Trong buổi làm việc với Khu công nghệ cao TP.HCM hôm 3/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đặt vấn đề với Ban quản lý Khu công nghệ cao (Khu CNC): Tại sao các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh không sở hữu khu CNC, áp dụng cơ chế chính sách địa phương nhưng lại thu hút Samsung đặt nhà máy, góp phần lớn vào doanh thu xuất khẩu Bắc Ninh năm 2015 đạt khoảng 23 tỷ USD, Thái Nguyên đạt khoảng 15 tỷ USD. Ông Thăng đặt dấu hỏi về vai trò đầu tàu của Khu CNC TP.HCM trong việc thúc đẩy nền kinh tế Thành phố, và cho rằng sau 13 năm nhưng Khu CNC thu hút vốn FDI hơn 4,3 tỷ USD là quá thấp.
Trả lời câu hỏi của Bí thư thành ủy, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu CNC cho biết, thời gian đầu các khu CNC được hưởng chính sách thu hút đầu tư, theo đó doanh nghiệp tham gia khu CNC sẽ được hưởng chính sách 4+9+2, tức miễn thuế doanh nghiệp trong 4 năm đầu, 9 năm tiếp theo đóng 5%, 2 năm nữa đóng 10%, về sau thì đóng bình thường. Tuy nhiên, sau này để thu hút đầu tư, các tỉnh đều xin được mức ưu đãi cao nhất này mặc dù họ không có khu CNC. Thái Nguyên và Bắc Ninh là hai trong số các tỉnh đã xin được ưu đãi này, bên cạnh các ưu đãi khác của địa phương. Thêm vào đó, theo ông Quốc, Samsung khi có ý định đầu tư vào Khu CNC TP.HCM, Khu CNC đã yêu cầu doanh nghiệp này phải thành lập bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) sử dụng nhân sự ở TP.HCM, đồng thời phải có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 35% sau 3 năm ổn đi vào hoạt động. Ông Quốc cho rằng Samsung khi đầu tư vào các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên không phải thực hiện cam kết này.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết một trong bảy giải pháp của TP.HCM hiện nay là nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng cạnh tranh để phát triển theo chiều sâu. Muốn vậy thì tỷ trọng của tăng trưởng công nghệ cao phải chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản phẩm của thành phố. Do đó, ông Thăng đặt vấn đề về vai trò đầu tàu của Khu CNC trong phát triển công nghệ cao, đồng thời đặt dấu hỏi về tỷ trọng đóng góp cụ thể của công nghệ cao trong GDP của thành phố nhằm xác định khu CNC có thực sự là đầu tàu hay chưa.
Đồng thời, Bí thư thành ủy dẫn nghị quyết của Đại hội Đảng bộ của Thành phố lần thứ 10, trong đó Giám đốc sở Khoa học Công nghệ thừa nhận Khoa học Công nghệ chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế TP.HCM. Ông Thăng cho rằng, muốn kinh tế phát triển theo chiều sâu mà Khoa học Công nghệ “chưa thực sự là động lực” thì vai trò các cấp thế nào, vai trò của Khu CNC ra sao.
Ông Lê Hoài Quốc và đại diện các sở trong buổi gặp không có con số thống kê cụ thể về tỷ trọng đóng góp của Khu CNC trong GDP thành phố, ngoài con số 19,9% giá trị xuất khẩu mà Khu CNC góp phần vào giá trị xuất khẩu chung. Ông Lê Hoài Quốc đồng ý với ý kiến của Bí thư Đinh La Thăng, thừa nhận rằng thu hút đầu tư của Khu CNC vẫn chưa cao.
Kết thúc buổi gặp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ghi nhận những đóng góp của Khu CNC, nhưng cũng chỉ đạo Khu CNC đặt mục tiêu cao hơn, máu lửa hơn, mục tiêu nhiều khát vọng hơn để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho thành phố, giúp thành phố phát triển về kinh tế lẫn chất lượng sống.