{keywords}
{keywords}

Thưa Bí thư, ông vốn là nhà điều hành kinh tế nhưng khi trở thành người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội hồi đầu tháng 3/2021, ông đã phải ngay lập tức chỉ đạo chống dịch ở Thủ đô. Làm sao ông cập nhật kiến thức dịch tễ để chỉ đạo hiệu quả cuộc chiến chống dịch trong bối cảnh Hà Nội là cửa ngõ giao thương phức tạp nhất nước?

Tôi may mắn trải qua nhiều vị trí công tác từ địa phương tới trung ương nên thu được nhiều kinh nghiệm, bài học trong chỉ đạo, quản lý kinh tế - xã hội. Điều quan trọng khi làm lãnh đạo là phải sâu sát với thực tiễn, với các cấp quản lý cơ sở và với người dân để đề ra các chính sách đúng đắn. Tôi phải học hỏi nhiều về chống dịch.

Hà Nội là Thủ đô nên khá rủi ro với bùng phát, nhất là khi các nguồn lây ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc… liên tục được phát hiện trong các tháng đầu năm 2021. Đến đầu tháng 5, chúng tôi nhận định, nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội là cực kỳ lớn.

Lúc đó, tôi sang Đông Anh, huyện có rủi ro bậc nhất, và chỉ đạo anh em phải phải bình tĩnh, sáng suốt, quyết đoán và hiệu quả. Chúng ta không thể để bùng dịch nhưng cũng không thể “ngăn sông cấm chợ” vì Đông Anh liên thông rất chặt chẽ với Bắc Ninh, Bắc Giang…

Tôi rất vui là Đảng bộ và chính quyền Đông Anh quán triệt những ý đó và thực hiện hiệu quả hàng rào “3 lớp” trong chống dịch, tức là lớp lõi thì phong tỏa chặt, lớp tiếp theo vừa phải và lớp ngoài cùng thì lỏng dần.

Từ kinh nghiệm ở Đông Anh, sau đó Hà Nội thực hiện truy vết, khoanh vùng rất nhanh, và phong tỏa điểm thay vì khu vực. Ví dụ, nhà có dịch thì phong tỏa nhà đó thôi chứ không phong tỏa cả ngõ. Chúng tôi đặt ra nguyên tắc “6 giờ vàng” để xét nghiệm, truy vết thay vì 24 giờ như trước. Hà Nội luôn chủ trương không phong tỏa một cách cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

{keywords}

Ông đã liên tục âm thầm đi xuống cơ sở, nhất là ở các ổ dịch, để kiểm tra hay động viên công tác chống dịch. Giờ có vắc xin thì chuyện này là bình thường, nhưng lúc đó đâu có vắc xin, làm sao ông lại đi suốt như thế?

Nếu tôi không đi xuống đó trực tiếp thì làm sao thuyết phục được cán bộ cơ sở, làm sao thuyết phục được dân (cười).

{keywords}

Hôm dịch bùng ở khu Văn Chương - Văn Miếu, tôi đến thấy 300 công an, hơn 100 bộ đội bảo vệ vòng ngoài rất chặt. Tôi đi sâu vào bên trong thì thấy sinh hoạt của người dân lại không như vậy, mà nếu để lây nhiễm cả khu vực thì chết, hệ thống y tế không chịu nổi.

Tôi yêu cầu phải huy động được chính người dân tự gác ngõ, tự gác ngách và lắp camera toàn tuyến. Chống dịch phải dựa vào người dân. Lúc quay ra, tôi nói với lực lượng canh gác: nếu dịch bùng ở 5 điểm như thế này thì các đồng chí có đủ người để giám sát không? Vậy là các lực lượng chính quy rút đi.

Tuy nhiên, hoàn cảnh khác nhau thì giải pháp khác nhau. Khi dịch được phát hiện ở Thanh Xuân Trung, tôi đánh giá nguy cơ bùng dịch là rất lớn vì khu đó rất đông dân cư, lại sử dụng chung nhiều khu công cộng. Chúng tôi quyết định đưa các hộ đi cách ly, rốt cuộc có gần 600 người lây nhiễm. Nếu không quyết định nhanh chóng và dứt khoát, số người nhiễm có thể cao hơn nhiều, vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Có lần, tôi vào làng Mai Động, thấy 30 thanh niên bị kẹt lại trong một nhà trọ, nguy cơ lây lan là rất lớn. Tôi yêu cầu họ chia nhau ra bốt gác ngoài đầu ngõ, vừa thoáng, vừa đỡ buồn. Vậy là họ rất vui, xung phong ra ngoài gác.

Các tình huống chống dịch là rất đa dạng, phức tạp và cần xử lý rất nhanh. Để động viên, thuyết phục cán bộ và người dân, tôi không ngại đến các “điểm nóng” đó.

{keywords}

Hà Nội rộng lớn, ông lại mới về làm Bí thư. Làm sao ông huy động được cả hệ thống vào guồng để vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế?

Việc phân cấp, phân quyền, trao trách nhiệm chống dịch cho lãnh đạo cơ sở là cực kỳ quan trọng vì chính họ hiểu thực tế địa phương hơn ai hết. Chúng tôi tổ chức 15 đoàn chống dịch cấp quận, huyện do 15 ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm trưởng đoàn.

Có lần tôi đi kiểm tra công tác chống dịch một huyện, đến nơi không thấy có giường nào, phòng nào được chuẩn bị cho cách ly y tế dù chủ trương đã có từ lâu. Tinh thần chống dịch của lãnh đạo rất mơ màng. Tôi yêu cầu Bí thư Huyện ủy lên trụ sở Thành ủy ngồi viết kiểm điểm và đưa một đồng ủy viên Ban Thường vụ xuống phụ trách huyện một thời gian.

Quan điểm của tôi là cần kiểm tra, hướng dẫn một cách nghiêm túc với bí thư, chủ tịch quận, huyện; cần động viên, bảo vệ nhưng cũng rất nghiêm khắc với 1-2 đơn vị là tác động sẽ lan toả ra toàn thành phố. Bên cạnh việc kiểm tra thực tế, tinh thần chỉ đạo trong chống dịch phải rất quyết liệt, sâu sát thì hệ thống vận hành tốt hơn.

{keywords}

Ông có thể tiết lộ về quyết định cân não đóng cửa Hà Nội đêm 24/7/2021?

Trước đó 1 tuần tôi bắt đầu lo đến mất ăn, mất ngủ vì lúc đó TP.HCM đã bùng dịch, rồi tiếp đến là Bình Dương, Đồng Nai. Hồi đó, mỗi ngày có 1.500-1.700 người bay trực tiếp từ TP.HCM ra Hà Nội, không kể từ những tỉnh khác như Cần Thơ, Nha Trang, Lâm Đồng… Đường sắt, đường bộ vẫn đi lại bình thường. Trong bối cảnh vắc xin không có, làm sao chống dịch được?

Tình thế của Hà Nội rất căng thẳng trong khi gần như các giải pháp trong Chỉ thị 16 đã được áp dụng hết rồi, chỉ còn thiếu tuyên bố phong toả thành phố mà thôi.

Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia nên phải bảo vệ bằng được, không thể để bùng dịch. Buổi trưa 23/7, hội ý Thường trực Thành ủy, tất cả đều đồng ý (xin phong tỏa); đầu giờ chiều, tôi lên gặp thì cả Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều ủng hộ.

Tôi sang Tổng bí thư báo cáo, Tổng bí thư đồng ý trao toàn quyền quyết định chống dịch ở Thủ đô cho Bí thư Hà Nội. Về Thành ủy lúc 15 giờ, tôi lại tổ chức họp Ban Thường vụ Thành ủy và chỉ đạo UBND thành phố ra chỉ thị giãn cách luôn vào 0 giờ sáng 24/7.

{keywords}

Cần chớp thời cơ vì để muộn thêm thì tình hình dịch bệnh sẽ ngày càng phức tạp, khó lường không chỉ đối với Hà Nội mà còn nhiều tỉnh khác trong vùng. Phải nói rằng, đó là những quyết định rất khó khăn trong bối cảnh Quốc hội còn đang họp và Thủ đô đang chuẩn bị một số sự kiện ngoại giao.

Rất may là Hà Nội đã chuẩn bị các kế hoạch chống dịch nên mọi chuyện đều nằm trong dự tính, chứ không bị động. Ngay cả việc các cửa ngõ thủ đô bị ách tắc, lộn xộn cũng được xử lý nhanh.

Vì sao Thủ đô lại duy trì chế độ cách ly tập trung với người lây và người tiếp xúc gần lâu như vậy?

Thực ra các cơ sở cách ly tập trung đã có sẵn với tổng công suất gần 120.000 giường chứ Hà Nội không đầu tư, xây dựng thêm gì. Thời gian đầu, Hà Nội thực hiện cách ly tập trung để có thời gian chuẩn bị, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở cho tốt vì nếu dịch bùng 2.000-3.000 ca một ngày khi chưa phủ vắc xin thì hệ thống y tế không kham nổi. Tâm lí xã hội sẽ rất hoang mang và rối loạn.

Chúng tôi cần thêm thời gian để chuẩn bị vì không phải lúc nào (trên) nói là (dưới) làm được ngay. Sau khi có Nghị quyết 128, Hà Nội phân cấp, phân quyền chống dịch nhiều hơn nữa cho cấp phường, xã và thành phố hỗ trợ về kinh phí, thiết bị y tế, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn. Muốn mở trong khi chưa tiêm đủ, chưa chuẩn bị được lực lượng y tế cơ sở là rất dễ vỡ trận.

Bây giờ thì những người nhiễm bệnh được ở nhà, không phải đi cách ly nữa. Điều này có đúng trong lộ trình của thành phố không, hay ít nhất, trong tư duy của ông?

Về cơ bản là đúng lộ trình. Hồi đầu, tôi chịu rất nhiều sức ép bảo phải để F0 ở nhà ngay nhưng đã chuẩn bị đủ điều kiện đâu mà để dân tự chữa. Phải có vắc xin, đội y tế lưu động, tổng đài tư vấn, thuốc chữa… Nhìn chung, muốn làm gì thành công cũng phải tính toán, lo xa, có thời gian chuẩn bị.

{keywords}
{keywords}

Vắc xin cho Hà Nội đến nay đã khá đủ, ông có thể “thở phào”?

Lúc đó, tôi đề xuất nhiều lần vì để bảo vệ người dân Thủ đô thì phải có vắc xin nhưng có vắc xin thời điểm tháng 7, 8 là khó khăn chung của cả nước… 

Gần đây, Hà Nội phát hiện gần 3.000 ca mỗi ngày nhưng đa số là thể nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp. Hà Nội yêu cầu phải rà soát, ưu tiên tiêm cho những người trên 50 tuổi, có bệnh nền nên giữ được tình hình. Toàn thành phố có 115.000 người thuộc diện này thì tính đến trước Tết cơ bản đã tiêm hết. 

Bên cạnh đó, chúng tôi đã tận dụng “thời gian vàng” để chuẩn bị, nâng cấp y tế cơ sở, bổ sung hàng loạt thiết bị ô xy và đưa ra hàng loạt chính sách để huy động lực lượng ngoài công lập tham gia các tổ y tế lưu động.

Có những phường có tới 9 vạn dân mà chỉ có 1 trạm y tế với 5-10 người thì không thể đối phó với dịch bệnh nếu không tăng cường các tổ y tế lưu động là các nhân viên y tế nghỉ hưu, tình nguyện viên, sinh viên… Hà Nội cũng tăng cường thuốc điều trị, tổ chức cấp phát kịp thời cho các tầng điều trị, chú trọng cấp phát sớm thuốc điều trị kết hợp với hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ cho F0 ở tầng 1 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị. 

Nói gì thì nói, Hà Nội đã chống dịch thành công và vượt qua thời điểm khó khăn nhất hồi tháng 7-8/2021 khi chưa có vắc xin. Khi gặp người dân, ông nhận được phản ánh gì là chủ yếu?

Tính mạng, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, cả hệ thống ở Thủ đô đều nhận thức như vậy và được huy động vì mục tiêu như vậy. Tôi đã gặp rất nhiều người, các cán bộ lão thành, các bác hưu trí, cán bộ nhà nước, người lao động tự do, thanh niên, học sinh... Mọi người đều rất ủng hộ, hợp tác và tự nguyện tham gia vào chống dịch bệnh. Đó là điều rất đặc biệt, rất đáng suy nghĩ trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng.

{keywords}

Thưa Bí thư, trong cuộc gặp mặt với doanh nghiệp gần đây, ông nói rằng, chỉ cần tháo gỡ một phần những việc đang tồn đọng là kinh tế thủ đô đã thay đổi rồi. Ông hình dung ra con đường phát triển những năm tới là gì?

Có những việc mang tính chiến lược, có những việc mang tính sự vụ, tháo gỡ. Những việc chiến lược, có tính rộng lớn, dài hạn tôi đều báo cáo với Thủ tướng để quyết liệt làm.

Hà Nội đã ra nghị quyết phát triển thủ đô định hướng 2030, tầm nhìn 2045 để vừa đảm bảo là trung tâm chính trị - hành chính, vừa là trung tâm văn hoá, giáo dục và là cái nôi cho khoa học, công nghệ. Bây giờ là lúc tập trung triển khai, hiện thực hóa 3 mục tiêu này để đảm bảo sự phát triển bền vững của thủ đô.

{keywords}

Bên cạnh đó, Hà Nội cần củng cố hệ thống y tế để chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân hiệu quả hơn. Hơn 11 năm nay, Hà Nội không xây được bệnh viện thành phố nào. Chúng tôi quyết tâm xây thêm bệnh viện ở ngoài các cửa ngõ thành phố, mở rộng y tế cơ sở và củng cố, phát triển đội ngũ y bác sĩ.

Giáo dục cũng là lĩnh vực được ưu tiên. Hà Nội có trên 2.400 trường phổ thông cấp 1, 2, 3 nhưng chỉ 2/3 trường đạt chuẩn. Kế hoạch là tiếp tục phát triển hệ thống trường học, nâng số trường đạt chuẩn và chăm lo cho giáo viên.

Điểm nữa là cải tạo các công trình di tích văn hoá lịch sử. Hà Nội có 5.922 công trình, trong đó nhiều công trình cần trùng tu. Văn hoá dân tộc sẽ được ưu tiên khôi phục vì văn hóa, lịch sử mang tính hồn cốt của Thủ đô mà làm tốt thì sẽ giúp du lịch, dịch vụ phát triển.

Đại dịch cho thấy, cấu trúc đô thị của Hà Nội không còn phù hợp, đặc biệt là các khu chung cư cũ, tập trung quá đông dân cư. Đây là cơ hội để chuyển đổi, vừa cải thiện cuộc sống của người dân, vừa chỉnh trang lại không gian đô thị.

Hà Nội cũng xin Chính phủ chuyển khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho Thủ đô để việc thu hút đầu tư, mở rộng thuận tiện hơn. Ngoài ra, Hà Nội cũng xem xét phát triển thêm một số khu công nghiệp bên Đông Anh sau khi không xây được bất kỳ khu công nghiệp nào trong suốt 13 năm qua.

Liên quan đến câu hỏi, Hà Nội có rất nhiều việc tồn đọng mà giải quyết 1 phần trong đó thôi là có nguồn lực lớn cho phát triển rồi. Ví dụ, hiện nay có vài trăm dự án phát triển nhà ở đô thị được giao đất từ thời tỉnh Hà Tây hay huyện Mê Linh khi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang nằm yên đó.

Chúng tôi có chủ trương rà soát lại để xem dự án nào không còn đủ điều kiện thì thu hồi cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự, hay xem xét lại một loạt các dự án theo hình thức BT trước kia không triển khai. Làm được việc này, Thủ đô sẽ được bổ sung một nguồn lực rất lớn cho phát triển.

{keywords}

Dự án vành đai 4 kết nối Hà Nội với 4 tỉnh xung quanh đang thu hút được sự quan tâm lớn. Hà Nội cam kết với dự án này như thế nào?

Đảng bộ và chính quyền Hà Nội rất quyết tâm cho dự án này. Giao thông trên các tuyến chủ yếu hiện nay như đường vành đai 3 đã bắt đầu tắc nghẽn. Xây dựng vành đai 4 là đòi hỏi rất thúc bách và phù hợp với quy hoạch. 

Dự án này giúp khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang sẽ tăng khả năng hoàn thiện hệ thống giao thông, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn.

{keywords}

Ông hình dung như thế nào về diện mạo của Thủ đô tới đây?

Trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này, Hà Nội sẽ đề xuất quy hoạch xây dựng thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, trong đó khu phía dưới là trung tâm tài chính, phía trên là công nghiệp, quanh sân bay Nội Bài là dịch vụ logistic. Tuyến Ba Vì - Sơn Tây chủ yếu tập trung phát triển du lịch, dịch vụ văn hoá, lịch sử. 

Thành phố thứ hai là Xuân Mai và Hoà Lạc sẽ thông nhau với lõi là công nghệ cao, giáo dục và đào tạo. Hà Nội cũng đang đề xuất quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở phía Nam thông sang Hà Nam để tận dụng phát triển lợi thế hiện nay của các huyện Phú Xuyên, Thường Tín thành trung tâm trung chuyển, logistics, dịch vụ…

Bên cạnh đó, hàng loạt các tuyến đường quốc lộ sẽ được mở rộng, nối thông như Hà Nội - Phú Xuyên, đường 6 nối Xuân Mai, đoạn cuối Láng - Hòa Lạc lên Làng Văn hóa các dân tộc nối thông vào đường 6 mới. Đây là những tuyến đường rất cần cho phát triển của phía Tây Thủ đô.

Cải tạo chung cư là vấn đề rất nhạy cảm, nhiều người muốn làm nhưng chưa thành công. Vì sao ông lại quyết tâm làm việc này, cơ chế để động viên cả người dân, cả nhà đầu tư là gì?

Tôi không nghĩ cải tạo chung cư cũ là việc khó hay dễ. Tôi nghĩ cần xử lý vấn đề xuất phát từ cuộc sống thực của người dân. Ngày xưa tôi ở nhà chung cư lắp ghép ở Thanh Xuân, có những hộ tầng 1 đem tháo cả tấm bê tông có kết cấu chịu lực ra để cơi nới làm chỗ bán hàng, rất nguy hiểm.

Cho đến giờ, nhiều khu đã rất cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. Chúng ta cần nhìn vào điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, bất tiện của người dân ở đó. Đó là chưa nói đến rủi ro động đất, cháy nổ. Tính mạng của người dân phải được bảo vệ chứ làm sao cứ né tránh mãi! Ai chịu trách nhiệm? Vì thế, thành phố phải có trách nhiệm với cuộc sống của người dân.

Có người nói, cải tạo chung cư cũ nhưng không được tăng dân số. Về nguyên tắc thì đúng rồi, nhưng thực tế không thế. Doanh nghiệp phải có lãi mới làm, thành phố không có chính sách phù hợp thì không thu hút họ được. Phải chấp nhận đổi mới cơ chế, cách làm, hài hòa về lợi ích của các bên, ví dụ, đập 2-3 tòa nhà hiện nay đi để xây 1 chung cư cao tầng.

{keywords}

Vừa rồi, Chính phủ rất ủng hộ Hà Nội. Tôi lên báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng còn thảo luận, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, sau đó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng làm việc thêm với Bí thư Hà Nội để rà soát, thống nhất mới ra được Nghị định sửa đổi.

Tới đây phải chọn được những doanh nghiệp có năng lực và có tâm huyết thật sự để triển khai, chứ dứt khoát không để những doanh nghiệp làm dây dưa, dằng dai.

Thưa Bí thư, những công trình đường sắt đô thị cũng đang rất kẹt? Ông sẽ có hướng giải quyết như thế nào?

Rất đáng mừng là đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đi vào hoạt động gần đây. Còn trên tuyến đường Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành cơ bản đoạn từ khách sạn Deawoo xuống Nhổn nhưng còn ách tắc đoạn chạy ngầm đầu đường Trần Hưng Đạo do nhiều nguyên nhân như chậm giải phóng mặt bằng.

Gần đây, nhà thầu báo cáo làm trễ mất 6 năm và đòi phạt 114 triệu USD. Hà Nội sẽ thương thảo lại trên tinh thần cầu thị, xây dựng với họ.

{keywords}

Khi còn là Bộ trưởng Tài chính, ông đã quyết liệt thực hiện hàng loạt cải cách, đặc biệt trong ngành thuế và hải quan, giúp Việt Nam thăng hạng vượt bậc trong các bảng xếp hạng của quốc tế. Giờ ở Hà Nội, có lẽ không dễ áp dụng tinh thần đó, “Hà Nội không vội được đâu” mà?

Hà Nội xếp thứ 43 cả nước trong báo cáo PCI. Nền tảng vậy, phải từng bước cải thiện thôi. Cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ 4.0, hay gì gì thì vẫn là con người quyết định.

Trong các phiên họp Thường vụ, tôi nhấn mạnh phẩm chất, đạo đức và năng lực cán bộ là rất quan trọng. Tại sao công việc ở chỗ này được xử lý nhanh trong khi cũng công việc đó ở chỗ khác lại nhùng nhằng thế? Đó là do phẩm chất và năng lực cán bộ.

Gần đây, nhiều nơi đã quán triệt tinh thần của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, tập trung giải quyết một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, gây cản trở nguồn lực của thành phố. Một số việc đã được triển khai, một số dự án đã được khởi công. Tinh thần này phải được thúc đẩy, cổ vũ trong cán bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều nơi còn lúng túng, thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát. Có những việc nói mãi vẫn cứ thế. Tinh thần trách nhiệm, năng lực, nhận thức của một bộ phận cán bộ tham mưu, quản lí, của lãnh đạo các cấp còn hạn chế.

Để triển khai Nghị quyết của Đại hội 13 của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”.

Theo đó, thành phố có cơ chế luân phiên luân chuyển, đánh giá, nhận xét để vừa tạo động lực, vừa tạo sức ép lên đội ngũ cán bộ, công chức nhằm giúp họ thể hiện năng lực công tác tốt hơn.

Tư Giang - Lan Anh 

Thiết kế: Nguyễn Trọng Tạo

Đã tiêm đủ sao vẫn còn do dự mở cửa

Đã tiêm đủ sao vẫn còn do dự mở cửa

Chúng ta đã tiêm đủ, đã học sống “thích ứng và an toàn” thì cần tránh các biện pháp hành chính cực đoan từng được đưa ra khi chưa có vắc xin.