{keywords}
Khánh Hòa hiện có 391 dịch vụ công mức độ 4, đạt tỉ lệ 34,21% trên tổng số dịch vụ công của tỉnh (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa công bố danh mục mới các thủ tục hành chính cho phép người dân, doanh nghiệp được nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thực hiện bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo danh mục mới được công bố, tỉnh Khánh Hòa hiện có 746 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 391 dịch vụ công mức độ 4, đạt tỉ lệ 34,21% trên tổng số dịch vụ công của tỉnh. Đây được đánh giá là một bước đột phá của tỉnh Khánh Hòa so với thời điểm chưa công bố danh mục mới. Bởi lẽ, đến cuối tháng 7/2020, tỉnh Khánh Hòa mới chỉ công bố 107 dịch vụ công mức độ 3 và 33 dịch vụ công mức độ 4.

Cũng tại danh mục trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố cập nhật 451 dịch vụ công cho phép thanh toán trực tuyến, chiếm gần 40% tổng số dịch vụ công của tỉnh, tăng 191 thủ tục so với thời điểm cuối tháng 7/2020.

Cùng với việc công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến, UBND tỉnh Khánh Hòa còn cho phép áp dụng dịch vụ bưu chính công ích đối với 100% dịch vụ công của tỉnh.

Như vậy, kể từ tháng 9/2020, người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước tỉnh Khánh Hòa đã có thể sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nhận kết quả tại nhà với tất cả các thủ tục hành chính. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng dịch vụ nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính với các thủ tục không bắt buộc người thực hiện hiện phải có mặt tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đánh giá của đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, để có được kết quả trên, tỉnh Khánh Hòa đã có những bước chuẩn bị đồng bộ và kỹ lưỡng.

Cụ  thể, từ cuối năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã trở thành một trong các tỉnh/thành phố sớm hoàn thành việc xây dựng nền tảng thanh toán trực tuyến (online payment platform) và tích hợp vào Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Cũng tại thời điểm đó, hệ thống Trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa (gồm Cổng Dịch vụ công, phần mềm một cửa điện tử dùng chung toàn tỉnh và các phân hệ hỗ trợ) đã kết nối đồng bộ với hệ thống quản lý dịch vụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost). Sau hơn 2 năm triển khai, tỉnh Khánh Hòa luôn là địa phương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về giải quyết hồ sơ trực tuyến và cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.

Đặc biệt, từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19 vào đầu tháng 2/2020, tuy chưa có quyết định công bố danh mục nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc này nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đảm bảo việc cung cấp dịch vụ công trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Thông qua việc mở rộng phạm vi và tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong thời gian chống dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã có những cơ sở quan trọng để thực hiện rà soát, công bố danh mục thủ tục hành chính cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thực hiện bưu chính công ích.

Đến nay, Khánh Hòa đã có tên trong số những tỉnh, thành phố sớm hoàn thành mục tiêu cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 17.

Với quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thực hiện bưu chính công ích mới ban hành, tỉnh Khánh Hòa đang kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mới trong thời gian tới, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai dịch vụ công trực tuyến và cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công. 

Theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến nay, đã có 23 bộ, ngành, địa phương hoàn thành chỉ tiêu cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4, với 9 bộ, ngành gồm các bộ: KH&ĐT, Nội vụ, Tài chính, TT&TT, Giao thông Vận tải, Y tế, Xây dựng, VHTT&DL, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; và 14 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Hòa Bình và Khánh Hòa.

Tuy nhiên, trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương vào chiều ngày 26/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020 và hướng đến năm 2021 hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Vân Anh

Bến Tre lập tổ công tác triển khai kế hoạch cung cấp 100% DVCTT mức 4

Bến Tre lập tổ công tác triển khai kế hoạch cung cấp 100% DVCTT mức 4

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, đối với các thủ tục có thể thực hiện mức 4.