“Được tiếng là nhân viên ngân hàng, ăn mặc sang trọng lịch sự nên người ngoài nhìn vào ngưỡng mộ, ước ao. Nhưng có làm nghề mới biết, cái nghề nó bạc bẽo, đôi khi là nhục nhã đến mức nào” – Trung Minh, nhân viên 1 một ngân hàng lớn tại Hà Nội tâm sự.

“Tôi là nhân viên, không phải trai bao”

Trung Minh, là nhân viên quan hệ khách hàng, thường phải trực tiếp tiếp xúc khách hàng nên những khó khăn mà Trung Minh phải trải qua không giống như những nhân viên làm mảng khác. Suốt cả năm, Minh phải tất tả ngược xuôi tìm kiếm khách để huy động vốn. Tìm được rồi thì phải chăm sóc họ như thượng đế để lôi kéo và giữ chân.

“Bằng đấy việc thôi nhưng áp lực và cay đắng thì không bút nào tả nổi” – Trung Minh nói.

 

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa
 

Trung Minh kể: “Mình phấn đấu mấy năm trời, cuối cùng cũng lên hàng Vip, tức được giao chăm sóc các khách hàng Vip. Mấy tháng trước, nhờ quan hệ của sếp, mình được tiếp xúc với một khách hàng. Bà này đang có khoản vốn lên đến mấy chục tỉ và muốn gửi huy động.

Mình cố gắng gặp gỡ để thuyết phục. Đến khi thuyết phục xong, ký được hợp đồng, tiền cũng đã gửi vào ngân hàng rồi thì bà ta lại khiến mình khốn khổ.

Cứ 3 hôm, bà ta lại điện thoại ỉ ôi. Hôm thì nhờ mình tư vấn phương án mua nhà, hôm thì mua xe …Nhưng đến gặp thì hóa ra chỉ là cái cớ. Cứ gặp là bà ta rủ đi café, shopping, rồi khoác tay, khoác chân, sờ eo, sờ bụng.

Mình báo cáo sếp, nhưng sếp bảo cố đi, cố đến hết năm. Thế là lại cố. Nhưng càng ngày, bà ta càng quá đáng. Gần 50 tuổi mà mỗi lần gọi điện, bà ta nhõng nhẽo đến lạnh người.

Hôm trước, bà ta đòi mình đưa đi mua đồ. Nghĩ, sắp hết năm nên cố chiều, vì bỏ dở bây giờ là coi như công cốc cả năm, nhưng đưa bà ta đi mua sắm xong, về đến nhà thì bà ta giở trò bậy bạ, ngồi cả lên đùi mình …Mình điên tiết, đẩy bà ấy ra, quát lên mấy câu rồi đi thẳng.

Vừa về đến cơ quan thì sếp gọi, mắng xối xả vì bà ta phản ánh thái độ nhân viên và đòi rút vốn chuyển ngân hàng khác”.

“Đang sẵn cơn bực, mình nói thẳng với sếp, rằng mình là nhân viên, đâu phải trai bao mà không được quyền từ chối khi người ta muốn sàm sỡ” – Trung Minh nói.

Đối mặt với dê xồm, đổi tình lấy tiền

Tường Vy – chuyên viên khách hàng cá nhân của một ngân hàng bậc trung có chi nhánh tại Thanh Xuân, Hà Nôi cũng kể khổ: “Làm mảng tín dụng tủi lắm bạn ơi”. Cơ quan áp chỉ tiêu nên phải chạy vạy, kêu gọi khắp nơi để huy động vốn, bằng không thì bị trừ lương, hoặc đuổi việc như chơi.

Vy cho hay: “Hồi đầu mới đi làm còn ngố, gọi điện thoại tới cứ khai tuốt tuột “Em ở ngân hàng…”, người ta toàn bảo “Anh chị bận”, có khi còn cúp máy thẳng luôn. Người độc mồm khác thì chửi “con khỉ, đang giờ trưa, có để cho tao ngủ không” dù lúc ấy đã 4 giờ chiều rồi” . Có người lại bỡn cợt bỡn cợt: “Gặp mặt, cafe thì mới chịu nói chuyện”.

Chính vì vậy, chuyện gặp khách hàng “dê xồm” có hành vi ôm vai bá cổ, cầm tay, vuốt má với Vy đã là chuyện thường tình. Ngày đầu mới đi làm Vy hay giật mình, giãy nảy. Bây giờ, Vy đã biết à ơi để kiếm được mối.

Vy cho biết “Nhiều người ở quê không biết cứ nghĩ mình làm nghề ngân hàng là sang lắm, giàu lắm. Thực ra vừa hèn vừa nhục. Nghề mình là nghề tín dụng, là nghề phải quan hệ với khách hàng, quan hệ linh tinh, quan hệ càng nhiều càng tốt,…”

Vy cũng chia sẻ về rất nhiều nữ đồng nghiệp của mình có gia đình không hạnh phúc chính bởi môi trường làm việc phức tạp. “Chả nói gì điêu ngoa, sếp của mình đi lên từ bàn tay trắng, cũng li dị chồng, một thân một mình nuôi con và sau này thì cặp với hết ông này tới ông khác để có mối khách hàng dắt về cho nhân viên”, Vy kể.

Vy còn cho biết: “Có lần mình chứng kiến màn đánh ghen kinh hồn bạt vía khi vợ của bồ sếp tới dằn mặt. Bà ấy túm tóc, bạt tai rồi chửi bới nói rằng con gái ngân hàng toàn một lũ lươn lẹo, vì tiền mà bán nhân phẩm.

Đợt đó bọn mình im thin thít, sếp thì sửa sang lại đầu tóc rồi cư xử như thường, vẫn ngẩng cao đầu sai nhân viên làm việc”.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

M.A – H.T

Còn tiếp