Việc Hàn Quốc bắt giữ rồi truy tố Lee Jae-yong, Phó chủ tịch và cũng là người thừa kế tập đoàn Samsung, đang là tâm điểm chú ý của dư luận nước này. Một số người Hàn Quốc thậm chí gọi đây là "phiên tòa thế kỷ" hay một trong những vụ xét xử đặc biệt nhất trong lịch sử công nghệ thế giới.
|
Lee Jae-yong (phải) là con cả và con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee (trái). Ảnh: CNBC |
Ông Lee Jae-yong, hay còn được biết đến ở phương Tây là Jay Y. Lee, đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc khác nhau, kể cả tội hối lộ và biển thủ. Phiên xử sơ bộ đầu tiên đối với vị doanh nhân quyền lực này đã diễn ra hôm 9/3. Tại tòa, đội ngũ luật sư biện hộ cho ông Lee đã bác bỏ mọi cáo buộc chống lại thân chủ.
Vụ việc trên hiện không chỉ ảnh hưởng tới bản thân ông Lee, Samsung mà còn cả đất nước Hàn Quốc nói chung, do Samsung hiện là tập đoàn tài phiệt (chaebol) lớn nhất nước này. Hơn thế nữa, bê bối có liên quan đến cả những mối quan hệ phức tạp giữa giới lãnh đạo doanh nghiệp với các chính trị gia, những thỏa thuận nhiều khuất tất và việc Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất.
Dưới đây là những điểm trọng yếu về vụ đại án nói trên:
Bị cáo Lee Jae-yong là ai?
Lee Jae-yong, 48 tuổi là con cả và con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, cháu nội của người sáng lập tập đoàn Lee Byung-chul.Tạp chí Forbes xếp hạng ông là người quyền lực thứ 40 thế giới, nhưng là người quyền lực nhất Hàn Quốc. Tài sản của ông Lee ước tính trị giá khoảng 6 tỉ USD.
Từng tốt nghiệp Đại học Havard và thông thạo 3 ngoại ngữ, ông Lee hiện là phó chủ tịch của Samsung Điện tử, công ty thành viên lớn nhất và cũng là quan trọng nhất thuộc tập đoàn đa ngành Samsung. Dù làm việc cho Samsung Điện tử từ năm 1991, nhưng mãi tới năm 2009, ông mới được đề bạt vị trí quan trọng đầu tiên tại công ty này - ghế giám đốc điều hành (COO). Ông bắt đầu nắm giữ chức phó chủ tịch công ty năm 2012, động thái được coi là xác lập ngôi vị "thái tử" của ông tại tập đoàn.
Kể từ khi cha ông, Chủ tịch Lee Kun-hee, bị trụy tim vào năm 2014, ông Lee nghiễm nhiên được xem là người đứng đầu toàn bộ tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, những người bên ngoài rất khó hình dung các nhiệm vụ ông Lee đang gánh vác tại Samsung, do vị doanh nhân này khá kín tiếng, gần như không bao giờ trả lời phỏng vấn và cũng không ra mặt giải quyết bất kỳ sự vụ nào của tập đoàn trước công chúng, kể cả thảm họa Galaxy Note 7 hồi năm ngoái.
Dẫu vậy, nhiều nguồn tin đánh giá, người thừa kế tập đoàn Samsung có tính cách ôn hòa, thân thiện và có công mở rộng mảng sản xuất màn hình OLED của Samsung.
Cảnh sát đã bắt giữ ông Lee Jae-yong ngày 17/2. Ảnh: ET |
Ông Lee bị cáo buộc những gì?
Samsung và gia đình của ông Lee từng nhiều lần đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và vi phạm khác. Song, ông Lee là sếp Samsung đầu tiên bị bắt giữ và tống giam trước một phiên xét xử.Ông Lee hiện bị cáo buộc phạm tội hối lộ, khai man, che giấu lợi nhuận phi pháp, biển thủ và giấu tài sản ở nước ngoài. Đặc biệt, theo các điều tra viên, ông Lee và 4 lãnh đạo cấp cao khác của Samsung có dính líu đến các khoản chi lót tay trái phép, lên đến 43,3 tỉ Won (khoảng 38 triệu USD) cho Choi Soon-sil, cựu trợ lý thân tín của nữ Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye, để đổi lấy sự hậu thuẫn chính trị đối với một vụ sáp nhập công ty của Samsung. Thương vụ sáp nhập gây tranh cãi này được cho là nhằm giúp ông Lee củng cố quyền lực và kế nhiệm cha một cách suôn sẻ.
Phản ứng của ông Lee và Samsung?
Bản thân ông Lee đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc chống lại mình trong phiên xử đầu tiên. Tất nhiên, tập đoàn Samsung cũng đứng về phía vị lãnh đạo của mình. "Samsung không hề bỏ tiền hối lộ hay đưa ra các đề nghị không thích hợp nhằm tìm kiếm sự ưu ái. Quá trình tố tụng trong tương lai sẽ hé lộ sự thật", phát ngôn viên của Samsung tuyên bố trước báo chí.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Hiện rất khó để phỏng đoán về kết quả của vụ đại án này. Một số nhà phân tích nhận định, ngay cả khi ông Lee bị phát hiện có tội, điều đó rốt cuộc có thể không ảnh hưởng đến việc ông sẽ kế nhiệm cha. Bản thân cha ông, Chủ tịch Lee Kun-hee, từng 2 lần bị kết tội trốn thuế và hối lộ riêng rẽ, nhưng đều nhận được sự ân xá của các tổng thống. Đáng chú ý, lần ân xá thứ hai của Tổng thống Lee Myung-bak vào năm 2008 đã cho phép ông Lee Kun-hee tiếp tục có chân trong Ủy ban Olympic Quốc tế và đi đầu trong việc giúp Hàn Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 2018 tại Pyeongchang. Một năm sau đó, năm 2009, ông Lee Kun-hee đã quay lại làm chủ tịch Samsung.
Ngoài ông Lee Kun-hee, rất nhiều chủ tịch của các chaebol khác như Hyundai, SK và Hanwha cũng đều được chính phủ Hàn Quốc ân xá trong thời gian qua. Gần đây nhất, vào tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Park đã quyết định tha tù trước thời hạn đối với Lee Jay-hyun, người đứng đầu tập đoàn CJ và cũng là cháu trai của Chủ tịch Samsung.
Với các tiền lệ trên, không khó để người ta tin rằng "thái tử" của Samsung cũng có thể được ân xá nếu bị kết tội. Lợi thế của ông Lee Jae-yong chính là tầm ảnh hưởng của tập đoàn ở trong nước. Samsung hiện đóng góp tới gần 1/5 GDP của Hàn Quốc. Công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc thậm chí từng thú nhận đã cân nhắc các tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế đất nước, trước khi ra quyết định có bắt giữ ông Lee hay không.
Tuy nhiên, ông Lee cũng đang gặp phải rất nhiều bất lợi về ngoại cảnh. Người dân Hàn Quốc ngày càng trở nên bất bình và phẫn nộ trước tình trạng tham nhũng và gia đình trị tại các chaebol. Hơn thế nữa, Tổng thống Park, người được cho là có nhiều ưu ái đối với Samsung, vừa bị phế truất. Trong bối cảnh như vậy, ngay cả chủ tịch Samsung dường như cũng có lí do để lo lắng.
Tuấn Anh (Theo The Verge, CNN)