Chia sẻ về câu chuyện tiền thưởng cuối năm từng diễn ra trước đây, anh Ngô Thanh Tùng (quê Thái Bình) kể: "Cách đây 3 năm, tôi làm cho một công ty về phân phối sơn nước. Tháng cuối năm họ chỉ trả 1/2 lương, giữ lại một nửa và khoản thưởng để qua năm trả. Tôi yêu cầu họ phải trả trước Tết để về mua sắm cho gia đình nhưng họ không chịu. Tôi cãi nhau với giám đốc rồi nghỉ việc bỏ về luôn".
Chàng trai quê lúa cho biết, nguyên nhân công ty giữ lại lương, thưởng để giữ chân người lao động. Nhiều người không dám phản kháng vì đây là công việc có mức lương cao, nếu nghỉ việc sẽ khó tìm nơi làm mới.
"Tôi không thể chấp nhận cách hành xử như vậy nên đấu tranh đến cùng. Cả năm đi làm trông chờ vào tiền thưởng Tết mà sau Tết mới trả thì còn gì ý nghĩa nữa. Cuối năm công nhân, người lao động có biết bao nhiêu thứ phải tiêu tiền. Họ không thể vì muốn giữ người mà hành xử vô lý như thế", anh Tùng bức xúc.
Trên nhiều diễn đàn về việc làm, chị Phạm Thu Hoài (TPHCM), cũng kể lại câu chuyện "cười ra nước mắt" khi năm đầu tiên xa nhà đi làm. Nếu không làm "căng" năm đó chắc chắn chị sẽ không có kinh phí về quê ăn Tết cùng cha mẹ.
"Công ty nợ 2/3 lương 3 tháng cuối năm nói sẽ thanh toán trước Tết. Khi đó công nhân ai cũng nghèo khổ nên nghĩ cố "ăn mì tôm" vài tháng cuối năm lấy một lần cho nhiều tiền. Ai ngờ ngày 26 Tết, công ty nói hết tiền, hẹn qua năm trả. Cả nhóm công nhân chúng tôi đình công và đòi gọi điện cho chính quyền địa phương. Công ty thấy chúng tôi phản ứng lớn quá nên đành trả đủ lương, thưởng luôn", chị Hoài tâm sự.
Theo Giám đốc nhân sự công ty TNHH A. L, ông Nguyễn Anh Kiên, nhận định vẫn sẽ xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng của người lao động dịp cuối năm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể tình trạng nợ lương, thưởng sẽ tăng cao hơn. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng công nhân, người lao động cũng cần phải hiểu luật để không "tiền mất tật mang".
"Nếu công ty không trả đúng thời hạn thì người lao động phải gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty để yêu cầu giải quyết gấp. Khi công ty không giải quyết thì khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH nơi công ty trú đóng. Nếu khiếu nại vẫn không được giải quyết, hoặc người lao động không đồng ý với quyết định đó có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 24)", ông Kiên phân tích.
Ngoài ra, người lao động có thể tiến hành hòa giải thông qua hòa giải viên lao động. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 6 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Nếu hòa giải bất thành, người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Ông Kiên cho biết, căn cứ Khoản 4 Điều 97 Bộ Luật Lao động năm 2019, nếu công ty chậm lương từ 15 ngày trở lên thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Sở LĐ-TB&XH TPHCM vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2021 và kế hoạch thưởng Tết năm 2022 trước ngày 25/12. Đồng thời, Sở yêu cầu các doanh nghiệp không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động.
Công văn trên hàng năm đều được ban hành nhưng hầu như năm nào cũng có tình trạng nợ lương, thưởng của người lao động. Nguyên nhân thường do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất hoặc khó thu hồi nợ những đơn hàng đã giao, cũng không ít doanh nghiệp "cù nhây" với người lao động.
(Theo Dân Trí)
Không dám nhảy việc sau Tết vì sợ… 'mất trắng' lương
Sau Tết, không ít người lao động lựa chọn "nhảy việc". Tuy nhiên vì công ty cũ vẫn còn nợ lương và sợ "mất trắng" lương nên nhiều người vẫn làm tiếp dù lòng đã hướng tới nơi làm việc khác.