Lời xin lỗi bất ngờ của một mật vụ Pháp về vụ chìm tàu của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cách đây 30 năm khiến nhiều người sửng sốt.

Phát biểu trên kênh truyền hình New Zealand cuối tuần qua, mật vụ Jean-Luc Kister nói, ông và các đồng sự không có ý giết hại ai, khi họ gài hai quả bom vào tàu ‘Chiến binh Cầu vồng’ ngày 10/7/1985, thời điểm con tàu này thả neo ở Vịnh Auckland.

Hai quả bom lúc nửa đêm

Theo Business Insider, vào thời điểm đó, Chiến binh Cầu vồng đang dẫn đầu một đội tàu nhỏ tới Mururoa Atoll ở Thái Bình Dương, để phản đối việc Pháp thử nghiệm hạt nhân. Nửa đêm ngày 10/7/1985, hai vụ nổ xảy ra cách nhau chỉ 60 giây ở phía đuôi tàu. Chỉ bốn phút sau đó, toàn bộ con tàu của những nhà hoạt động vì môi trường chìm xuống biển giữa đêm đen.

{keywords}

Nếu theo kế hoạch, các nhân viên của Greenpeace trên khắp thế giới sẽ tập trung trên Chiến binh Cầu vồng và ngủ lại trên tàu vào hôm sau.

Thuyền trưởng Peter Willcox kể lại, ông không hiểu vì sao tàu lại phát nổ. Tuy nhiên, ông hoài nghi có âm mưu ngầm phá hoại, vì trên tàu không hề có thuốc nổ, và chỉ có một động cơ nhỏ vận hành vào lúc xảy ra vụ việc.

Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã phát hiện ra một người Pháp khả nghi, xuất hiện gần con tàu vào buổi chiều cùng ngày. Họ cũng theo dõi một tàu chở hàng của Pháp có mặt tại cảng vào thời điểm đó.

Nhóm người trên tàu Chiến binh Cầu vồng – phần lớn từ Mỹ, châu Âu – chứng kiến cảnh con tàu chìm xuống từ cạnh bến cảng. Một vài người trong số họ đã bị sức ép của vụ nổ hất tung xuống nước. Nhiếp ảnh gia người Bồ Đào Nha Fernando Pereira đã tử nạn vì bị đuối nước.

Thủ tướng New Zealand khi đó là David Lange đã lên án vụ nổ là ‘một hành động tội ác nghiêm trọng’ và triển khai mọi nguồn lực chính phủ để điều tra. Ông đã cho Tổ chức Hòa bình Xanh mượn một tàu khác để tiếp tục kế hoạch phản đối thử nghiệm hạt nhân. Chính phủ New Zealand đã cấm các tàu chiến hạt nhân của Mỹ tiếp cận cảng từ tháng Giêng năm đó.

Kế hoạch của Pháp

Tổ chức Hòa bình Xanh đưa tàu Chiến binh Cầu vồng vào sử dụng từ năm 1978. Tàu này có tải trọng 417 tấn, dài 40m. Sau vụ nổ bom, người ta đã phát hiện ra một lỗ thủng rộng 1,82m x 2,43m ở mạn đuôi tàu. Các thợ lặn phát hiện ra những dấu vết còn sót lại của các loại mìn gắn trên tàu, và loại này không có sẵn ở New Zealand.

Sau vụ nổ bom, hai người đã bị kết tội cố ý phá hoại và giết người. Đó là Alain Mafart và Dominique Prieur. Quá trình điều tra sâu hơn cho thấy, cả hai người này đều là mật vụ Pháp.

Chính phủ Pháp tìm cách chối bỏ liên quan và che đậy vụ việc. Tới tháng 9/1985, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Charles Hernu từ chức và Pháp bồi thường cho New Zealand 7 triệu USD. 5 năm sau đó, Liên Hợp Quốc chỉ trích Pháp vì không duy trì bản án với các mật vụ bị buộc tội.

30 năm sau, nội tình thật sự của vụ đánh bom mới được làm sáng tỏ khi mật vụ Kister – người đã lặn xuống biển để gài bom vào con tàu - xác minh về những gì đã xảy ra vào đêm 10/7/1985.

Kister nói rằng, nhóm của ông chỉ định đánh chìm con tàu, và cái chết của nhiếp ảnh gia Bồ Đào Nha đã làm lương tâm họ cắn rứt suốt đời. Ông gọi nhiệm vụ đó là ‘một thất bại lớn’. “Chúng tôi không phải là những kẻ giết người máu lạnh. Chúng tôi đã làm mọi việc để đảm bảo sinh mạng cho mọi người trên tàu Chiến binh Cầu vồng”.

Khi nhận lệnh đánh bom tàu, Kister đã rất ngạc nhiên vì ông thấy tổ chức này có thể gây phiền hà, nhưng họ không nguy hiểm. “Đối với chúng tôi, việc này chỉ như dùng găng tay đấm bốc để đập muỗi”- Kister nói.

Sau vụ nổ bom, ông nhận được chỉ thị phải nói rằng các điệp viên KGB của Nga đã đột nhập vào tàu của Greenpeace.

Lời xin lỗi muộn màng

Jean-Luc Kister đã chuyển lời xin lỗi của ông tới con gái của nhiếp ảnh gia Fernando Pereira vào tuần qua. “Tôi muốn nhân cơ hội mà truyền hình New Zealand trao cho tôi để bày tỏ sự hối lỗi sâu sắc nhất. Tôi xin lỗi cô Marelle Pereira và gia đình cô vì cái chết của ông Fernando Pereira”.

“Tôi muốn xin lỗi người dân New Zealand vì chiến dịch bất công và lén lút này lại thực hiện tại một đất nước thanh bình và thân thiện” – Kister nói.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Peter Willcox – Thuyền trưởng tàu Chiến binh Cầu vồng khi đó – cho rằng, lời xin lỗi của Kister chân thành, nhưng các điệp viên đã không lưu tâm khi hành động của họ có thể gây ra cái chết của bất kỳ ai.

“Đây là một nhóm binh sĩ được huấn luyện kỹ lưỡng. Phải chăng họ đã hoàn thành không tốt công việc của mình? Tôi cho rằng nếu họ sử dụng lượng thuốc nổ chỉ bằng ¼ số đã dùng, và con tàu chìm, chúng tôi vẫn dư thời gian để nhảy ra khỏi đó” – Willcox viết.

Vụ đánh bom này vẫn là một lý do khiến quan hệ Pháp và New Zealand đôi khi căng thẳng. Hai điệp viên của Pháp là Dominique Prieur và Alain Mafart bị bắt tại New Zealand sau vụ đánh bom và bị kết tội. Tuy nhiên, cả hai đều được về Pháp sau ba năm. Hành động này khiến nhiều người New Zealand tức giận và tin chính phủ của họ đã ‘đầu hàng’ trước sức ép của Pháp.

Lê Thu