Mới đây, Nguyễn Quang Tùng, 30 tuổi, trưởng nhóm bộ phận ý tưởng tại một doanh nghiệp bảo hiểm ở TPHCM đã quyết định nghỉ việc trong tâm thế chán nản. Điều này xuất phát từ sự việc mức lương của anh bị lộ ra với nhân viên cùng phòng.
Vào làm việc mới được một thời gian, được đánh giá đúng năng lực, Tùng xác định gắn bó với nơi đây. Thậm chí, anh còn tâm niệm: Lúc nào bị đuổi mới ra đi. Nhưng quyết tâm của Tùng đã có phần lung lay sau cuộc ngồi cà phê giữa giờ với 2 em đồng nghiệp cùng phòng.
Tùng quyết định nghỉ việc vì bị tiết lộ lương (Ảnh minh họa) |
Khi thanh toán tiền, Tùng giành phần trả, cô nữ đồng nghiệp bất chợt nói: "Thôi để anh Tùng mời. Lương anh ấy hơn 23 triệu đồng, trả trăm chầu này cũng được".
Tùng đứng hình vài phút. Anh rút tiền ra trả mà người nóng bừng, vừa hụt hẫng vừa tức giận. Đồng nghiệp nói mức lương của anh chính xác từng số lẻ. Cô nhân viên cũng để lộ thông tin: Trưởng phòng đều nói cho mọi người biết mức lương của những người mới vào làm việc.
Cậu muốn nghỉ việc ngay vì mức lương này không phải là do công ty đưa ra, không phải áp dụng chung cho nhân viên mới mà là do cậu đàm phán. Nhưng hóa ra, lại bị công khai cho cả phòng ngay từ ngày mới vào.
Tùng lân la hỏi thêm thì được biết, ở phòng ai cũng biết mức lương của người khác. Tùng cảm thấy bị xúc phạm: Anh không hề biết mức lương của mọi người, còn mình thì bị đem ra đàm tiếu.
Sau khi bình tĩnh lại, Tùng tự trấn an nếu công ty không có quy định bí mật mức lương thì cậu sẽ không ý kiến, tiếp tục làm việc.
Cậu lên phòng hành chính để xác nhận lại thì kết quả lại trái ngược: Quản lý nhân sự ở đây nói "phải ém lương gần chết". Hóa ra, chuyện để lộ lương là "động thái riêng" của trưởng phòng, sếp trực tiếp Tùng.
Sau sự việc, trưởng phòng bị nhắc nhở. Nhưng Tùng cũng chính thức trở thành "con ghẻ" trong phòng.
Cậu đi làm bị dò xét, bị xì xầm, bị những ánh mắt soi mói... Ráng thêm được một tuần, cuối cùng không chịu nổi bầu không khí sau khi gây ra "sóng gió", Tùng đã xin nghỉ việc.
Liên quan đến tiền: Cần tế nhị!
Chuyện công khai hay bí mật mức lương của nhân viên tùy quan điểm quản lý của doanh nghiệp.
Có nơi công khai để tạo sự cạnh tranh, để nhân viên hiểu làm việc thế nào để đạt được mức lương theo khung này, khung kia. Nhưng nhiều nơi giữ bí mật để tránh các rủi ro, hiềm khích, điều tiếng.
Liên quan đến vấn đề tiền, luôn cần sự ứng xử tế nhị (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, việc tiết lộ mức lương của bản thân, nhất là lương của đồng nghiệp là điều vô cùng tế nhị. Điều này có thể dẫn đến những tổn thương, cảm thấy thiếu được tôn trọng từ người khác.
"Bàn luận về mức lương, tiết lộ lương không phải là hành vi phạm pháp nhưng điều này có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc, khiến bạn có thể gặp rắc rối hoặc đẩy người khác vào rắc rối", một quản lý nhân sự nêu quan điểm.
Chị Lê Minh Tân, làm việc tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Q.3, TPHCM bày tỏ, việc bí mật hay công khai lương tùy từng công ty, thường được trao đổi khi ký thỏa thuận nhận việc.
Nhưng chưa nói đến quy định cấm hay không, việc tiết lộ lương của mình và đồng nghiệp là điều cần tránh trong ứng xử nơi công sở. Vì nó kéo theo rất nhiều tình huống dở khóc dở cười mà mỗi người không lường được.
Như chị, từng bị nhân viên cũ gây khó dễ ra mặt vì mức lương của họ làm lâu năm nhưng thấp hơn chị mới vào. Nhiều người không nhìn vào năng lực của bản thân, lại thường gây khó dễ, gây hại cho tổ chức xuất phát từ lương.
"Liên quan đến tiền bạc, không chỉ trong công việc, luôn cần ứng xử tế nhị", chị Tân nói.
Mất bạn thân vì lộ thông tin tiền lương Chị Phan Thu Ân, làm việc tại một doanh nghiệp đá quý ở TPHCM cho biết đã từng gặp trường hợp, hai người bạn thân học cùng lớp cùng vào công ty, cùng phòng, cùng vị trí. Khi phỏng vấn, một người rất tự tin, một người khá e dè nên đề xuất mức lương khá chênh lệch nhau. Đến khi vào làm việc chính thức, họ để lộ lương của nhau. Cô gái đàm phán lương thấp đã vô cùng suy sụp và kiến nghị lên với sếp. Sau đó, cả hai đều bị khiển trách và cũng tan vỡ luôn tình bạn lâu nay. |
(Theo Dân Trí)