- Quyết toán cuối năm gấp rút khiến hàng trăm doanh nghiệp tại TP.HCM phải chạy đôn chạy đáo tím cách giải quyết rắc rối đến từ hóa đơn. Thậm chí, nhiều đơn vị phải cắn răng chịu án phạt từ cơ quan thuế vì những lỗi không do mình gây nên.

Mướt mồ hôi với hóa đơn

Cụ thể, tháng vừa qua có rất nhiều ý kiến phản ánh: kinh tế khó khăn nên có nhiều doanh nghiệp, kể cả trong nước và nước ngoài, phải bỏ trốn, để lại cho đối tác nỗi lo về những hóa đơn giao dịch trước đó. Ngoài ra, hàng loạt những hóa đơn bán hàng bị hư hỏng, viết sai, đánh mất... bỏ lại làm các công ty đang hoạt động chịu trận với cơ quan thuế.

Theo Cục Thuế TP.HCM, trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa trước nhưng ở thời điểm cơ quan có thẩm quyền thông báo phía bên bán đã bỏ trốn thì các hóa đơn vẫn có tính hợp pháp và được kê khai khấu trừ tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng xác định bên bán chỉ là đơn vị mua, bán hóa đơn thì những loại hóa đơn khống đó bất hợp pháp. Dù rằng thời điểm lưu hành hóa đơn này, cơ quan có thẩm quyền chưa thông báo doanh nghiệp bên bán bỏ trốn.

{keywords}

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM cho biết, những hóa đơn bị mất hoặc bị hư hỏng (liên 2) nếu chưa giao cho khách hàng nhưng phát hành trước thời điểm 9/1/2013 mà người bán làm mất hóa đơn có báo mất với cơ quan thuế trong 5 ngày sẽ không bị xử phạt.

Tuy vậy, nếu doanh nghiệp không báo hoặc quá thời hạn này sẽ bị phạt từ 5-25 triệu đồng; các hóa đơn có liên 2 bị hư hỏng nếu phát hành sau thời điểm trên mà bị mất thì dù bên bán có báo vẫn bị phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng, chỉ trừ trường hợp hóa đơn bị mất do thiên tai, hỏa hoạn.

Với những quy định như trên, không ít doanh nghiệp cảm thấy rắc rối và cũng chưa nắm rõ tường tận. Một doanh nghiệp bức xúc: “Bản thân những chính sách cơ quan thuế giải thích còn rắc rối như vậy thì làm sao bên nộp thuế có thể tuân thủ được. Thêm vào đó, việc tiếp cận của doanh nghiệp với chính sách lại có sự chồng chéo, mỗi cán bộ thuế đưa ra một cách giải thích khác nhau. Khi thắc mắc thì nghe đi nghe lại “điệp khúc” chờ xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế mới tiến hành giải quyết. Như vậy doanh nghiệp dính lỗi là đương nhiên”.

Bà Trần Thị Phượng, kế toán trưởng Trung tâm kinh doanh An Thịnh, thuộc Tổng công ty Liksin, cho rằng, mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hóa đơn bị hư hỏng, mất hóa đơn khiến cho những người phụ trách tài chính ở doanh nghiệp rất căng thẳng. Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp sẽ bị phạt nếu làm hư hỏng hóa đơn hoặc bị mất, nhưng trên thực tế số tiền phạt này đổ hết vào người lao động.

Bà Phượng góp ý, để giảm bớt áp lực cho người lao động, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế nên có quy định cho phép sử dụng hóa đơn sao y bản chính khi vận chuyển hàng hóa, khi có kiểm tra mới xuất trình hóa đơn gốc để hạn chế rủi ro mất mát và hư hỏng.

Còn ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh, thắc mắc về truy thu thuế đối với doanh nghiệp cổ phần hóa và có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Doanh nghiệp của ông vừa bị truy thu do nộp chậm thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 100 tỷ đồng.

Ông Ngân đề nghị cơ quan thuế cần giải quyết nhanh vấn đề của nhựa Bình Minh nhằm giúp cho doanh nghiệp tránh tình trạng nợ thuế kéo dài và có giải thích thỏa đáng với các đối tác nước ngoài đang nắm cổ phần lớn. 

{keywords}

Giải pháp kỹ thuật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, minh bạch trong khai và nộp thuế là nộp thuế qua mạng đã được nhiều cơ quan thuế địa phương triển khai hiệu quả.

Nhiều khi phải “lót tay”

Đối với Nghị định 109 về xử phạt các vi phạm về hóa đơn, đại diện ngành thuế TP.HCM cũng cho rằng, mức xử phạt là quá nặng và sẽ kiến nghị để sớm có những sửa đổi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Cục Thuế TP.HCM không chấp nhận phương án sử dụng hóa đơn sao y bản chính vì lo ngại hành vi khai man, trốn thuế của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp vẫn phải lập hóa đơn kê khai nộp thuế và giao hóa đơn cho người mua hàng hoặc sử dụng trong quá trình vận chuyển theo quy định.

Cuối năm thường là thời điểm bận rộn trong giải quyết thanh quyết toán cho đối tác và khách hàng, nhưng đến giờ này nhiều công ty vẫn rối với thủ tục hành chính thuế. Một số ý kiến liên quan đến việc xử lý báo cáo hóa đơn theo quý hiện nộp qua mạng. Trong đó, có một hóa đơn bị sai thông tin người mua hàng cũng đủ mất thời gian và doanh nghiệp phải chi phí “lót tay” mới thông suốt.

Giải đáp thắc mắc này, lãnh đạo ngành thuế cho hay, giải pháp kỹ thuật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, minh bạch trong khai và nộp thuế là nộp thuế qua mạng đã được nhiều cơ quan thuế địa phương triển khai hiệu quả.

Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, bà Trần Thị Lệ Nga, cho biết, đối với báo cáo sử dụng hóa đơn đã nộp qua mạng Internet, nếu phát hiện có sai sót thông tin người mua hàng phải lập biên bản hủy hóa đơn, lập hóa đơn khác thay thế và nộp lại báo cáo sử dụng hóa đơn.

Các báo cáo sử dụng hóa đơn nộp lại nếu không nộp qua mạng, có thể lập bằng tay gửi cho cơ quan thuế. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ không bị phạt do trước đây đã nộp báo cáo đúng hạn. Vì thế, các doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo quy định vì nếu hóa đơn sai, không thu hồi và lập lại thì người mua sẽ không được khấu trừ vào chi phí.

Nam Phong