Gia-cong-1.jpg
Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm ở Tokydo, Nhật tháng 5/2009. Ảnh fpt.com.vn

Trước thềm sự kiện Diễn đàn CNTT Thế giới (WITFOR 2009) cuối tháng 8 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) đã tổ chức ngày hội CNTT Việt – Nhật. Tại đây, các đại biểu đến từ các doanh nghiệp trong nước đã nhiều năm lăn lộn với thị trường Nhật như FPT Software, Luvina… và cả những đại diện đến từ Nhật đã chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn của việc làm gia công với quốc gia Đông Á này.

Còn khoảng cách xa Trung Quốc, Ấn Độ

Theo điều tra của Cơ quan phát triển thông tin và công nghệ Nhật Bản (IPA), Việt Nam hiện là đối tác gia công phần mềm (GCPM) lớn thứ 3 của Nhật, đạt khoảng 13 triệu USD và chiếm 0,5% giá trị thị trường GCPM của nước này trong năm 2007, sau Trung Quốc (60%) và Ấn Độ (22%). Năm 2008, doanh thu từ GCPM cho thị trường Nhật của Việt Nam ước tính đạt khoảng 20 triệu USD, chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số 3,9 tỷ USD chi phí các doanh nghiệp Nhật đã gia công ra thị trường nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp phần mềm Việt Nhật (VJC), Tổng giám đốc Công ty NEC Solutions Việt Nam (chi nhánh TP.HCM), số công ty phần mềm Việt Nam làm cho thị trường Nhật hiện không nhiều, chỉ có khoảng 20 công ty đáng kể (những công ty có 40-50% hoạt động của họ là làm cho thị trường Nhật).

Trong đó, FPT Software là công ty lớn nhất, hiện có khoảng 1.800 người làm cho thị trường Nhật. Trong năm 2008, thị trường Nhật chiếm khoảng 60% tổng doanh thu trên 40 triệu USD của FPT Software, tức khoảng 25 triệu USD. Các công ty còn lại, theo ông Hùng, thường có từ vài chục đến vài trăm nhân viên làm cho thị trường Nhật.

Các dịch vụ gia công phần mềm với thị trường Nhật của Việt Nam chủ yếu là viết mã (coding) và kiểm thử - những việc gia công có giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết gần đây các công ty Việt Nam bắt đầu nhận được việc gia công có giá trị cao hơn, ví dụ như thiết kế chi tiết, phát triển phần mềm nhúng.

So với Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam không chỉ có khoảng cách xa về doanh thu mà cả về cả về giá trị gia công. Theo khảo sát của IPA, Trung Quốc hiện nay chủ yếu đi vào các dịch vụ thiết kế chi tiết, viết mã, kiểm tra chi tiết, kiểm thử và kiểm tra tích hợp. Năm nay, Trung Quốc làm nhiều việc hơn về mảng thiết kế chi tiết và kiểm tra tích hợp so với năm trước. Còn Ấn Độ đã tiến đến mức cao hơn, họ tập trung vào những dịch vụ nghiên cứu phát triển (R&D), kiểm tra tích hợp và thiết kế.

Một số doanh nghiệp Việt Nam làm cho thị trường Nhật cho rằng điểm yếu lớn nhất của chúng ta hiện này là nhân lực biết tiếng Nhật. Tìm được một kỹ sư nói tiếng Anh tốt đã rất khó, chỉ khoảng 1-2% có khả năng như vậy. Nhưng tiếng Nhật thì hầu hết kỹ sư phần mềm không biết, doanh nghiệp phải đào tạo từ đầu. Bên cạnh đó, lạm phát tăng khoảng 30-40% mỗi năm đã đẩy mức lương tăng, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về giá. Điều này theo ông Hùng khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh với những thành phố nhỏ ở Trung Quốc – những nơi cũng có khả năng đáp ứng vài chục nghìn nhân lực, trong khi họ nói tiếng Nhật tốt hơn.

Ông Ogura, Giám đốc Hitachi Software tại Việt Nam cho rằng chi phí của Việt Nam không phải là cạnh tranh. Doanh nghiệp Trung Quốc có quy mô tốt hơn, mức độ tiết kiệm chi phí tốt hơn Việt Nam. Khi làm gia công ở Việt Nam, vấn đề lớn nhất với các công ty Việt Nam là tiếng Nhật. Nhật làm với Trung Quốc bằng tiếng Nhật, Việt Nam rất vất vả. Thêm nữa, Việt Nam cũng có ít kỹ sư có kiến thức nghiệp vụ, do đó gặp khó khăn trong việc lấy dự án có giá trị gia công cao hơn viết mã hay kiểm thử như thiết kế chi tiết.

Trong khi đó, theo đại diện của công ty phần mềm CMC, trước đây các công ty Nhật khi làm ăn với Việt Nam họ đòi hỏi ít hơn. Nhưng giờ đây khi họ có căn cứ chắc chắn ở Trung Quốc, và có chút ít cơ sở ở Việt Nam, nên họ đòi hỏi với doanh nghiệp cũng cao hơn. Các công ty Nhật cũng bắt đầu đưa mình ra so sánh với Trung Quốc.

Gia-cong-2.jpg

Cách thuyết phục khách hàng Nhật

Ông Hiroyuki Shimoda, Chủ tịch công ty Global Net One (Nhật) lưu ý một số điểm các công ty phần mềm Việt Nam nên biết khi bắt đầu với công ty Nhật. Thứ nhất là cần có cách làm riêng, thể hiện sự khác biệt với công ty khác. Hai là phải chấp nhận đầu tư trước để thể hiện cam kết với thị trường Nhật, không thể nói với khách hàng Nhật là hãy giao việc cho tôi, tôi sẽ đầu tư. Nói chung, nếu chỉ tiếp thị không, người Nhật sẽ không tin và không giao việc.

Yếu tố thứ ba rất quan trọng là phải có kỹ sư cầu nối. Không chỉ đơn giản là người thông dịch, các kỹ sư cầu nối còn có trách nhiệm lấp kín khoảng cách văn hóa, khoảng cách địa lý. Ví dụ, vào thời điểm giao hàng, các kỹ sư Nhật có thể thức xuyên đêm để hoàn tất dự án, trong khi Việt Nam có khi chưa thấy gấp gáp lắm. Trong trường hợp này, các kỹ sư cầu nối phải truyền đạt được sự vội vã của công ty Nhật với đối tác Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Hiroyuki Shimoda, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nên điều tra công ty đối thủ với mình để hình dung được khách hàng qua đối thủ cạnh tranh; nên nói rõ với khách hàng Nhật biết về dân số trẻ của Việt Nam, bởi thực tế người Nhật không hình dung được đa số kỹ sư phần mềm người Việt Nam mới trên 20 tuổi. Với dân số trẻ như vậy, khó tìm được người có kinh nghiệm. Một yếu tố nữa là không nên thổi phồng năng lực, các công ty Nhật rất ghét những công ty thổi phồng về mình, có thể làm cái này cái kia.

Còn ông Ogura, Giám đốc Hitachi Software tại Việt Nam cho rằng để làm gia công phần mềm với Nhật thuận lợi, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần thạo kỹ thuật, có kinh nghiệm quản lý, thể hiện cho người Nhật biết sẵn sàng làm việc, cần có một điểm đặc biệt khác với doanh nghiệp khác như khả năng đảm bảo chất lượng hay một hướng nhỏ để phát triển sản phẩm tốt hơn doanh nghiệp khác, nói chung là phải có đặc điểm nổi trội nào đó.

Ông Ogura cũng lưu ý hiện nay suy thoái kinh tế đẩy đồng yên của Nhật lên giá, khách hàng Nhật bắt đầu ủy thác sang Việt Nam để lợi dụng chi phí của đồng yên. Ở khía cạnh này, trung Quốc cũng rất mạnh, họ sẵn sàng giảm giá kịch liệt để lấy được việc. Vì vậy, nếu làm gia công lâu dài với Nhật, Việt Nam phải cạnh tranh ở quy mô quốc gia, đặc biệt là với Trung Quốc và từng công ty.

Một số điển hình thành công

Ông Hiroyuki Shimoda đưa ra một số điển hình trong việc thuyết phục khách hàng Nhật giao dự án. Trường hợp đầu tiên là một công ty cho nhân viên của họ tập một vở kịch yêu thích của người Nhật, cuối cùng có việc làm. Khi cố gắng đầu tư một cái gì đó làm cho người Nhật cảm động cũng là cách tiếp thị tốt.

Trường hợp thứ hai là một doanh nghiệp Ấn Độ tuyển toàn bộ nhân viên nữ trẻ đẹp vào bộ phận tiếp thị, làm việc với công ty Nhật và thành công. Với phụ nữ, người Nhật cảnh giác thấp hơn khi làm việc với nam giới.

Và trường hợp thứ ba là một tỉnh của Trung Quốc đến Nhật tổ chức một hội thảo thu hút các công ty Nhật đến khách sạn hạng sang ở Tokyo. Kết quả khá nhiều công ty Trung Quốc tham gia giới thiệu tại hội thảo đó có việc làm với Nhật. Theo ông Hiroyuki Shimoda, chi phí cách này có thể tốn kém nhưng Chính phủ Việt Nam cũng có thể tổ chức sự kiện tương tự nếu xác định Nhật là thị trường tiềm năng lớn.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 9/2009