Do biết cách tận dụng nguồn chất xám của nhiều nhà khoa học gốc Do Thái chạy sang Trung Đông lánh nạn phát-xít mà người đầu tiên là nhà vật lí David Begman, Israel đã xây dựng được một nền tảng nghiên cứu khoa học hạt nhân cơ bản rất mạnh. Năm 1949, Begman được chỉ định làm người đứng đầu Trung tâm hoá học phóng xạ thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử quốc gia mang tên Wayseman.
Cùng năm đó, nhà vật lí hạt nhân Pháp F. Perin, bạn thân của Begman, đã mời các đồng nghiệp Israel tại Viện Wayseman tham gia xây dựng Trung tâm hạt nhân, Lò phản ứng chiết xuất plutonium G-1 và Nhà máy tái chế, làm giàu uranium UP-1 của Pháp. Chương trình hợp tác hạt nhân giữa Pháp - Israel đã giúp Israel trở thành cường quốc hạt nhân ở Trung Đông.
Khoa học kỹ thuật quân sự Israel tại Trung Đông rất tân tiến. Ảnh: Times of Israel |
Lí do để Pháp hợp tác với Israel trong lĩnh vực hạt nhân là do Pháp bị tụt sau Mỹ, Liên Xô và Anh trong lĩnh vực này, và người Pháp nhìn thấy ở Israel một đối tác "vừa sức" nhất. Đổi lại, Israel đồng ý cung cấp hào phóng cho Pháp các tin tình báo giá trị về phong trào giải phóng dân tộc đang diễn ra tại các thuộc địa của Pháp ở khu vực Bắc Phi.
Trước cuộc khủng hoảng kênh đào Sue (1956), Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Israel David Ben Gurion phái Simon Peres tới gặp Uỷ ban Năng lượng nguyên tử Pháp để yêu cầu phía Pháp giúp xây dựng lò phản ứng hạt nhân của riêng mình. Tháng 9/1956, hai bên kí một bản ghi nhớ về vấn đề này.
Cuộc khủng hoảng kênh đào Sue kết thúc bằng thất bại của Pháp, còn Israel phải rút khỏi bán đảo Sinai trước lời đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Tháng 11/1957, Israel chỉ trích kịch liệt việc Pháp bỏ mặc đồng minh đơn thương độc mã trong lúc nước sôi lửa bỏng, đồng thời “đòi” Pháp giúp Israel phát triển khả năng răn đe hạt nhân.
Kết quả là Pháp hứa cung cấp lò phản ứng hạt nhân kiểu EL-3, công suất thiết kế 18MW (sau này nâng lên 24MW, còn khi xây dựng thực tế thì công suất của nó đã nâng lên gấp 3) có thể được sử dụng để chiết xuất plutonium.
Địa điểm được chọn là thị trấn Dimona, trên sa mạc Negeth ở phía nam Israel. Hàng trăm kĩ sư và chuyên gia người Pháp đã tham gia xây dựng nhà máy. Đầu năm 1958, bắt đầu lắp đạt lò phản ứng EL-3. Hơn 20 tấn nước nặng dùng chạy lò được mua từ Na Uy với điều kiện ngặt nghèo là phía Na Uy được quyền giám sát việc sử dụng số nước nặng này trong 32 năm.
Ảnh chụp tổ hợp hạt nhân Dimona năm 1968. Ảnh: Wikipedia |
Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, Na Uy mới được thanh tra 1 lần vào năm 1961, trước khi số nước nặng này được bơm vào các bể chứa của lò phản ứng.
Mặc dù áp dụng các biện pháp nguỵ trang và đánh lạc hướng tinh vi, song bí mật ở Dimona của Israel đã bị Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khám phá bằng máy bay trinh sát U-2.
Vì thế, trước khi Israel kịp công bố cam kết không sử dụng lò phản ứng do Pháp cung cấp vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân và đình chỉ việc hoàn thiện nhà máy chiết xuất plutonium, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/12/1960 đã công khai bí mật này.
Phía Israel tỏ ra chậm trễ trong phản ứng. Mãi tới ngày 21/12, Thủ tướng Ben Gurion mới thừa nhận việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân "vì mục đích hoà bình".
Mặc dù tỏ ra chấp nhận lời tuyên bố này của Ben Gurion, song Mỹ âm thầm gây sức ép, quan hệ hai bên căng thẳng trong suốt năm 1961. Cuối cùng, Israel phải nhượng bộ, cam kết chỉ sử dụng Trung tâm hạt nhân Dimona vào mục đích hoà bình, cho phép Mỹ thanh tra cơ sở này mỗi năm một lần (trước đó, các đoàn thanh tra của IAEA được cử tới Israel đều bị Ben Gurion khước từ hợp tác).
Tuy nhiên, Israel chỉ cho phép các thanh tra viên Mỹ kiểm tra phần nổi của Trung tâm Dimona. Phần chìm, nơi bố trí lò phản ứng và nhà máy chế xuất, bị bịt kín lối vào. Mỹ biết thế nhưng làm ngơ, vì họ âm thầm ủng hộ kế hoạch hạt nhân của Israel để giải toả bớt sức ép quân sự của khối Ảrập.
Lợi dụng chính sách nửa vời của Mỹ, đến cuối năm 1964 Israel đã hoàn thiện nhà máy tinh chế plutonium. Năm 1965, nhà máy cho ra đời mẻ sản phẩm đầu tiên với nguyên liệu chính là chất thải có chứa plutonium của chính lò EL-3. Cuối năm 1966, Thủ tướng Levy Ekon ra lệnh chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên.
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Nhà nước Do Thái đã ban hành lệnh báo động hạt nhân đầu tiên với 2 quả bom trong tay. Cũng năm 1967, Israel tăng cường tiềm năng hạt nhân bằng cách mua của CHLB Đức các máy gia tốc hạt Krytrons, dưới danh nghĩa sử dụng cho mục đích công nghiệp, nhưng thực chất để chế tạo vũ khí.
Năm 1968, nhà máy chiết xuất plutonium bắt đầu hoạt động hết công suất, có thể cung cấp lượng plutonium tinh chế đủ để sản xuất mỗi năm từ 3 đến 5 quả bom nguyên tử.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự nước ngoài, đến nay, Israel có từ 75 đến 200 đơn vị vũ khí hạt nhân, bao gồm bom, đầu đạn tên lửa và có thể cả vũ khí chiến thuật. Ngoài ra, Israel đã phát triển đạn pháo hạt nhân và cả mìn hạt nhân; hai loại vũ khí chiến thuật này có thể được cất giữ ở căn cứ Eilabun, phía tây biển Galile.
Nguyên Phong