Không chỉ vượt qua đói nghèo, ông Thào A Thái, Bí thư chi bộ bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) còn tặng cả chục con bò cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Lời toà soạn:
Cùng với sự phát triển của đất nước, đồng bào các dân tộc Việt Nam ngày càng linh hoạt, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Những tấm gương làm kinh tế giỏi không chỉ nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược.
VietNamNet ghi nhận những điển hình tiêu biểu, những cá nhân có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các thôn bản.
Quyết tâm làm giàu
Về xã Trung Lý hỏi nhà ông Thào A Thái (SN 1975) ai cũng biết, bởi đây là hộ giàu nhất bản Tà Cóm. Ông cũng là người sẵn sàng tặng bò cho những hộ khó khăn trong bản để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Tà Cóm cách trung tâm huyện Mường Lát khoảng 70km. Để vào bản, từ trung tâm xã Trung Lý phải băng qua gần 50km đường rừng. Nhà ông Thái có 4 gian, nằm nép mình bên sườn núi, rộng khoảng 100m2, được lát gạch hoa sáng bóng.
Ông Thái kể rằng trước kia gia đình ông rất nghèo, sống ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Năm 1991, cả nhà (11 người, gồm bố mẹ, vợ chồng ông và 7 anh em) di cư vào bản Tà Cóm sinh sống.
Gia đình ông Thái hiện có hơn 60 con trâu, bò. Ảnh: CT
“Ngày tôi mới đến, bản Tà Cóm không có đất để sản xuất. Gia đình tôi khai hoang mãi mới được ít đất trồng lúa nhưng chẳng đủ ăn, bữa cơm chủ yếu là các loại rau rừng. Thời điểm đó bố tôi nghiện ma túy, một thời gian sau qua đời nên gia đình càng thêm vất vả. Chính vì vậy, 7 anh chị em tôi không ai được đến trường”, ông Thái nhớ lại.
Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông sinh được 7 người con. Đến năm 2006, ông được bà con bầu làm trưởng bản. Chứng kiến cảnh gia đình, bản làng đói nghèo, ông luôn canh cánh trong lòng suy nghĩ làm sao để thoát được cái nghèo.
Không chấp nhận số phận, năm 2010, ông mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò sinh sản. Ngoài chăn nuôi, ông còn nhận hơn chục hecta đất rừng để trồng vầu, xoan.
“Ban đầu việc làm ăn không mấy suôn sẻ. Cây rừng chậm thu hoạch, vật nuôi liên tục chết khiến tôi lâm cảnh nợ nần. Nhận thấy nuôi trâu bò thả rông trên rừng núi có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi tiếp tục vay mượn để đầu tư”, ông Thái nói.
Ngôi nhà ông Thái nằm bên sườn đồi, được xem là hộ giàu nhất bản. Ảnh: CT
Năm 2015, ông vay thêm 30 triệu nữa để đào ao nuôi cá. Dần dần, vật nuôi, cây trồng bắt đầu cho thu nhập, ông trả hết nợ cho ngân hàng và có vốn quay vòng tái đầu tư.
Đến năm 2017, nhận thấy gia đình mình không còn nghèo nữa, ông Thái lên xã xin được ra khỏi hộ nghèo.
Tặng bò làm 'cần câu cơm'
Từ chỗ chỉ có vài ba con trâu bò, đến năm 2021, gia đình ông có tổng đàn hơn 60 con. Cá dưới ao ngày một nhiều, cộng với 3ha rừng vầu, hơn 10ha rừng xoan, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.
Không chỉ giỏi làm ăn kinh tế, ông Thái còn giúp đỡ những hộ nghèo trong bản bằng cách tặng bò làm “cần câu cơm”.
“Từ năm 2018 đến nay, sau khi báo cáo qua xã, tôi đã tặng hơn chục hộ gia đình nghèo nhất bản mỗi hộ một con bò để phát triển kinh tế. Việc làm ăn nếu suôn sẻ, tôi sẽ tiếp tục giúp nhiều người khác trong bản sớm thoát nghèo”, ông Thái chia sẻ.
Một góc bản Tà Cóm. Ảnh: CT
Từ năm 2022 đến nay, ông Thái làm Bí thư chi bộ của bản. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông còn tuyên truyền cho bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi cách nghĩ, cách làm... để nâng cao chất lượng cuộc sống.
7 người con của ông nay đã lập gia đình. Ông còn mua được ô tô tải để phục vụ việc thu mua nông, lâm sản.
Nhận xét về vị Bí thư chi bộ bản Tà Cóm, bà Trương Thị Huyên, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Mường Lát cho biết, ông Thào A Thái là người dân tộc Mông, phụ trách một bản khó khăn của xã Trung Lý. Ông không những là một bí thư chi bộ gương mẫu, mà còn là tấm gương về nghị lực vượt khó, làm kinh tế giỏi.
Ông đã giúp bản từ chỗ có 112 hộ (100% hộ nghèo, cận nghèo) đến nay 11 hộ đã thoát nghèo.
“Những năm qua, ông Thái luôn đi đầu trong công tác giảm nghèo, giúp đỡ bà con trong bản phát triển kinh tế. Ông được tặng nhiều giấy khen và danh hiệu hộ gia đình sản xuất giỏi. Ông là một trong những điển hình tiên tiến, được biểu dương khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020”, bà Huyên nói.
Chung chí hướng, 26 hộ dân trên bản Mé Lếch cùng tham gia hợp tác xã để trồng quả na chất lượng cao trên quy mô lớn. Năm nào các hộ xã viên cũng đua nhau ôm về tiền tỷ.
Sau khi làm liều để tạo ra được quả vải thiều hữu cơ đắt giá nhất tỉnh Bắc Giang, lão nông người dân tộc Sán Dìu Trần Văn Hành lại bắt trend 'bán cảm xúc' từ chính đồi cây và thu tiền to.