- Sau phản đối của một số quốc gia trong khu vực về các vụ việc xảy ra trên vùng biển tranh chấp, Trung Quốc một lần nữa đã quả quyết về chủ quyền của họ trên Biển Đông.
"Trung Quốc nắm giữ chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư nói với báo chí tại Bắc Kinh hôm 8/3. "Trung Quốc tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng tham vấn thân thiện với các quốc gia khác”.
Những phản đối mới đây càng gia tăng kêu gọi từ các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về một bộ quy tắc ứng xử với tàu thuyền đi lại ở vùng biển tranh chấp. Biển Đông được coi là nơi cung cấp lộ trình vận chuyển quan trọng cho thương mại hàng hải toàn cầu và với các nền kinh tế Đông Á vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông. Đây còn là vùng đa dạng sinh học cực lớn, nguồn thủy sản dồi dào, và được tin là rất giàu tài nguyên dầu khí.
Trung Quốc không
ngừng tập trận ở Biển Đông. Ảnh: AP
Đã không ít lần, Trung Quốc hành xử theo kiểu “nói một đằng, làm một nẻo”.
Còn nhớ tháng 11 năm trước, khi báo chí Trung Quốc thi nhau khẳng định nước này vẫn duy trì cam kết thực hiện “một vai trò tích cực” trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế thì vào ngày 2/11, quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông.
Khi ấy, vị trợ lý Ngoại trưởng Hồ Chính
Nguyệt khẳng định, Trung Quốc đang nỗ lực để thiết lập cái gọi là khái niệm an
ninh mới tập trung vào hợp tác, công bằng, cùng tin tưởng và cùng có lợi; đồng
thời kêu gọi các bên liên quan tránh làm xấu đi tình hình ở Biển Đông, tránh tạo
ra căng thẳng và phát sinh cho giải pháp cuối cùng của vấn đề. Và ngay lập tức,
1.800 lính đã tham gia diễn tập cùng với ít nhất 100 tàu chiến Trung Quốc ở góc
tây bắc của Biển Đông.
Bất an
Trong tuần qua, ở các khu vực tranh chấp tại biển Hoa Đông và Biển Đông liên tiếp xảy ra những vụ việc có liên quan tới tàu, máy bay Trung Quốc. Hôm thứ tư, Nhật Bản đã điều máy bay đuổi hai máy bay quân sự Trung Quốc ở cách quần đảo tranh chấp giữa hai nước tại biển Hoa Đông chỉ 55km. Quần đảo này Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Cùng ngày, Philippines đã phải triển khai hai máy bay chiến đấu (trong đó có một máy bay ném bom) để bảo vệ tàu thăm dò dầu khí của mình, sau khi tàu này đánh tín hiệu báo cáo việc bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu ở một khu vực tranh chấp tại Biển Đông. Tổng thống Benigno Aquino cho hay, chính phủ Philippines đã chính thức phản đối Trung Quốc về vụ việc này.
Và giống như bà Khương Du tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 8/3, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Ethan Sun đã tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng nhấn mạnh Bắc Kinh tuân thủ cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.
Ngày 2/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc gần đây Trung Quốc diễn tập quân sự tại khu vực quần đảo Trường Sa. Trước đó, Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 24/2, biên đội tàu hộ vệ số 8 hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập chống cướp biển ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Mới đây nhất, Thời báo Tài chính (Anh) đưa tin, Tokyo đã phản đối Bắc Kinh về các hành động “cực kỳ nguy hiểm” của một máy bay trực thăng quân sự Mỹ khi lượn sát một tàu khu trục Nhật đang tuần tra ở khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông. Chiếc trực thăng này đã tìm cách quay phim tàu khu trục, mặc dù chưa chính thức xâm phạm không phận Nhật Bản.
“Cách hành xử này là cực kỳ nguy hiểm”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa trong cuộc họp báo ngày 8/3 nhấn mạnh, Tokyo đã chính thức lên tiếng phản đối với Bắc Kinh “thông qua các kênh ngoại giao”.
Chuyện Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng gia tăng gần 13% trong năm 2011; công khai những tiến triển nhanh trong các chương trình quân sự như phát triển máy bay tàng hình, tàu sân bay, tên lửa chống hạm… tới việc hàng loạt nước láng giềng trong khu vực cáo buộc tàu hoặc máy bay Trung Quốc về cách hành xử “khinh suất” trên biển đã làm “nóng lại” cảm giác bất an trong khu vực.
Trong bài nghiên cứu về Biển Đông đăng trên tạp chí Hàng hải và Thủy sản quốc tế KMI, tác giả Nazery Khalid khuyến cáo: "Vì lợi ích chung của các nước trong khu vực, Biển Đông cần được xem là nền tảng của sự thịnh vượng hơn là nơi tranh chấp hay đấu khẩu. Các quốc gia liên quan tới tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nên tự mình chấp nhận một tư thế linh hoạt hơn, ít hiếu chiến hơn trong vùng biển. Sẽ không có tác dụng trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng vùng biển khi mỗi người tham gia cuộc chơi có hành động gây hấn hay quan điểm cứng rắn để đảm bảo tuyên bố chủ quyền của mình. Và, con đường hòa bình thông qua các kênh ngoại giao cần được khai thác triệt để hơn là con đường dẫn tới căng thẳng gia tăng ở Biển Đông".
-
Thụy Phương