Tâm lý của người tiêu dùng nói chung và các bà nội trợ sành sỏi nói riêng đều muốn mua cho mình và gia đình thưởng thức những thực phẩm tươi mới và ngon miệng nhất.
Nhiều người có tâm lý ngại mua hàng chợ vì sợ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm không rõ ràng, lại không được kiểm định chất lượng dễ dẫn tới tình trạng mua phải hàng kém chất lượng, trôi nổi được các chủ sạp cài cắm.
Chính vì thế, tâm lý phần đông người tiêu dùng thích mua sắm trong siêu thị, vì tư tưởng an tâm, tin tưởng hàng hóa ở đây cả về nguồn gốc và chất lượng. Vì chúng đã được kiểm định chặt chẽ, có chứng nhận và đảm bảo.
Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn chưa đúng. Siêu thị cũng sẽ có những chiêu trò để đánh lừa khách hàng, làm họ thoải mái để mua sắm nhiều hơn. Cũng có nhiều siêu thị tận dụng các sản phẩm thừa hoặc đánh tráo hạn sử dụng của các sản phẩm.
Tất tần tật những mánh khóe này sẽ được liệt kê dưới đây.
1. Tủ cất đồ chủ yếu để khách rảnh tay mua sắm
Tủ cất đồ ở lối vào siêu thị thực ra có rất ít mục đích tránh tình trạng khách lấy trộm hàng rồi cất vào túi của mình, mà chủ yếu để giải phóng bàn tay khách khỏi những túi xách lỉnh kỉnh. Bởi vì nếu đang vác một cái túi nặng trên người, chắc chắn bạn sẽ mua sắm ít hơn là khi bạn không vướng bận gì.
2. Bộ sưu tập phiếu giảm giá, đổi quà
Khi còn nhỏ, chúng ta sẽ cực kì thích thú và hào hứng khi có những bộ sưu tập tem giảm giá, phiếu đổi quà… Ngay cả khi lớn lên thói quen này cũng vẫn được nhiều người duy trì. Chính vì vậy, các chuyên gia marketing đã khéo léo "chơi chiêu" bằng việc tung ra các nhãn dán giảm giá, càng tích được nhiều sẽ càng có cơ hội giảm giá nhiều…
Đây chính là chiêu kích thích cảm giác của khách hàng. Khi đạt đủ số lượng, yêu cầu về bộ sưu tập, khách hàng có cảm giác như mình vừa giành được chiến thắng và khao khát phải tích lũy cho đủ số lượng để trở thành chủ nhân của giải thưởng dù cho món đồ bạn nhận được có khi chẳng thực sự cần thiết và bình thường có lẽ bạn cũng chẳng hề có ý định mua.
3. Mua nhiều chưa chắc đã là tiết kiệm
Đó là trường hợp dành cho những sản phẩm bán theo gói. Ví dụ như bánh kẹo, mua 5 thanh tặng 1 chẳng hạn.
Nhưng hãy nhớ, trên đời không có gì là miễn phí. Đa số trường hợp, sản phẩm được ghi là "tặng" đều đã bao gồm trong giá bán. Và đặc biệt, các siêu thị thường không đặt chúng cùng chỗ, khiến bạn không thể so sánh và nhận ra mình đã mua "hớ".
4. Giá bán trên tờ rơi đôi khi chỉ là sự hư cấu
Mức giá niêm yết trên tờ rơi có thể khiến bạn cảm thấy cần phải mua món đồ in trên đó vì quá hấp dẫn. Tuy nhiên sự thật lại chưa chắc đã như vậy. Bạn hãy tới siêu thị kiểm tra cẩn thận vì thực tế giá bán có thể cao hơn nhiều so với giá in trên tờ rơi. Ngoài ra, đây cũng là chiêu thức thu hút khách hàng, quảng cáo nói quá mà các hãng bán lẻ hay sử dụng để câu kéo khách hàng.
5. Thay đổi màu sản phẩm để bán giá cao hơn
Sản phẩm có tem màu hồng (hoặc bản thân sản phẩm màu hồng) thường có xu hướng dành cho nữ và định giá cao hơn sản phẩm tương tự dành cho nam, dù cả hai giống hệt nhau về đặc điểm và tính năng (ví dụ dao cạo). Theo một số nghiên cứu, các sản phẩm dành cho nữ có giá cao hơn cho nam trung bình 7%.
6. Rau và trái cây được phun sương
Thông thường các loại rau củ quả khi vận chuyển tới siêu thị đã mất nước phần nào. Vì thế, hệ thống phun sương của siêu thị đã giúp chúng tươi ngon và hấp dẫn hơn. Nhưng hậu quả của việc này là các sản phẩm sẽ nhanh hỏng hơn bởi có quá nhiều nước khiến vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đặc biệt là nấm. Ngoài ra, phun sương cũng khiến rau củ quả tăng thêm trọng lượng.
7. Thẻ thành viên được sử dụng để theo dõi bạn
Nếu bạn có thẻ thành viên của một cửa hàng, bạn cảm thấy mình là một khách hàng đặc biệt. Dù những thẻ này có thể giúp bạn mua hàng rẻ hơn hay tích điểm thưởng nhưng mục đích chính của chúng là thu thập thông tin về giao dịch mua hàng của bạn.
Khi bạn làm thẻ thành viên, bạn phải cung cấp tên, tuổi, thông tin liên hệ của bạn... Thông tin cá nhân của bạn được siêu thị, cửa hàng sử dụng hợp pháp để tìm hiểu về bạn nhiều hơn bạn có thể tưởng tượng, từ đó có cách thức tiếp thị phù hợp với bạn.
8. Khiến khách ảo tưởng về hàng giá rẻ
Tại hầu hết các siêu thị, luôn có những khu vực trưng bày rất nhiều sản phẩm giảm giá. Vấn đề là, những sản phẩm tương tự có thể được đặt ở các kệ khu vực khác nhưng bạn không để ý tới. Việc tập hợp và trưng bày nhiều sản phẩm lại trong cùng một quầy và dán mác giảm giá như thế có tác dụng làm cho khách hàng nghĩ rằng ở đây giá rẻ hơn nhiều. Về vị trí, những món đồ đó thường sẽ được đặt ở những nơi dễ nhận biết trong siêu thị để khách hàng có thể tiến tới.
9. Thực phẩm bị tái sử dụng
Những thực phẩm sắp hết hạn có thể được các siêu thị tận dụng làm nguyên liệu cho các món chế biến sẵn. Họ cũng có thể gửi số sản phẩm đó cho nhà sản xuất để dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm mới. Ví dụ: Hương kem sắp hết hạn, siêu thị có thể gửi tới nhãn hàng để họ tận dụng trộn để làm nên vị kem chocolate mới. Màu đen và vị chocolate mạnh sẽ át đi hương vị gốc.
(Theo GiadinhNet)