Được chồng tin tưởng giao toàn bộ tiền lương và gia sản gần 40 năm nay, tôi nghĩ mình cũng đã chứng minh bản thân hoàn toàn xứng đáng với sự tin tưởng đó.
Nghe các cô vợ trao đổi chuyện đóng góp chi tiêu trong gia đình, tôi cũng mạn phép chia sẻ câu chuyện của gia đình mình, biết đâu có thể hữu ích cho ai đó.
Vợ chồng tôi năm nay ngoài 60 tuổi, có thể tư duy cũng khác các bạn trẻ. Nhưng tôi nghĩ để một người chồng tin tưởng giao toàn bộ tài sản cho mình, các cô vợ hãy chứng minh mình xứng đáng nhận được điều đó.
Chúng tôi đã kết hôn gần 40 năm, có với nhau 3 mặt con. Cuộc sống hôn nhân gần như chưa từng có mâu thuẫn, xô xát lớn.
Tôi cũng nói luôn, trong nhà, tôi là người giữ và quản lý gần như toàn bộ tiền bạc. Tôi có cả con trai, con gái. Gia đình các con tôi, mỗi đứa quản lý tiền bạc một kiểu, có đứa đưa cả lương cho vợ, nhưng cũng có đứa được chồng đưa 50-70% lương.
Tôi giới thiệu sơ qua như vậy, để các bạn biết là tôi cũng khá cởi mở với quan điểm của các bạn trẻ và hiểu tại sao các bạn lại phân chia rành mạch tiền vợ, tiền chồng. Chuyện của vợ chồng tôi, các bạn trẻ có thể lắng nghe tham khảo.
Theo tôi, dù mỗi cặp vợ chồng chọn cách phân chia tiền bạc như thế nào thì cũng cần dựa trên sự tin tưởng, chân thành và tôn trọng của hai người dành cho nhau. Vợ chồng tôi đều là công chức Nhà nước, thu nhập không cao. Xưa kia, để nuôi được 3 đứa con khôn lớn, chúng tôi phải chi tiêu dè sẻn, tính toán hết mức có thể.
Gần 40 năm nay, mỗi lần lĩnh lương xong, chồng tôi đều tự nguyện “nộp” cả cho vợ mà không cần một lời nhắc nhở hay đòi hỏi gì ở tôi.
Tháng nào cũng vậy, khi cầm xấp tiền đưa cho vợ, mặt anh đều rạng rỡ, tự tin. Tôi tin rằng, đó là niềm tự hào của một người đàn ông trụ cột gia đình. Chính vì thế, khi nhận tiền từ chồng, tôi cũng luôn thể hiện sự vui vẻ và biết ơn, chưa bao giờ tôi hoạnh họe anh tháng này sao lại nhiều hơn hay ít hơn mọi khi.
Nhiều bạn có thể nói tôi tốt số, nhưng theo tôi, để có được sự tin tưởng tuyệt đối từ chồng như thế, tôi cũng phải chứng minh mình là một người vợ biết lo toan, vun vén. Đặc biệt, với nhà chồng, tôi chưa bao giờ tính toán chi li, hẹp hòi. Thậm chí, tôi luôn là người chủ động đề xuất hoặc báo với anh tháng này ở quê, bố mẹ, anh chị em có việc này việc kia, mình sẽ đóng góp và biếu, tặng bao nhiêu và tại sao lại là ngần ấy.
Chồng tôi chưa bao giờ đòi hỏi tôi phải báo cáo các khoản chi tiêu trong nhà, nhưng tôi luôn chủ động báo cho anh biết, để anh hiểu tiền của mình đã chi dùng cho những việc gì và cũng là để thể hiện sự tôn trọng của tôi với chồng.
Sau này, chồng tôi được thăng chức nên thu nhập cao hơn tôi. Cũng vì thế, tôi luôn biết ý - hào phóng với nhà nội hơn một chút về mặt vật chất. Tôi cho rằng, đó là sự biết điều của người phụ nữ, chứ không phải sự lép vế trong hôn nhân.
Cả anh và tôi đều hiểu rằng, để anh có thời gian phát triển sự nghiệp, tôi đã vất vả hơn trong việc nuôi dạy con cái. Nhưng tôi không bao giờ lấy việc đó ra để tị nạnh, đòi sự công bằng với anh. Thấy vợ “ưu ái” và quan tâm nhà nội như vậy, anh cũng rất hiểu chuyện, luôn dặn tôi mua quà bánh, thuốc bổ, đồ ăn ngon về biếu ông bà ngoại mỗi lần về quê. Các cháu tôi ở quê lên Hà Nội học hành, vui chơi, anh luôn chào đón và hỗ trợ hết sức có thể.
Cầm toàn bộ thu nhập của chồng, tôi luôn chủ động đưa lại ngay cho anh một khoản để tiêu vặt, giao lưu bạn bè. Ngày xưa, lương thấp, khoản này chỉ đôi ba trăm nghìn. Sau này, lương bổng anh tốt hơn, anh lại làm sếp ở cơ quan nên tôi luôn đưa lại cho anh một số tiền đủ để anh thoải mái quan hệ đồng nghiệp, đối tác.
Tôi cũng chủ động mở cho anh một thẻ ngân hàng, để trong đó đôi ba chục triệu, đề phòng anh có việc gấp cần tiền ngay thì có thể quẹt thẻ mà không cần phải gọi cho vợ. Tháng nào có việc cưới xin, ma chay mà anh là người phải đi, tôi đều chủ động đưa thêm cho anh ngay từ đầu tháng. Tôi luôn tránh để cho anh phải mất mặt trước mọi người và mang tiếng là bị vợ quản lý tiền nong.
Vậy việc dồn tiền vào một mối để làm gì? Theo tôi, việc này có nhiều lợi ích. Thứ nhất, chúng tôi sẽ biết hiện tại tổng tài sản của mình có bao nhiêu, để khi có việc lớn hay muốn đầu tư, kinh doanh, việc chuẩn bị kinh phí sẽ dễ dàng hơn.
Thứ hai, khi đã là tiền chung, chúng tôi sẽ có xu hướng chọn chi tiêu cho những thứ mà cả hai cùng đồng ý, chứ không phải chỉ vợ hài lòng mà chồng không ưng ý. Để cả hai cùng nhất trí thì phải có sự bàn bạc, chia sẻ. Việc đó cũng giúp chúng tôi hiểu được nhu cầu của nhau, thông cảm với nhau hơn trong cuộc sống.
Thứ ba, khi người vợ được chồng tin tưởng giao toàn bộ tài sản cho mình, tôi nghĩ chắc hẳn cô vợ nào cũng cảm thấy an toàn, cảm thấy mình đang được yêu thương, trân trọng trong cuộc hôn nhân này. Chẳng phải điều đó sẽ giúp đời sống tình cảm vợ chồng tốt lên hay sao?
Thú thực, khi được cầm toàn bộ thu nhập của chồng, mỗi lần anh làm điều gì thiếu sót hay chưa được chu toàn, tôi đều nghĩ về sự tin tưởng mà anh đã đặt ở tôi suốt mấy chục năm qua mà bỏ qua và thông cảm cho anh hơn.
Tóm lại, mỗi gia đình sẽ có một lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của mình, không có ai đúng ai sai. Trên đây là câu chuyện của gia đình tôi và góc nhìn của tôi trong chuyện phân chia trách nhiệm tài chính trong nhà.
Tôi cho rằng, để có một người chồng sẵn lòng giao cả gia sản của mình cho vợ thì người vợ ấy chắc hẳn cũng đã làm những điều xứng đáng với sự tin tưởng ấy.
Theo truyền thống gia đình ở Việt Nam, vợ thường nắm “tay hòm chìa khóa”. Nhưng ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ đã có những suy nghĩ khác. Người vợ không còn giữ phần lớn thu nhập của chồng, mà chỉ đề nghị đóng góp một phần đủ để chi tiêu trong nhà. Người chồng có thể giữ và tự quản lý phần còn lại.
Nhiều người cho rằng cách đóng góp này cho thấy phụ nữ hiện đại không còn phải phụ thuộc tài chính vào người chồng. Ngược lại, người chồng cũng cần phải san sẻ gánh nặng việc nhà với người vợ. Đó cũng là cách thể hiện rõ ràng nhất sự công bằng và bình đẳng giới trong quan hệ gia đình hiện đại.
Bạn có ý kiến như thế nào về quan điểm này? Hãy gửi câu chuyện về cách đóng góp tài chính của gia đình vào email: [email protected].
Một người vợ chia sẻ, ở nhà cô, tiền ai nấy tiêu, hai vợ chồng đóng góp vào quỹ chung theo tỷ lệ 50-50. Các bà vợ khác rần rần phản đối và cho rằng tiền trong nhà phải về một mối.