- Tôi là người mê phượt, đi chơi xa bằng xe mô tô của mình. Cách đây vài ngày, khi thực hiện hành trình xuyên Việt bắt đầu từ Hà Nội, tại một tỉnh cách Hà Nội gần 200km, tôi đã đi vượt quá tốc độ cho phép (55km/h trong khi cho phép 50km/h).
CSGT đã tạm giữ giấy phép lái xe và yêu cầu 5 ngày sau tôi quay lại đó nộp phạt. Tuy nhiên, kể cả khi tôi quay trở về Hà Nội thì việc 5 ngày sau cũng không thể kịp để nộp, vì thế tôi đã mong muốn được nộp phạt tại chỗ. Có điều CSGT nhất định không chịu đồng ý.
Xin hỏi luật sư việc CSGT tạm giữ giấy phép lái xe của tôi trong khi tôi có đủ điều kiện nộp phạt tại chỗ là đúng hay sai? Và trong những trường hợp nào CSGT đc phép giữ GPLX? Cảm ơn luật sư.
Tôi bị CSGT giữ giấy tờ xe khi đang trên đường phượt (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Trường hợp cảnh sát giao thông phải lập biên bản và ra quyết định xử phạt.
Theo Điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông
“Điều 15. Xử lý vi phạm
1. Khi phát hiện có hành vi vi phạm, cán bộ tuần tra, kiểm soát được phân công nhiệm vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính xong, cán bộ tuần tra, kiểm soát gửi biên bản cho người vi phạm và thông báo các hành vi vi phạm cho những người trên phương tiện biết để chấp hành việc giám sát. Đối với những phương tiện chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên, cán bộ tuần tra, kiểm soát được phân công nhiệm vụ phải trực tiếp lên khoang chở khách để thông báo. Trường hợp không phát hiện vi phạm cũng phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị,...) đã giúp đỡ lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ”.
3. Đối với vi phạm thuộc trường hợp không phải lập biên bản vi phạm hành chính hoặc thuộc thẩm quyền của mình mà không cần phải điều tra xác minh thì có thể ra quyết định xử phạt tại chỗ hoặc ngay trong thời gian thực hiện ca tuần tra, kiểm soát. Đối với những trường hợp khác thì phải củng cố hồ sơ vi phạm chuyển đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt.”
Trường hợp Cảnh sát giao thông phải lập biên bản được thực hiện theo Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính như sau:
Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Căn cứ theo quy định của pháp luật thì đối với trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ thì Cảnh sát giao thông phải lập biên bản.
Thứ hai: Trường hợp tạm giữ giấy phép lái xe cho đến khi chấp hành xong quyết định xử phạt.
Theo quy định tại khoản 6, điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
"6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này".
Vì vậy, việc tạm giữ GPLX của công an với anh là có cơ sở và thuộc thẩm quyền của chính người có quyết định xử phạt trong trường hợp này.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc