Sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ giúp máy bay không người lái (UAV) ngày càng hiện đại và đa năng hơn, có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ trong chiến tranh hiện đại. Vậy, làm thế nào để giảm thiểu hiệu quả hay vô hiệu hóa loại thiết bị này?
Gây nhiễu bằng điện tử
Máy bay không người lái về cơ bản là một phương tiện điện tử. Do chủng loại và số lượng thiết bị điện tử trên máy bay lớn, mối liên hệ giữa chúng với bên ngoài tương đối rộng, vì thế khả năng chống nhiễu không cao.
UAV MQ-9 Reaper. Ảnh: AP |
Những thiết bị cảm biến điện tử trên UAV thường phức tạp và trong môi trường điện tử dễ bị vô hiệu hóa dẫn đến “mù, điếc” hoặc không nhạy như thiết kế ban đầu. Khi bị gây nhiễu điện tử mạnh, các thiết bị này có thể không nhận được tín hiệu chỉ huy, bị “chết”, số liệu truyền ra từ phần mềm điều khiển bay bị sai lệch dẫn đến mất phương hướng.
Khi thực hiện gây nhiễu điện tử UAV, lực lượng gây nhiễu thường sử dụng phương pháp gây nhiễu tổng hợp, kết hợp nhiều thủ đoạn, phương pháp kỹ chiến thuật, gây nhiễu liên tục với cường độ mạnh, đa dải tần, nhiều công suất khác nhau để không cho máy bay có cơ hội nghỉ và ổn định, từ đó dẫn đến mất tác dụng.
Quân đội Nam Tư đã tiến hành gây nhiễu điện tử mạnh làm nhiều UAV của Mỹ bị mất tác dụng, thậm chí mất điều khiển, bay không định hướng cho đến khi hết nhiên liệu và rơi xuống đất.
Sử dụng mạng máy tính
UAV, về cơ bản là một loại “máy tính”. Các hệ thống điều khiển bay, định vị dẫn đường, thông tin liên lạc, truyền dữ liệu… đều được kiểm soát thông qua trung tâm chỉ huy dưới mặt đất, qua vệ tinh, qua thiết bị mạng máy tính trên máy bay. Vì thế, khi “bộ óc” bị phá hủy thì máy bay sẽ không còn tác dụng.
Theo các chuyên gia, có thể xâm nhập vào hệ thống máy tính của UAV làm máy chủ bị nhiễm virus. Tiếp đó, sử dụng loại virus này để kiểm soát, phát lệnh giả cho UAV đang bay trên không, điều khiển chúng bay tới ném bom, bắn tên lửa vào chính quân nhà, thậm chí tiến hành “bắt cóc” - tức buộc chúng bay đến hạ cánh xuống lãnh thổ đối phương.
Các chuyên gia phần mềm máy tính cũng kết luận, phương pháp dùng mạng tiến công phần mềm để phá hủy hoặc điều khiển UAV của đối phương theo ý đồ định sẵn là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của các chuyên gia máy tính giỏi, là biện pháp kỹ chiến thuật quan trọng mà phía phòng thủ có thể lựa chọn.
Chỉ cần tìm được lỗ hổng của mạng vô tuyến, lợi dụng các biện pháp đột phá để đưa virus vào hệ thống máy tính, hệ thống điện tử của UAV là có thể thực hiện được mục tiêu vô hiệu hóa nó.
Sử dụng vũ khí công nghệ cao để tiêu diệt
Một số nước đang tích cực nghiên cứu phát triển hệ thống thăm dò tiên tiến, hệ thống đối kháng điện tử và đặc biệt là nghiên cứu việc sử dụng vũ khí laser năng lượng cao, vũ khí vi-ba, vũ khí xạ tần radar để đối phó với UAV.
Đây đều là các loại vũ khí có tốc độ ánh sáng, có thể đạt 300.000 km/giây, nên mục tiêu bị phát hiện đang ở trong cự ly tác dụng của vũ khí thì rất khó thoát. Loại vũ khí này có khả năng sát thương cả “cứng và mềm”, vừa có thể phá hủy phần mềm (thiết bị điện tử, máy tính…) vừa có thể phá hủy, đốt cháy toàn bộ mục tiêu.
Ngoài tốc độ cao, các loại vũ khí này còn có thể sử dụng nhiều lần. Phạm vi tác dụng cũng tăng lên cùng với việc nâng cao công suất phóng, khu vực tiến công khoảng từ vài ngàn mét đến vài trăm ngàn mét. Khi phóng sóng điện từ năng lượng cao trong phạm vi gần thì có thể tiêu diệt mục tiêu ngay lập tức, còn nếu cự li đến UAV tương đối xa cũng có tác dụng phá hoại các chi tiết và gây nhiễu mục tiêu.
Hiện nay vũ khí laser năng lượng cao, vũ khí xung điện từ còn một số nhược điểm như thể tích lớn, năng lượng tiêu hao cao, tính cơ động kém. Tuy nhiên, các loại vũ khí này sẽ được nghiên cứu thiết kế để nâng cao tác dụng, giảm trọng lượng, giảm tiêu hao năng lượng và sẽ là loại vũ khí có vai trò chủ chốt trong tiêu diệt UAV và các loại phương tiện bay khác.
Dùng chiến cơ truy kích tiêu diệt
Hiện nay đa số UAV, nhất là loại dùng cho nhiệm vụ trinh sát có tốc độ bay thấp, được kiểm soát hành trình và điều khiển từ xa, đường bay tương đối cố định, thường không tự chủ trong cơ động, vì vậy dùng máy bay trực thăng vũ trang và máy bay tiêm kích để truy kích thì tỉ lệ thành công rất cao.
Phạm vi và tốc độ hoạt động của máy bay trực thăng và máy bay tiêm kích thường lớn hơn UAV để đón hướng đánh chặn hiệu quả và tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, để tiến công UAV hiệu quả, đòi hỏi phi công lái máy bay trực thăng và máy bay tiêm kích phải có chiến thuật hợp lý, đặc biệt là chiến thuật tác chiến đêm, vì UAV thường trinh sát, tác chiến vào ban đêm để hạn chế tiến công của đối phương.
Sử dụng pháo và tên lửa chiến thuật
Tuy là loại thiết bị tiên tiến, nhưng UAV thường bay ở độ cao vừa phải nên nếu dùng tên lửa đất đối không tầm xa đánh loại mục tiêu này sẽ không thích hợp và lãng phí. Do vậy, có thể sử dụng tên lửa phòng không tầm thấp bố trí trên xe kéo, tên lửa vác vai, pháo phòng không cỡ nhỏ làm hỏa lực chủ yếu để tiến công tiêu diệt.
Tốp mục tiêu UAV hỗn hợp có số lượng nhiều và có độ cao, tốc độ khác nhau. Căn cứ vào các yếu tố như tầm phóng, độ cao, tốc độ phóng, mật độ tiến công, xác xuất tiêu diệt mục tiêu, khả năng cơ động của các loại vũ khí phòng không… mà bố trí một cách hợp lý, khoa học, có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa pháo và tên lửa phòng không, tạo nên một mạng lưới hỏa lực tổng hợp, khép kín, liên tục giữa tầm trung, tầm thấp và tầm gần để nâng cao hiệu quả tác chiến.
Khi cần thiết có thể sử dụng hỏa lực hỗn hợp, cùng lúc tiến công vào một hoặc một số mục tiêu. Khi có điều kiện, cần ưu tiên bố trí kết hợp hệ thống tên lửa và pháo phòng không trên xe kéo để phát huy tối đa hiệu quả các yếu tố: theo dõi, dẫn đường, sục sạo, tiến công mục tiêu.
Nguyên Phong
Xem pháo binh và máy bay không người lái Nga ‘song kiếm hợp bích’
Theo hãng tin TASS của Nga, pháo binh thuộc quân khu trung tâm nước này những ngày gần đây đã tiến hành tập trận quy mô lớn.
Mỹ bắn rơi máy bay không người lái gần đại sứ quán ở Iraq
Các quan chức an ninh Iraq cho biết, hệ thống phòng thủ của Mỹ tại đại sứ quán ở Iraq đã bắn hạ một máy bay không người lái trong đêm 5/7.