- Vụ mất mùa vừa qua có nhiều nguyên nhân, bệnh đạo ôn có biến chủng, có ảnh hưởng của thời tiết nhưng chỉ là một phần, không thể đổ lỗi hoàn toàn do thời tiết, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói.
Liên quan đến vụ lúa xuân bị mất mùa chưa từng có tại Hà Tĩnh, trao đổi với VietNamNet, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho hay, ngay sau khi xuất hiện đạo ôn trên diện rộng, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp thị sát tại các cánh đồng.
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn |
Hà Tĩnh cũng đã tổ chức một số cuộc họp khẩn để làm rõ nguyên nhân, thống kê đầy đủ thiệt hại, sớm khắc phục đời sống cho người dân.
"Nói mất mùa do thời tiết cũng không đúng mà cần làm rõ nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng giống", ông Sơn nêu quan điểm khi được hỏi về báo cáo của Sở NN&PTNT khẳng định mất mùa là do thời tiết và tập quán canh tác.
“Vụ mất mùa vừa qua có nhiều nguyên nhân, bệnh đạo ôn có biến chủng. Có ảnh hưởng của thời tiết nhưng chỉ là một phần, không thể đổ lỗi hoàn toàn do thời tiết”, ông Sơn cho hay.
Cũng theo Bí thư Hà Tĩnh, vụ mất mùa vừa qua gây thiệt hại lớn, thậm chí rất lớn nên quan điểm của Tỉnh ủy là phải làm rõ, quy trách nhiệm các ban ngành liên quan.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn ngày 14/5 với các sở ngành liên quan, Bí thư Hà Tĩnh gay gắt chỉ trích ngành Nông nghiệp sơ sài trong công tác theo dõi dịch bệnh, dịch hại.
Do giống lúa?
Ông Đào Nghĩa Nhuận, Phó chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh cho rằng, bệnh đạo ôn bùng phát, gây hại nặng chủ yếu trên giống Thiên ưu 8 là do giống lúa này không kháng được bệnh đạo ôn. Năm nay lúa trổ trùng thời kỳ thời tiết thuận lợi cho bào tử nấm đạo ôn phát triển nên mới bùng phát thành dịch, gây thiệt hại nặng nề.
Dịch bệnh đạo ôn vừa qua khiến Hà Tĩnh thiệt hại khoảng 11 vạn tấn lương thực |
“Lịch sử gần 40 năm mới lặp lại đợt dịch đạo ôn như vụ xuân 2017. Mất hơn 11 vạn tấn lương thực, 1/3 tổng sản lượng lương thực cả năm cũng đồng nghĩa hơn 40 vạn người (1/3 dân số toàn tỉnh) có khả năng 'treo niêu'”, ông Nhuận nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bệnh đạo ôn là do giống lúa.
Ông Hà lý giải, cùng gieo cấy trong một thửa ruộng nhưng diện tích cấy giống nếp hay HT1 thì được mùa, không nhiễm đạo ôn, còn Thiên ưu 8 thì nhiễm nặng, mất mùa.
Trước đó, tại báo cáo gửi UBND tỉnh ngày 6/6, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh lý giải, mất mùa là do thời tiết thất thường, các đợt không khí lạnh muộn hơn so với cùng kỳ năm trước và trùng với giai đoạn lúa trổ đồng tập trung.
Sở này cũng cho hay, công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo đã kịp thời. Tuy nhiên các địa phương thiếu giám sát, thiếu quyết liệt trong công tác phòng bệnh.
"Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến mất mùa vừa qua là do người dân" - Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khẳng định.
Được biết, hiện Hà Tĩnh vẫn đang chờ kết quả công bố nguyên nhân chính thức từ Bộ NN&PTNT.
Hà Tĩnh mất mùa lớn
Mất mùa chưa từng có trong lịch sử. Dân nghi do giống lúa, còn ngành nông nghiệp thì cho rằng do thời tiết và thói quen người dân.
‘Ăn chặn’ cả tiền hỗ trợ nông dân mất mùa?
Bị mất mùa tới 70 – 80%, các hộ dân ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) được hỗ trợ 5kg giống và tiền mất mùa. Tuy nhiên đã một năm trôi qua, vẫn chưa thấy UBND xã cấp phát số tiền trên đến tay người dân.
Tích tụ ruộng đất: Không để nông dân mất việc, nghèo đói
Tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo người dân, không để người dân mất việc làm, nghèo đói, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Đói, khát trên vựa lúa mặn cháy
Vựa lúa ở ĐBSCL đang trổ bông thì bị nhiễm mặn khiến hạt lép hoàn toàn, giờ chỉ còn cắt đem cho vịt ăn.
Lê Minh - Nga Nguyễn