Thực tế, Trung tâm Tình báo chiến tranh trong Nhà Trắng (WIC) mới được xem là “đầu não chiến tranh” của Mỹ, là "cửa" vào phòng làm việc của tổng thống Mỹ. Cơ quan này còn là nơi để Tổng thống nghiên cứu các tin tức tình báo, mở các hội nghị khẩn cấp và đưa ra các quyết sách chiến lược. 

{keywords}
Trung tâm Tình báo chiến tranh trong Nhà Trắng (WIC) được coi “đầu não chiến tranh” của Mỹ. Ảnh: Britannica

WIC được thành lập sau sự kiện “Vịnh Con lợn” (1961), khi CIA âm mưu đổ bộ vào Cuba để lật đổ nhà lãnh đạo Phidel Castro nhưng thất bại. Sau sự kiện này, Tổng thống Mỹ khi đó J. Kennedy cho rằng lãnh đạo Nhà Trắng cần phải có kênh nắm bắt toàn bộ tin tức tình báo, chứ không phải chỉ phán đoán thông qua những tin tức do CIA và Bộ Quốc phòng cung cấp. Từ đó, WIC trở thành “tai mắt” và tham mưu quyết sách cho tổng thống Mỹ.

WIC nằm ở tầng hầm mặt phía Tây của Nhà Trắng, ngay phía dưới phòng làm việc hình bầu dục của tổng thống Mỹ. Giữa Trung tâm có một phòng họp nhỏ, gồm 24 chỗ ngồi. Tổng thống thường ngồi ở vị trí chính giữa phía trên và đối diện với màn hình cỡ lớn.

Bộ phận trực ban thường gồm có 25 - 30 người, được biên chế thành 5 tổ, có nhiệm vụ giám sát liên tục các sự kiện trên toàn cầu. Cơ cấu nhân sự hết sức gọn nhẹ so với khối lượng công việc mà WIC phải đảm nhiệm, đa số được tuyển chọn từ CIA, NSA hay Lầu Năm Góc và có nhiệm kỳ làm việc thường là 2 năm. Việc tuyển chọn nhân viên ở đây được tiến hành một cách hết sức nghiêm ngặt, với yêu cầu sức khoẻ tốt, kiến thức chuyên môn phong phú, có khả năng hợp tác với mọi người và bản lĩnh khi gặp phải tình thế khó khăn.

WIC làm việc suốt ngày đêm. Tin tình báo từ khắp nơi trên toàn cầu và cả những tin tức từ các cơ quan tình báo của Mỹ đều được đưa về đây, trải qua gia công, sàng lọc và xử lý sẽ được chuyển tới tổng thống và các cố vấn. Nếu cảm thấy các bản tin chuyển đến chưa được hoàn chỉnh, WIC có thể yêu cầu nơi cung cấp phải bổ sung cho đầy đủ để tránh việc đưa tin sai cho tổng thống.

Để bảo đảm chắc chắn mức độ ưu tiên trong công việc của tổng thống, hàng tuần WIC phát cho các cơ quan an ninh, tình báo một bản yêu cầu điều tra về các vấn đề mà Nhà Trắng cần giải quyết trong những ngày tới.

WIC còn chịu trách nhiệm duy trì việc liên hệ không gián đoạn với CIA, Lầu Năm góc và Quốc hội. Khi tình hình thế giới xuất hiện một sự kiện mới hay có sự thay đổi lớn, sĩ quan trực ban phải quyết định có báo cáo tình hình với Cố vấn An ninh và qua ông này lên Tổng thống hay không.

Hàng ngày, công việc đầu tiên của Trung tâm là chuẩn bị “Báo cáo tình báo buổi sáng” cho tổng thống, phó tổng thống và các quan chức cao cấp của Nhà Trắng. Nội dung đọc lướt này tương đối rộng, bao hàm báo cáo tình báo quốc gia của CIA, tóm tắt tin tức buổi sáng của chính phủ, các bức điện ngoại giao và các báo cáo tình báo khác. Ngoài ra, hàng ngày nhân viên trực ban của trung tâm còn phải chọn lựa và tóm tắt những tin tức quan trọng nhất để cung cấp cho Hội đồng An ninh quốc gia và Nhà Trắng.

Nếu xảy ra sự kiện lớn, WIC không những phải lập tức thông báo về tiến triển và những nhận định về tình hình mới nhất, mà còn phải cung cấp cả Bản ghi chép cụ thể về những vấn đề đó. Để có Bản ghi chép, WIC cần phải tổng hợp tin tức trên tất cả các lĩnh vực, lựa chọn trong đó những nội dung trọng điểm, đôi khi có cả ảnh, biểu đồ hoặc bản đồ minh họa.

Nếu cần, sĩ quan trực ban của WIC có thể mang Bản ghi chép này vào phòng làm việc của Tổng thống. Vài giờ sau, rất có thể tổng thống hoặc phó Tổng thống sẽ trực tiếp gọi điện tới hoặc không thông báo trước mà sẽ đích thân xuống trung tâm để lấy những tư liệu mới nhất. Lúc này, yêu cầu đầu tiên đối với các nhân viên trong trung tâm là phải có phản ứng kịp thời và phải chuẩn bị tốt nội dung để báo cáo với tổng thống.

Khi tổng thống không có mặt tại Nhà Trắng, những tin tức mà người đứng đầu chính phủ cần, đặc biệt là những tin tức cơ mật đều phải thông qua trung tâm để chuyển cho tổng thống hoặc các quan chức cao cấp đang tháp tùng tổng thống.

Một công việc quan trọng khác của WIC là sắp xếp các cuộc điện đàm của tổng thống Mỹ với nguyên thủ các nước. Nó bao gồm việc ấn định điều chỉnh thời gian đàm thoại, khi cần thiết phải bố trí phiên dịch, tiến hành ghi chép, đồng thời phải bảo đảm bí mật cho cuộc đàm thoại. Nếu nguyên thủ các nước gọi tới, WIC sẽ thông báo cho Hội đồng An ninh quốc gia và chính phủ để họ có trách nhiệm tìm hiểu ý đồ của đối tác.

Về quy mô, WIC là cơ quan tình báo nhỏ nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nó có ưu thế mà không một cơ quan tình báo nào có được, đó là, luôn tiếp cận với Tổng thống Mỹ và các quan chức cao cấp Nhà Trắng. Chính vì vậy mà Trung tâm Tình báo chiến tranh có sức ảnh hưởng rất lớn.

Nguyên Phong

Những bí mật 'giờ mới kể' về thời lãnh đạo Nhà Trắng của Barack Obama

Những bí mật 'giờ mới kể' về thời lãnh đạo Nhà Trắng của Barack Obama

Trong cuốn hồi ký mới, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hé lộ nhiều bí mật về đời sống riêng tư thời còn lãnh đạo Nhà Trắng, cũng như đánh giá của ông về "phó tướng" Joe Biden và người kế nhiệm Donald Trump.

Đường tới Nhà Trắng đầy chông gai của Tổng thống Mỹ thứ 46

Đường tới Nhà Trắng đầy chông gai của Tổng thống Mỹ thứ 46

Sau mùa bầu cử đầy kịch tính, được quốc hội chính thức công nhận kết quả và đối thủ hứa chuyển giao quyền lực hòa bình, ông Joe Biden sau cùng cũng trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46.