Theo phản ánh của anh Nguyễn Vũ (phố Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), để tránh mua phải hàng trôi nổi, gia đình anh thường mua táo nhập ngoại tại các siêu thị. Tuy nhiên, điều khiến anh thắc mắc là loại táo này khi để ở nhiệt độ trong phòng, thời gian lên đến hàng tháng nhưng vẫn không hỏng; khi rửa, vỏ táo trơn tuột như bôi mỡ hoặc dẻo quánh và có màu đục, dính như nước hồ.

"Liệu đây có phải là táo Trung Quốc nhập khẩu tiểu ngạch được gắn mác táo Mỹ, New Zealand để trục lợi từ người tiêu dùng? Những hóa chất để bảo quản táo có độc hại?"- anh Nguyễn Vũ nêu câu hỏi.

{keywords}
 

Trao đổi với PV, ông Lê Sơn Hà-Trưởng phòng kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết:

Trên thị trường có nhiều loại táo được nhập khẩu từ các quốc gia khác nhau như: Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… Trong số 27.000 tấn táo ngoại nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, có 7.000 tấn táo được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, “khác với táo nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Canada, Úc…, táo nhập khẩu từ Trung Quốc không giòn, nên không được người tiêu dùng ưa thích bằng táo từ các quốc gia khác. Vì vậy, những năm gần đây táo nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm so với trước" - ông Lê Sơn Hà Cho biết.

Giải thích về lớp nhớt trên vỏ táo, ông Lê Sơn Hà cho hay, để trái cây được tươi lâu, các nước tiên tiến vẫn bảo quản bằng các lớp “sáp” tự nhiên làm từ thực vật, lành tính, không gây độc hại cho sức khỏe con người.

“Trên lá cây khoai lang, mồng tơi, cây dọc mùng và một số loại cây khác vẫn có chất “sáp” để tự bảo vệ, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, tránh sự ảnh hưởng của điều kiện khí hậu. Cho nên, nếu là táo nhập khẩu thì không lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm bởi tất cả hoa quả nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cả tiểu ngạch và chính ngạch đều được kiểm soát chặt chẽ, những lô hàng không đảm bảo yêu cầu sẽ bị trả lại, không được nhập khẩu vào Việt Nam” – ông Lê Sơn Hà khẳng định.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần cảnh giác với việc các tư thương sau khi nhập khẩu trái cây về Việt Nam, để tránh hư thối, bảo quản được lâu, sẽ sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật để ướp hoa quả. Những loại thuốc này nếu mua trôi nổi trên thị trường, ngoài danh mục được phép sử dụng sẽ rất độc hại. Để tránh tình trạng này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp, kiểm tra, thanh tra đột xuất, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện, xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm, coi thường sức khỏe người tiêu dùng

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, trong 6 tháng đầu năm 2019, có trên 400.000 tấn hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó trái cây từ Trung Quốc chiếm gần 30.000 tấn, chủ yếu là các loại quả như quýt, nho, táo, lựu… Trong 6 tháng đầu năm, đã phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật trên 699 lô hàng nhập khẩu (tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2018), với tổng khối lượng 319.984,2 tấn (giảm 0,53 lần so với cùng kỳ năm 2018).

Hiện nay đã có 45 nước được chấp thuận chính thức được phép nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.

(Theo Lao động)