và trong quy hoạch chung chắc chắn Kiên Giang đã đề cập đến yếu tố phát triển bền vững gắn với ứng phó với BĐKH thưa ông?
Trong quy hoạch chung phát triển Phú Quốc, Chính phủ cũng đã tính toán và đề cao yếu tố phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Và chắc chắn tỉnh Kiên Giang sẽ làm tốt công tác này để đảm bảo cho Phú Quốc phát triển bền vững.
PV:
Xin cám ơn ông!
Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 137/2008/QĐ-TTg nhằm bảo tồn và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên đảo Phú Quốc, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đảo thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao lưu quốc tế, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long và từng buớc hình thành một trung tâm du lịch, giao lưu mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Mục tiêu cụ thể của Đề án giai đoạn 2008-2010: Tăng cường năng lực, thể chế chính sách, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, 100% các dự án ưu tiên, mô hình trọng điểm về bảo vệ môi trường được lập và thẩm định, phê duyệt và bố trí kinh phí đầy đủ để triển khai, thực hiện đạt hiệu quả, đúng tiến độ. 100% các dự án đầu tư phát triển phải được đánh giá tác động môi trường, lập cam kết bảo vệ môi trường theo đúng pháp luật. 100% các cơ sở xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch thân thiện với môi trường. 70% hộ gia đình, cá nhân và 100% doanh nghiệp áp dụng phân loại rác tại nguồn. 100% cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm xuất khẩu phải áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 14001. Cải thiện môi trường cho sông Dương Đông, 100% người dân sử dụng nước sạch, xây dựng 01 nhà máy xử lý chất thải rắn 200 tấn/ngày. Giai đoạn 2011-2020: Tăng cường năng lực, thể chế, chính sách, ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về môi trường có tính đặc thù, ưu đãi áp dụng cho Phú Quốc. Hạn chế mức độ ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường: chất thải công nghiệp, bệnh viện phải được thu gom xử lý theo đúng quy định; 100% khu vực bị ô nhiễm được khắc phục xử lý, tăng độ che phủ rừng lên 75%. Phạm vi của đề án bao gồm toàn bộ phần đất liền và vùng ven bờ của huyện đảo Phú Quốc. Truớc tiên ưu tiên thực hiện 16 dự án của Đề án từ năm 2008 đến 2020, dự kiến cần kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. |
Theo baotainguyenmoitruong.vn