- Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, sẽ có văn bản gửi Thủ tướng phản đối Bộ KH&ĐT khi đưa ra thông tin “DN phải mất tiền lót tay cho anh em ở Bộ Công thương” trong lúc làm một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp lần thứ hai của UB Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899).
Theo Phó Thủ tướng, việc giảm thời gian thông quan hàng hoá tiết kiệm 19 đô/lô hàng cả xuất và nhập. Tính tới 15/12/2017, ước tính DN Việt Nam tiết kiệm 205 triệu đô cho 10,81 triệu tờ khai thủ tục thông quan tiết kiệm được giờ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ |
DN đang kêu, làm sao Thủ tướng yên lòng
Phó Thủ tướng cho rằng, mục tiêu hướng tới là tạo thuận lợi thương mại, là cắt giảm được 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành và 50% điều kiện kinh doanh. Đi đôi với đó là chống gian lận thương mại. Không được lấy lý do chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước để níu giữ quyền lực của bộ ngành, nhũng nhiễu gây khó dễ cho giao thương.
Ông bày tỏ không hài lòng với con số 50% bộ ngành đã ban hành danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành nhưng lại không có tiêu chuẩn, quy chuẩn.
“Như vậy có nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn kiểm tra cái gì, kiểm tra như thế nào cũng được. Thế này là bày thủ tục hành DN chứ có phải bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo thuận lợi thương mại đâu”, ông lưu ý và nhấn mạnh tinh thần càng kết nối dữ liệu điện tử càng minh bạch, không có bế quan toả cảng, tiêu cực sách nhiễu.
Dẫn lại kết quả khảo sát của VCCI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, tỉ lệ tạo thuận lợi thương mại hiện chỉ vào khoảng 7-8%, trong khi tỉ lệ DN kêu khó, còn đang bị hành đến 25%, trong đó lĩnh vực y tế, DN kêu khó và rất khó lên đến 40%, chỉ có 3% là thuận lợi.
“DN đang kêu như thế thì làm sao Chính phủ, Thủ tướng yên lòng được”, Phó Thủ tướng nói.
Theo ông, chúng ta vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng phải chống được gian lận, bảo vệ lợi ích của DN trong nước, chỉ lên án và phê phán việc lấy cớ của chống gian lận thương mại để sách nhiễu, phức tạp cho DN, níu giữ quyền lợi, quyền lực của các bộ, ngành.
Ông cũng yêu cầu 12 bộ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, trong đó có 3 bộ quan trọng: Công thương, Y tế, Nông nghiệp vẫn còn nhiều thủ tục nhất, DN kêu nhiều nhất phải nói rõ còn những thủ tục nào chồng chéo, tại sao không ban hành quy chuẩn, điều kiện?
Mang tiếng phải mất tiền lót tay
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: T.Hằng |
Giải trình với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, đối với kiểm tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP, hiện bộ áp dụng quản lý rủi ro thông quan hàng hoá.
Đồng thời thực hiện kiểm tra rút gọn tối đa, chủ yếu là kiểm tra cảm quan, nếu nghi ngờ mới kiểm tra thử nghiệm để rút ngắn thời gian kiểm tra các lô hàng, giảm chi phí kiểm nghiệm...
“Thời gian làm hồ sơ thông quan từ 3 ngày như trước đây, giờ thực hiện một cửa quốc gia chỉ còn 1,5 ngày”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng đáp lời để minh oan cho bộ mình rằng đã cắt giảm 50% mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; xoá 340 mã HS còn 298 mã, giảm hơn 50% so với trước và được tổ công tác của Thủ tướng ghi nhận.
Đồng thời bộ thực hiện chuyển kiểm tra sau thông quan. Hiện chỉ còn 2 mặt hàng luật quy định phải kiểm tra trước thông quan là vật liệu cháy nổ, ATTP nhưng đã áp dụng quản lý rủi ro.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: T.Hằng |
Ông Khánh cho rằng, quy chuẩn có thể chưa có nhưng đã ban hành giới hạn, ngưỡng để kiểm tra. Tức là chưa thành quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng vẫn có quy định để kiểm tra.
Theo Thứ trưởng Công thương, vấn đề quan trọng là cần phải đo bằng sự hài lòng của DN. “Trước đây DN kêu Bộ Công thương rất nhiều về dán nhãn năng lượng, hiệu suất năng lượng, khai báo hoá chất, thép… Nhưng bây giờ không còn gì để phàn nàn nữa”, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.
Ông Khánh cũng khẳng định kiểm tra chuyên ngành không phải lý do làm chậm thông quan. Bởi qua so sánh, xuất khẩu rất hiếm kiểm tra chuyên ngành nhưng thời gian xuất khẩu chỉ nhanh hơn nhập khẩu 1 giờ.
Theo Thứ trưởng Công thương, có 1 bộ phận không nhỏ DN đi đâu cũng kêu khó. Việc cải cách thủ tục phải từ 2 phía, một mặt Chính phủ, bộ ngành phải hết sức coi trọng tạo điều kiện cho DN nhưng DN cũng phải tìm hiểu các quy định, thủ tục để thực hiện cho đúng. Đừng để làm sai người ta yêu cầu làm lại rồi kêu khó, bày tỏ không hài lòng.
Nhân tiện Thứ trưởng Công thương cũng minh oan việc mới đây Bộ KH&ĐT có văn bản khiến dư luận hiểu lầm Bộ Công thương hành DN.
“Chúng tôi có văn bản phản đối chính thức việc Bộ KH&ĐT nói rằng điều khiển cần trục trải qua 8 bước kiểm tra ở Bộ LĐTB&XH và Bộ Công thương, trong khi Bộ chúng tôi không quản lý cái đó. Hay thông tin về việc dán nhãn năng lượng hiện nay, DN đã tự làm hết rồi nhưng lại đưa ra thông tin bảo DN muốn dán nhãn phải mất tiền lót tay cho anh em ở Bộ Công thương”, ông Khánh bức xúc và cho hay, bộ sẽ có văn bản với Thủ tướng về việc này.
Mong Chính phủ trị nạn lót tay, bôi trơn
Đề nghị Chính phủ ra tay cùng cộng đồng DN trị nạn lót tay, bôi trơn, nếu không căn bệnh này sẽ làm hủy hoại đạo đức phát triển DN.
Phó Thủ tướng lưu ý về tình trạng 'bôi trơn', lót tay
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình lưu ý tình trạng cán bộ, nhân viên hải quan nhận “lót tay”, “bôi trơn” để cho thông quan hàng hoá.
Giấy phép con tạo kẽ hở cho nhũng nhiễu
Một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý đã làm hạn chế cơ hội gia nhập thị trường, tạo kẽ hở cho các hành vi nhũng nhiễu.
Còn cán bộ nhũng nhiễu khi dân làm thủ tục đất đai
Đi làm thủ tục hồ sơ liên quan đến đất đai thấy rất rõ. Những người thừa hành công vụ còn khiến người dân kêu ca, chưa hài lòng.
Cắt giảm 675 giấy phép con, Bộ Công thương được Thủ tướng khen
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng đến Bộ Công thương vì đã mạnh dạn cắt bỏ 675 giấy phép con.
Thu Hằng