- Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập gần 2.000 tấn mận, đào Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Song, trên thị trường, mận, đào Tàu lại được tiểu thương gắn mác đặc sản Việt để lừa người mua.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), tính đến hết 31/7/2015, số lượng đào nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam là 1.492 tấn, giảm 478 tấn so với cùng kỳ năm ngoái; mận Trung Quốc là 443 tấn, giảm 103 tấn.

Do mận, đào Trung Quốc đã cuối vụ nên hàng nhập khẩu qua cửa khẩu không nhiều. Đặc biệt, so với năm 2014, con số này đã giảm đáng kể. Người dân đã e ngại, không dám ăn hoa quả cũng như các loại rau củ khác của Trung Quốc vì sợ độc hại, bà Hà cho hay.

Thực tế ghi nhận của PV cho thấy, tuyệt nhiên không thấy một hàng quán nào tại các chợ hay trên phố nhận bán các loại đào, mận của Trung Quốc. Hàng quán nào cũng khẳng định mình bán hàng Việt Nam, có xuất xứ từ Sa Pa (Lào Cai).

{keywords}

Số lượng đào, mận Trung Quốc nhập về Việt Nam 7 tháng đầu năm giảm do người dân không dám ăn

Chẳng hạn, một tuần lại đây, sau khi loại mận vàng của Trung Quốc đã hết, trên thị trường lại xuất hiện loại mận có vỏ bên ngoài màu tím, thịt bên trong màu vàng, quả nhỏ, ăn giòn, dóc hạt, được người bán quảng cáo là mận “xịn” nhập từ Yên Bái và Lào Cai.

“Mận giống mới của Yên Bái đó, ăn ngon mà giá chỉ 45.000 đồng/kg thôi, anh khẳng định đây không phải hàng Tàu đâu nhé”, một chủ hàng tại phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) chào mời. Hay, dân bán rong hoa quả trên đường vành đai ba đoạn Nguyễn Xiển còn khăng khăng cho rằng đó là mận Sa Pa (Lào Cai), hiện đang chính vụ nên nguồn hàng rất dồi dào và giá khá rẻ.

Tuy nhiên, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phạm Văn Lái, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, cho hay, hiện tỉnh không còn loại mận tím này nữa. Tất cả các loại mận trồng ở Yên Bái đã hết mùa từ cuối tháng 7.

Theo ông Lái, có thể loại mận nhỏ màu tím trên là mận Trung Quốc, được người bán hàng đánh tráo là mận Yên Bái để người dân tin tưởng mua nhiều hơn.

{keywords}

Trên thị trường, các loại mận, đào Tàu đều được người bán gắn mác đặc sản Lào Cai, Yên Bán để lừa người tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, loại mận tím đen, quả nhỏ giống như mận tam hoa, ăn có vị ngọt đã hết mùa từ lâu. “Ngay như loại mận đen quả to khoảng 1 lạng được người bán quảng cáo mận ngọt Sa Pa, tôi khẳng định là Sa Pa không có loại mận nào như thế cả”, ông Tuấn nói.

Tương tự, với mặt hàng đào bán nhiều tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thậm chí tận TP.HCM, ông Tuấn nói rằng đó là đào Trung Quốc. “Mùa đào ở Lào Cai thu hoạch từ tháng 5, giữa tháng 6 đã hết vụ”, ông Tuấn cho biết.

Trên thực tế, giống đào được trồng ở Lào Cai chủ yếu là đào Pháp, với tổng diện tích chỉ 300 ha, khoảng 150.000 gốc. Còn giống đào truyền thống, do cuối năm hay đốn cành, đánh gốc đưa về xuôi chơi Tết nên không còn nhiều, chỉ khoảng 360 ha nằm rải rác ở các huyện như Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương.

“Chất lượng đào Trung Quốc không thể so sánh được với đào Sa Pa. Mặc dù đào Trung Quốc quả to, bắt mắt hơn nhưng ăn xốp và nhạt, còn đào Sa Pa quả nhỏ nhưng thơm, giòn và ngọt nên giá bán luôn cao hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Bảo Hân