Những câu nói bóng gió liên quan đến chuyện ‘chăn gối’, làm tình… gây khó chịu cho người nghe đều là quấy rối tình dục, nhưng lại được nói giảm nói tránh đi là ‘trêu ấy mà’.
Lời tòa soạn:
Quấy rối tình dục là việc có những hành động hoặc lời nói liên quan đến vấn đề tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm cho cả nam giới hoặc nữ giới. Đây được xem là hành vi mang tính xúc phạm đối phương không được chấp nhận hay mong muốn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về các hành vi quấy rối tình dục. Có những hành vi nhiều người coi là bình thường lại chính là quấy rối tình dục.
Báo VietNamNet mở diễn đàn Quấy rối tình dục nơi công sở, trường học để cùng chia sẻ với các độc giả về những hành vi lệch lạc này. Bài viết liên quan xin gửi về: [email protected]
Thạc sĩ Tình dục học và Phát triển con người Đinh Thái Sơn cho rằng, đã đến lúc chấm dứt “văn hóa trêu đùa” mà thực chất là đang dung túng cho quấy rối tình dục nơi công sở.
Chấm dứt ngay ‘văn hóa dung túng’
“Khi bước vào nghiên cứu Tình dục học, điều đầu tiên tôi nhận ra là văn hóa nhiều nơi ở Việt Nam đang dung túng cho quấy rối tình dục thông qua hình thức ‘trêu đùa’ giữa trai và gái mà không nhiều người nhận ra.
Những câu nói bóng gió liên quan đến chuyện ‘chăn gối’, làm tình… gây khó chịu cho người nghe đều là một kiểu quấy rối tình dục, nhưng lại nói giảm tránh đi là ‘trêu ấy mà’. Kể cả những lời bình luận khiếm nhã về cơ thể, quần áo hoặc cuộc sống tình cảm của đồng nghiệp cũng có thể khiến người khác cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm.
Tệ hơn, những hành vi sờ mó, ôm hôn hoặc bất kỳ hình thức tiếp xúc thể xác nào mà không có sự đồng ý đều được coi là những hành vi quấy rối tình dục. Thậm chí, cả những biệt danh, tên gọi không phù hợp, có tính chất tình dục hoặc sử dụng những từ ngữ miệt thị liên quan đến giới tính hoặc khả năng tình dục… đều nằm trong danh sách những hành vi, ngôn từ không được phép xuất hiện trong môi trường công sở hay bất cứ môi trường nào. Lâu nay chúng ta hay dung túng cho nó dưới những lời bao biện là “trêu ấy mà”, “tính anh ấy/cô ấy thế, chứ không có ý gì”…”.
Chuyên gia này cho biết, “văn hóa dung túng” hiện diện ở nhiều nơi, từ các công ty cho tới vỉa hè, từ xóm ra phố, thậm chí còn ở các trường học. “Đâu đó có những cảnh nam trêu nữ, gái trêu trai, cười đùa chí chóe, chạy đuổi... Những hành vi tác động đến thể chất như sờ mó, đụng chạm cơ thể, cấu véo,... đó là quấy rối tình dục rành rành”.
Chính “văn hóa” này sẽ khiến cho việc “bắt tội sếp quấy rối tình dục nhân viên, đồng nghiệp quấy rối tình dục đồng nghiệp” trở nên khó khăn.
Theo ông Sơn, các hành vi quấy rối tình dục được coi là "trêu đùa" trong văn hóa Việt Nam là một hiện tượng phức tạp và đáng lo ngại. Sự dung túng cho những hành vi này không chỉ làm giảm tính nghiêm trọng của hành vi quấy rối, mà còn khiến nạn nhân cảm thấy bất lực và không được hỗ trợ đúng mức.
“Đó cũng là một trở ngại lớn cho tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người”.
Khi kẻ quấy rối có quyền lực cao, hãy tìm sự giúp đỡ
Thạc sĩ Đinh Thái Sơn cho rằng, những hành vi quấy rối tình dục không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân nạn nhân mà còn làm hại đến môi trường làm việc chung. Để thay đổi thực trạng này, việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền được làm việc trong một môi trường an toàn và tôn trọng là rất cần thiết.
“Bất cứ cơ quan, tổ chức nào cũng nên phát triển và thực thi chính sách chống quấy rối tình dục rõ ràng, được truyền đạt rộng rãi đến tất cả nhân viên. Chính sách này cần mô tả cụ thể những gì được coi là quấy rối tình dục, cách thức báo cáo, và các hình thức kỷ luật dành cho người vi phạm.
Bên cạnh đó, mỗi tổ chức nên thiết lập một kênh báo cáo bảo mật và dễ tiếp cận để nhân viên có thể báo cáo các sự việc mà không sợ bị trả thù hoặc phân biệt đối xử. Khi có báo cáo về quấy rối, cần tiến hành điều tra kỹ lưỡng, nhanh chóng, và công bằng để xác minh sự việc”.
Ngoài ra, tổ chức nên áp dụng các biện pháp kỷ luật thích đáng đối với người vi phạm, từ cảnh cáo đến sa thải, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Tuy nhiên, có một thực tế là khi kẻ quấy rối là những người có quyền lực cao trong tổ chức, việc phản ánh và tố giác sẽ khó hơn rất nhiều.
Với tình huống này, ông Sơn cho rằng, người lao động cần phải tỉnh táo và có sự chuẩn bị trước khi tố giác hành vi quấy rối. “Khi chứng kiến hoặc trải qua hành vi quấy rối, hãy ghi chép lại mọi chi tiết có liên quan như thời gian, địa điểm, những người liên quan, và mô tả chi tiết về sự việc. Việc này sẽ hỗ trợ cho quá trình điều tra sau này.
Bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp hoặc lãnh đạo khác mà bạn tin tưởng. Trong trường hợp người quấy rối có quyền lực cao trong tổ chức, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người ở vị trí cao hơn hoặc bộ phận nhân sự là cần thiết. Nếu tổ chức không xử lý đúng cách hoặc nếu bạn cảm thấy mình cần thêm sự hỗ trợ, có thể tìm đến luật sư hoặc tổ chức hỗ trợ ngoài để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý.
Đặc biệt, trong khi xử lý tình huống, hãy giữ một thái độ chuyên nghiệp và kiên định. Đây là vấn đề nghiêm trọng liên quan đến quyền làm việc trong một môi trường không bị quấy rối” – ông Sơn đưa lời khuyên.
Chuyên gia này cho rằng, trong một xã hội hiện đại, nhận thức về sự cần thiết của việc tôn trọng không gian cá nhân và đặt ra những giới hạn rõ ràng trong giao tiếp là rất quan trọng.
Để nâng cao nhận thức, chúng ta cần giáo dục cộng đồng về các vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục và thay đổi cách thức xã hội phản ứng với những hành vi này. Việc phân biệt rõ ràng giữa "trêu đùa" và quấy rối tình dục là bước đầu tiên quan trọng trong việc thay đổi thái độ và hành động ở mọi cấp độ của xã hội.
Nhiều người tại công sở không tin nam giới cũng là nạn nhân của việc quấy rối tình dục, nên một lần nữa, người bị "sàm sỡ" có thể trở thành tâm điểm của sự cười nhạo.