Khi cánh cửa ngân hàng khép lại là lúc bên trong vẫn sáng đèn, các nhân viên ngân hàng vẫn phải cặm cụi bên bàn làm việc đến tận nửa đêm.

Chỉ tiêu “chỉ tăng chứ không giảm”

Nguyễn Thị T. (SN 1989, Hà Nội), giao dịch viên mảng khách hàng doanh nghiệp lớn của một ngân hàng ở Hà Nội, chia sẻ, khoảng thời gian đầu “gia nhập” giới nhân viên ngân hàng quả thật khủng khiếp đối với chị.

T. cho biết, đầu năm 2015 chị vào làm việc. Đây lại là giai đoạn công việc căng nhất của bộ phận T. đang làm. Giai đoạn này, trung bình 9 đến 10 giờ đêm bộ phận chị mới xong việc để rời cơ quan trở về nhà. T. ở cùng bố mẹ nên may mắn ngoài giờ làm không phải lo lắng chuyện cơm nước, việc nhà.

Sau một ngày căng thẳng, tắm rửa ăn uống xong cô gái lên giường ngủ mê mệt. Không có thời gian, chuyện đi mua sắm, hẹn hò, cà phê với bạn bè…là việc xa xỉ với T.

{keywords}
Ảnh minh họa

Vừa mới vào đã phải chịu áp lực công việc lớn đã khiến T. nhiều lần nản chí. Cô gái trẻ cho biết, ở cơ quan hàng tháng sẽ có các buổi họp để tổng kết mỗi giao dịch viên hoàn thành được bao nhiêu giao dịch một tháng?

So sánh giữa người này và người kia, đề xuất chỉ tiêu cho tháng mới. “Chúng em liên tục có chỉ tiêu ép xuống. Tháng này em làm được 1 thì tháng sau phải 1,5. Cứ như thế, chỉ có tăng lên chứ không có giảm xuống nên em càng hoàn thành công việc thì chỉ tiêu em càng tăng lên tạo thành 1 vòng áp lực không thể dừng lại. Nếu như không đạt chỉ tiêu cá nhân sẽ bị giảm biên chế”, T. chia sẻ.

Tuy nhiên, khoảng thời gian khủng khiếp này cũng không kéo dài, về sau này khi đã quen việc và được điều động hỗ trợ thêm nhân lực công việc của T. cũng trở nên “dễ thở” hơn. Trung bình chị trở về nhà lúc 6 giờ muộn nhất là 7, 8 giờ. T chia sẻ thêm: “Công việc của em bận rộn nhưng ở bộ phận khác cũng có người còn bận hơn. Bác bảo vệ ngân hàng em còn kể có bạn 11 rưỡi đêm vẫn chưa xong việc, sợ con gái đi về đêm khuya bố mẹ bạn còn đến chờ ngoài cổng để đưa con về”.

Ngoài ra, cũng theo T., sếp nữ của chị SN 1979 là mẹ của hai con nhỏ nhưng về muộn đối với chị là chuyện thường xuyên. Sếp của T. nhiều đêm phải thức trắng để viết báo cáo và có chia sẻ: “Nhiều nhân viên ở các ngân hàng khác không chịu được áp lực công việc nên phải chuyển về ngân hàng mình làm. Nói như vậy để biết khối lượng công việc của ngân hàng mình cũng chưa thấm tháp vào đâu”.

“Mệt nhưng không nản”

Một vị trí khác cũng chịu nhiều áp lực của ngân hàng là nhân viên tín dụng. Lê Thu D. (SN 1990, Hà Nội) nhân viên tín dụng của một ngân hàng chia sẻ, mới vào công ty được 6 tháng những cũng “nếm mùi” sự vất vả của nhân viên ngân hàng.

Công việc của D. thường xuyên phải gặp khách hàng, nếu khách có nhu cầu mở thẻ là dù ở đâu, giờ nào D. cũng phải có mặt. Chị vừa bị tai nạn do một lần đi xe máy đến gặp khách hàng bị người đi đường va quyệt vào. Chân đau nhưng chỉ nghỉ được 2 ngày nhân viên ngân hàng này đã phải quay trở lại công việc. Không đi được xe máy, chị cắn răng bỏ tiền túi đi taxi vì sợ không hoàn thành đủ chỉ tiêu.

“Nhiều hôm em đi xe máy hàng chục cây số, trời nắng như đổ lửa đến địa điểm gặp khách hàng để lấy hồ sơ giúp khách làm thẻ tín dụng. Khi gần đến nơi, khách lại nhắn tin hôm nay phải họp đột xuất không gặp em được. Thế là em lại lóc cóc quay về. Có hôm, em cũng đi một quãng đường xa đến chở khách ra ngân hàng để in sao kê (một thủ tục để mở thẻ tín dụng). Khi ra đến nơi khách lại quên mang chứng minh thư. Thế là lại quay về để hôm sau đến làm lại”, D nói.

Chị kể thêm: “Nghề này là làm dâu trăm họ, khách hàng hẹn gặp nhưng hôm mình đến họ lại đi công tác, du lịch…lúc gọi điện thì mới “ớ, chị/anh quên mất là đã hẹn em”. Mình cũng phải vui vẻ hẹn họ hôm khác”.

Có lần, có khách hàng thấy nhân viên ngân hàng vất vả nên động viên D : “Anh không có nhu cầu làm thẻ tín dụng nhưng thấy em chạy đi chạy lại để “vận động” anh làm thẻ, mất thời gian vì anh quá nên anh rất áy náy. Anh đồng ý làm cho em vậy”.

Cô nhân viên trẻ nói: “Đấy là cái thẻ đầu tiên em làm được khi khoác trên mình tấm áo ngân hàng. Công việc mệt nhưng em không nản bởi vì ngành nghề cũng đem lại cho em nhiều niềm vui. Ví dụ như có lần em được khách hàng viết thư tay khen hay khách thấy mình vất vả quá nên thương. Không chỉ đồng ý làm thẻ họ còn mời mình đi ăn cơm trưa…”.

D kể, chị chưa có gia đình nên quỹ thời gian có thể chỉ dành cho công việc mà không lo lắng các chuyện khác. Nếu sau này có gia đình chị có lẽ sẽ khó để theo đuổi nghề.

“Chị bạn em cũng làm ngân hàng chị đi từ sáng đến tối. Nhà chị thường xuyên trường kì kháng chiến với món giò, chả, thịt luộc, trứng rán…vì chị không có thời gian đi chợ, nấu những món cầu kỳ.

Lúc chị có bầu thì đều như vắt chanh sáng 7 giờ 30 có mặt và hơn 18 giờ mới bắt đầu về. Có hôm nhiều việc 9 giờ tối mới xong, anh chồng đứng đợi vợ để chở về cũng suýt tụt huyết áp vì đói”, D. cho biết thêm.

Ngọc Trang