Từ bỏ vị trí Giám đốc điều hành của công ty dược phẩm với hàng trăm nhân viên, chàng trai ấy đã lựa chọn một hướng đi khác biệt, đầy chông gai: đưa cây thuốc Việt trở thành những sản phẩm có giá trị.

Lối đi riêng

Ngày mới gặp, tôi cũng có cảm giác như nhiều người khác, không nghĩ Phan Văn Hiệu, chàng dược sĩ có vẻ ngoài như một nghệ sĩ ấy lại là người đam mê kinh doanh và ấp ủ trong đầu những dự định táo bạo. Phan Văn Hiệu sinh ở vùng quê Hưng Yên, mảnh đất có truyền thống trồng dược liệu. Hình ảnh những cánh đồng bạt ngàn với đủ loại cây thuốc nam đã ăn sâu trong tiềm thức cậu bé từ thuở ấu thơ.

Chính từ những ngày ấy, đầu óc non nớt của cậu thấm dần tác dụng vô giá của những cây thuốc nam. Theo ngày tháng, mơ ước trở thành người có thể bào chế cây thuốc nam thành thuốc chữa bệnh cho mọi người càng lớn dần trong suy nghĩ của Hiệu.

Ngày cầm giấy báo đỗ Đại học Dược (Hà Nội), khỏi phải nói chàng trai 18 tuổi ấy mừng đến thế nào. Ước mơ bao năm ấp ủ đã bước đầu được nhen nhóm. Luôn là một trong những sinh viên đứng đầu khóa về thành tích học tập, Hiệu lần lượt nhận được các học bổng của các công ty Dược phẩm và học bổng Furyo của Chính phủ Nhật Bản.

Tốt nghiệp đại học, Hiệu tiếp tục theo học Thạc sĩ, với thành tích học tập và nghiên cứu tốt, anh được giữ lại trường làm giảng viên. Nhưng khát vọng và ước mơ thời thơ ấu là được bào chế những vị thuốc tốt từ dược liệu trong nước cùng với đam mê kinh doanh, Hiệu đã chọn cho mình hướng đi khác, gác lại một bên giấc mơ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

{keywords}

Dược sĩ Phan Văn Hiệu và Dược sĩ Nguyễn Trường Thành trong 1 lần đi tìm cây thuốc cùng lương y tại xã Y Tí, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.


Mười năm sau khi ra trường, anh cùng với các đồng nghiệp của mình xây dựng công ty dược phẩm lớn mạnh có hơn 200 nhân viên, doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm với 5 công ty thành viên và hệ thống phân phối rộng khắp cả nước. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như anh không từ bỏ vị trí CEO (Giám đốc điều hành) tại công ty mà anh dày công xây dựng, từ bỏ cả một hệ thống khách hàng và nhân viên đã phát triển ổn định trong 10 năm và mức thu nhập hàng chục ngàn đô la Mỹ một tháng để lao vào thực hiện ước mơ.

Từ đây, anh bắt đầu một định hướng khác, xây dựng một hệ thống và cách làm, cách tiếp cận hoàn toàn mới với đầy rủi ro và mạo hiểm. Song hành cùng anh trong những ngày đầu gian khó ấy là người bạn thân từ thời đại học, dược sĩ Nguyễn Trường Thành. Hai chàng trai với gương mặt hiền lành ấy sáng lập Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI.

Là người làm kinh doanh nhưng đam mê nghiên cứu khoa học, Hiệu và Thành bắt đầu tìm cho mình một hướng đi riêng đầy chông gai nhưng khác biệt, lấy chất lượng sản phẩm là giá trị cốt lõi, chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học để nâng tầm giá trị thảo dược Việt Nam làm định hướng chiến lược.

Cả hai không ngừng trăn trở làm sao để biến những kết quả nghiên cứu, tâm huyết của các nhà khoa học thành sản phẩm phục vụ cho người dân thay vì bị cất trong ngăn kéo. Trong suy nghĩ của họ, phải vừa tận dụng được chất xám của các nhà khoa học vừa đem lại chuỗi giá trị gia tăng không chỉ cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho các nhà nghiên cứu.

Chấp nhận rủi ro


Nhiều lần trò chuyện, Hiệu luôn đau đáu khát khao được cống hiến tâm sức cho các dự án về dược liệu nội. Anh chia sẻ: “Khi học trong trường tôi nhận thấy rất nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị về dược liệu của các thầy sau khi được nghiệm thu thường cất vào trong ngăn kéo, hoặc không có hướng ứng dụng do thiếu thực tế hoặc được chuyển giao với một giá trị cực kỳ rẻ mạt.

Đấy là một sự lãng phí vô cùng lớn”. Khi mới ra trường, vừa không đủ kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, vừa không có tiền, đành phải đi làm thuê và từ đó có cơ hội tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc.

Giờ điều kiện cho phép Phan Văn Hiệu cùng đồng sự tiếp tục theo đuổi giấc mơ từ thời sinh viên, xây dựng một doanh nghiệp dược phẩm định hướng phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ các dược liệu sẵn có trong nước, với việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sử dụng, nâng tầm các thảo dược truyền thống mà Việt Nam sẵn có.

Trong khi năng lực nghiên cứu và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển tự thân doanh nghiệp đang khó khăn, chỉ có một cách đi tắt đón đầu là tìm kiếm các đề tài khoa học có tiềm năng ứng dụng để hợp tác chuyển giao hoặc đặt hàng các nhà khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau nghiên cứu phát triển cho mình.

Cách làm này vừa tận dụng được chất xám của các nhà khoa học, vừa rút ngắn quá trình phát triển sản phẩm mới dựa trên các thành tựu nghiên cứu khoa học, đem lại giá trị gia tăng cho tất cả các bên, từ doanh nghiệp, nhà khoa học, người bệnh sử dụng đến người nông dân nuôi trồng dược liệu”.

Từ định hướng đó, trong nhiều năm, Hiệu và Thành mò mẫm đến hàng chục trường ĐH khối ngành y dược, trung tâm nghiên cứu, gặp gỡ nhiều nhà khoa học, từ dược học, bào chế, hóa học, thực vật học, dược liệu, các thầy thuốc y học cổ truyền…tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Nhớ về những ngày đầu đầy khó khăn trong quá trình thuyết phục các nhà khoa học cùng tham gia các dự án, Hiệu bảo: “Có những đề tài rất hay nhưng khi nâng lên thành quy mô công nghiệp thì lại gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, kỹ thuật, máy móc, công nghệ và thậm chí cả chất lượng sản phẩm nên không phải mối lương duyên nào cũng gặt được quả ngọt và thành công”.

Lương duyên đặc biệt


Mối lương duyên đầu tiên cho quả ngọt chính là sự hợp tác giữa Phan Văn Hiệu và đồng nghiệp với Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Từ một đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano sản xuất ra các hệ dẫn thuốc tan trong nước đã được nghiệm thu và cất trong ngăn kéo, Phan Văn Hiệu cùng đồng nghiệp đã đề xuất tập thể các nhà khoa học ứng dụng vào việc sản xuất ra Nano curcumin, một thành phần hoạt tính có giá trị sinh học cao chiết xuất từ củ nghệ vàng.

Nếu tôi đi theo con đường cũ, tôi sợ rằng tôi quen với nó và sẽ ngại thay đổi. Tôi cứ “ngủ quên” và sẽ không kịp “thức giấc”. Những thành công bước đầu đang chứng minh sự lựa chọn của chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn.

Cumargold với nano curcumin được bầu chọn là một trong 10 thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2013 của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN. Nói về việc hợp tác này, GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Chủ nhiệm Chương trình Nano Quốc gia chia sẻ: “Đây không đơn giản là những thành tích của những người làm khoa học trong lĩnh vực hóa học mà cần có những nhà dược học đã hợp tác chặt chẽ với chúng tôi để cho ra đời những sản phẩm có giá trị”.

Mới đây, Phan Văn Hiệu và các đồng nghiệp còn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai đề tài nâng cao giá trị của cây ba kích tím tại địa bàn tỉnh, trong đó ứng dụng công nghệ Nano để sản xuất. Tương lai sẽ còn những dòng sản phẩm từ gấc, lan gấm, tỏi đen…

Khi được hỏi tại sao các anh lại mạo hiểm đánh đổi những gì đã dày công xây dựng để chuyển sang một ngã rẽ khác đầy chông gai, vất vả, rủi ro như vậy, Phan Văn Hiệu chia sẻ: “Nếu tôi đi theo con đường cũ, tôi sợ rằng tôi quen với nó và sẽ ngại thay đổi.

Tôi cứ “ngủ quên” và sẽ không kịp “thức giấc”. Những thành công bước đầu đang chứng minh sự lựa chọn của chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn. Cùng với ê kíp những cộng sự trẻ đầy đam mê, dám nghĩ dám làm, chúng tôi sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách để khẳng định chất lượng thương hiệu cây thuốc Việt”.

{keywords}
Việt Nam có nhiều nguồn dược liệu quý chưa được đánh thức


Quyết tâm để phát triển nhiều hơn nữa những sản phẩm được bào chế từ dược liệu nội là sự lựa chọn của những người trẻ này. Chắc chắn sẽ có sóng gió nhưng nếu “vị thuyền trưởng” ấy vững tâm, bền chí, con thuyền sẽ đến được bến thành công. Phan Văn Hiệu luôn tâm niệm: “Mình không chỉ đứng trên bờ để dò dòng nước mà cần lao xuống bơi để biết mình sẽ bơi thế nào”.

Theo Tiền Phong