Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp chủng mới của virus corona (nCoV), rất nhiều người đã và đang "mua vét" khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn,... Trong đó, không ít người gom hàng với mục đích bán ra giá cao hơn. Vậy, hành vi như thế nào có thể chịu chế tài từ pháp luật?
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo quy định của Chính phủ, cơ quan chức năng xử phạt từ 5-10 triệu đồng đối với người lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để "mua vét", gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả (do thiên tai, hỏa hoạn,…).
Rất đông người dân chen lấn mua khẩu trang y tế (ảnh: Minh Chiến) |
Luật sư cho rằng những người có hành vi đầu cơ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội "Đầu cơ". Hình phạt ở tội danh này quy định tại Điều 196, Bộ Luật Hình sự 2015, có mức phạt nhẹ nhất là 30 triệu đồng, cao hơn là phạt tù từ 6 tháng – 3 năm. Cá nhân phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức đầu cơ hàng hóa trị giá từ 1,5 - 3 tỉ đồng và thu lợi bất chính từ 500 triệu - dưới 1 tỉ đồng có thể đóng phạt từ 300 triệu - 1,5 tỉ đồng hoặc đi tù 3-7 năm.
Trong tình huống, cơ quan chức năng phát hiện hành vi đầu cơ hàng hóa trị giá 3 tỉ đồng trở lên, qua đó thu lợi bất chính 1 tỉ đồng trở lên. Đồng thời, đây là trường hợp tái phạm nguy hiểm. "Pháp luật phạt tiền từ 1,5 - 5 tỉ đồng hoặc phạt tù 7-15 năm đối với người có hành vi phạm tội mang tính chất, mức độ như vậy. Đặc biệt, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này có thể bị xử phạt từ 300 triệu - 9 tỉ đồng" - luật sư nhấn mạnh.
Thạc sĩ Nguyễn Hải Yến (Giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân) phân tích Bộ Luật hình sự 2015 định nghĩa đầu cơ là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo để "mua vét" hàng hóa có số lượng lớn rồi bán lại, thu lợi bất chính.
Thạc sĩ Nguyễn Hải Yến dẫn chứng dịch bệnh dẫn đến khan hiếm một số mặt hàng, như: khẩu trang y tế, nước rửa tay, thực phẩm… Tình hình trên có thể được cơ quan có thẩm quyền tuyên bố, xác định; cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cụ thể. Lợi dụng hoàn cảnh, người nắm độc quyền kinh doanh một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cố ý tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách giữ hàng hóa không bán ra thị trường; hay một số tư thương tung tin thất thiệt nhằm tạo ra sự khan hiếm giả tạo hòng trục lợi từ việc bán hàng giá cao...
(Theo Người lao động)