Gần trăm người tham gia

Để chuẩn bị cho cuộc Chiến tranh Vệ quốc, Tổng cục Tình báo quân đội Liên Xô (GRU) đã xây dựng ở nhiều nước Tây Âu một loạt cơ sở tình báo. Trong số đó, công lao đầu thuộc về ZORA, đến mức sau này người ta nói rằng chiến tranh đã được giải quyết ở Thuỵ Sĩ – nơi đóng bộ phận đầu não của tổ điệp báo này.

Người trực tiếp đặt nền móng cho ZORA là Thiếu tá tình báo L. Anulov (bí danh Kostia). Khi Kostia được điều về Moscow (1938), anh để lại “cơ đồ” lúc ấy còn bé nhỏ cho Sandor Rador - nhà khoa học người Hungary, người đã cộng tác với GRU từ năm 1929. Được sự trợ giúp của hai cộng sự đắc lực là Pabor và Pie, cũng do Kostia để lại, Sandor đã cắm vững ở Thuỵ Sĩ, Đức, Áo… và dần mở rộng địa bàn.

Ngay trước chiến tranh, khi GRU chuyển tổ điệp báo SEVILIA do nữ tình báo viên người Ba Lan chỉ huy sang thuộc quyền chỉ đạo của Sandor, ZORA trở thành một lưới tình báo khổng lồ. Lưới điệp báo của Sandor có đến gần 100 người, hoạt động ở Geneve 19 người, ở Bern 15 người, ở Zurich 9 người, các thành phố khác của Thuỵ Sĩ 27 người, ở Đức 17 người, ở Áo 3 người…

Với quy mô và trên một địa bàn lớn như vậy, Sandor đã thể hiện khả năng tổ chức kiệt xuất. Hầu như ngày nào ông cũng gặp gỡ, tiếp xúc với tổ viên để thu nhận tài liệu, ra chỉ thị, tự xử lí thông tin, tự mã hoá trước khi chuyển về trung tâm và rồi lại tự mình giải mã các chỉ lệnh của Moscow.

Nhờ được tổ chức khéo léo và bảo mật cao, nên ZORA đã tồn tại được trong thời gian rất dài.

{keywords}
Lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tại Berlin, Đức ngày 1/5/1945

Những chiến công của ZORA

Mờ sáng 17/6/1941 trên bàn làm việc của Tướng F. Golyakov, Tổng cục trưởng GRU, nằm sẵn một bức điện tối mật của Sandor, thông báo rằng nước Đức phát xít đã tăng cường lực lượng quân sự trên biên giới Xô - Đức và chuyển các sư đoàn Đức từ Hy Lạp đến Ba Lan. Và tới ngày 22/6, quân Đức tràn qua Liên Xô.

Tổng cộng, ZORA đã chuyển cho Moscow trên 3.000 điện báo. Phần lớn tin tức từ ZORA đều đáng tin cậy và khả năng dự báo cao. Những tin tức này đã giúp Hồng quân tiến hành hiệu quả các chiến dịch Stalingrad, Kursk, Dnieper... Cũng chính ZORA đã khai thác được bí mật xe tăng Tiger của Đức, chủng loại, thành phần các vũ khí hoá học mà quân phát xít định chế tạo và đưa vào sử dụng.

Tháng 5/1942, chỉ sau 1 tháng nhận nhiệm vụ, Sandor đã có câu trả lời cho Moscow về nguyên lí tạo phản ứng dây chuyền của urani và nguyên lí làm giàu urani, giúp đấy nhanh Dự án nguyên tử của Liên Xô. ZORA cũng biết rõ những trò chơi chính trị diễn ra sau lưng Liên Xô, như nội dung các cuộc hội đàm bí mật giữa Mỹ và nước Đức phát xít về một thỏa thuận riêng rẽ có hại cho Liên Xô.

ZORA bại lộ

Đầu năm 1943, Thiếu tướng SS Valter Selenberg - Cục trưởng Tình báo Quân sự Đức đã có tương đối đầy đủ dữ kiện về hoạt động của một tổ chức tình báo có đầu não tại Thuỵ Sĩ. Theo yêu cầu và chỉ dẫn của Selenberg, cảnh sát Thuỵ Sĩ bắt đầu tìm kiếm ba đài phát sóng đang hoạt động trên lãnh thổ nước này.

Ngày 25/9/1943, vị trí đặt máy phát đầu tiên được xác định. Đó là ngôi nhà trên phố Florisan thuộc quyền sở hữu của cặp vợ chồng Olga và Eduard Kharmen, các hiệu thính viên của Sandor. Vị trí chiếc máy phát thứ hai do Roza Boli phụ trách cũng bị phát hiện. Cảnh sát lập tức bố trí theo dõi hai nhà này. Rất cảnh giác và tinh ý, Sandor ra lệnh ngừng liên lạc và đưa máy phát ra khỏi nhà.

Tuy nhiên, an ninh Thụy Sĩ tiếp tục canh chừng và tiến hành vụ bắt giữ đầu tiên vào 1h30 ngày 14/10/1943. Đến cuối tháng 11, những thành viên chủ chốt của ZORA ở Thụy Sĩ bị bắt, riêng Sandor kịp trốn thoát.

Từ Thụy Sĩ, Sandor sang Pháp rồi được đưa về Moscow. Năm 1946, do một sự hiểu nhầm, Sandor bị Toà án đặc biệt kết án 10 năm tù vị tội hoạt động gián điệp. Năm 1956, Toà quân sự thuộc Toà án Tối cao Liên Xô huỷ bỏ bản án năm 1946 và kết thúc khởi tố vụ án vì “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.

Năm 1972, Liên Xô chính thức xin lỗi Sandor vì những sai lầm trong việc đánh giá kết quả hoạt động của ông tại Thuỵ Sĩ. Sandor được tặng huân chương “Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất” và huân chương “Hữu nghị giữa các dân tộc”.

Ông trở thành tiến sĩ, giáo sư Đại học Tổng hợp Budapest, nhiều năm là Cục trưởng Bản đồ kiêm Chủ tịch Uỷ ban địa lí của Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Các đồng nghiệp nước ngoài rất yêu mến và quý trọng ông, còn người dân Budapest và các cựu đồng nghiệp GRU thì trìu mến gọi ông là “chú Sandor”.

Nguyên Phong