Thường chọn di chuyển bằng xe ôm công nghệ, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các tài xế. Hầu hết họ đều ở độ tuổi rất trẻ. Mới đây, trong một cuốc xe, thấy cậu tài xế tầm 27, 28 tuổi, ngoại hình trí thức, tôi hỏi: “Em nhìn như dân văn phòng?".
Nam tài xế trả lời: “Trước đây, em học đại học tại Hà Nội. Ra trường, về làm công chức văn phòng, lương thấp quá không trụ nổi nên em bỏ quê lên Hà Nội làm xe ôm. Lương gấp 4,5 lần mà đỡ áp lực”.
Theo một thống kê cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 200.000 lái xe công nghệ của Grab, trong đó 26% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Khảo sát của Công ty Tư vấn Nhân lực Manpower cho thấy tại Canon Việt Nam, có tới hơn 1.000 công nhân đã tốt nghiệp đại học và con số này còn cao hơn do nhiều người vẫn chỉ khai nhận đã tốt nghiệp phổ thông để tránh bị dị nghị.
Tình trạng các cử nhân sau khi dành 4 năm ở giảng đường đại học lại gác bằng tốt nghiệp, rẽ ngang chạy xe ôm công nghệ, làm công nhân là một hồi chuông báo động về sự lãng phí chất xám, tài chính và thời gian.
Căn nguyên từ đâu?
Trước hết có lẽ là vấn đề về văn hoá. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo, vốn đề cao con đường khoa cử, học để làm quan “dân chi phụ mẫu” (quan là cha mẹ của dân). Điều này dẫn đến tư tưởng sính bằng cấp, nhiều gia đình dù con học yếu, con có năng khiếu về thể thao, thời trang, ca nhạc… nhưng vẫn ép con theo đại học để có một tấm văn bằng.
Hậu quả những sinh viên này đi học là để “viết tiếp những ước mơ còn dang dở của phụ huynh” nên không tìm được niềm vui trong ngành nghề đã chọn. Đến khi tốt nghiệp, các em không chịu được áp lực, không tha thiết với nghề, hiệu quả công việc không cao vì vậy chọn lao động chân tay, chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh trong một thị trường lao động vốn dĩ khắc nghiệt.
Hai là, học sinh đăng ký ngành học không quan tâm đến đam mê, sở thích, đăng ký theo phong trào cả làng cùng vào đại học.
Cho nên, khi vào đại học, những sinh viên này chỉ học hành cầm chừng, không nỗ lực hết mình; chưa kể cúp tiết, sao chép bài của bạn dẫn đến hổng toàn bộ kiến thức nền. Đi thực tập lẽ ra là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với thực tiễn, lấp đầy khoảng trống kỹ năng còn thiếu nhưng vì không có sự nhiệt huyết, nghiêm túc học tập, sinh viên đã không tận dụng thời gian thực tập để rèn luyện kỹ năng thực hành.
Có sinh viên thậm chí không hề thực tập, chỉ đến cơ quan, công ty xin dấu xác nhận về nộp cho trường. Kết quả là sau khi tốt nghiệp, thiếu vắng những kỹ năng cơ bản nên họ không tìm được việc đúng chuyên môn, lương thấp. Chán nản lại thêm không chịu được áp lực, các tân cử nhân vội vã chọn chạy xe ôm công nghệ, đi làm công nhân vì không còn lựa chọn nào khác.
Ba là, thiếu sự định hướng nghề nghiệp sát sao từ phía nhà trường và xã hội. Phần lớn các trường THPT chưa chủ động kết nối với các trường dạy nghề để định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo đúng sở trường, xu hướng.
Trong khi thực tế sinh viên học đại học ở các trường không thuộc top trên thì thất nghiệp nhưng sinh viên các trường nghề lại được săn đón. Cơ hội xuất khẩu lao động với những sinh viên trường nghề rất nhiều, đặc biệt là các nước phát triển như Nhật, Đức, Hàn Quốc…
Việc thiếu sự định hướng nghề nghiệp dẫn đến học sinh khi đăng ký ngành học đã không tính đến xu thế, chọn những ngành học khó tìm việc. Cùng với việc không tự tôi luyện, bồi dưỡng, học thêm ngoại ngữ và các kỹ năng khác phục vụ cho nghề nghiệp, nhiều sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm như mong muốn.
Thứ tư, nguyên nhân thuộc về vấn đề thu nhập. Thực tế, sinh viên mới ra trường phần lớn không dễ dàng tìm được những công việc đúng ngành, lương cao (trừ những sinh viên xuất sắc, nỗ lực hết mình trên con đường theo đuổi sự nghiệp). Việc nhẹ lương cao không phải miếng bánh dành cho những cử nhân học đại học theo phong trào. Chưa có kinh nghiệm, yếu ngoại ngữ, tin học, các em không có suất nộp hồ sơ vào doanh nghiệp lớn, chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lương chỉ 7-9 triệu đồng/tháng.
Trong thời buổi giá cả leo thang, tiền thuê nhà, tiền điện nước... đã tiêu tốn nửa tháng lương, cử nhân vật vờ “sống mòn” giữa các thành phố lớn. Trong khi đó, gia nhập thị trường Grab, lương các em có thể cao hơn mức lương của nhân viên mới ra trường.
Tài xế Grab có thể kiếm được từ khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây là con số ước tính và thu nhập thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong khi lương nhân viên mới ra trường tại các cơ quan nhà nước, tính theo hệ số 2,34 khoảng 3,4-4,2 triệu đồng/tháng. Sự chênh lệch đáng kể về thu nhập đã khiến một bộ phận người trẻ không còn hào hứng nộp đơn ứng tuyển đúng ngành học mà chọn con đường chạy xe ôm công nghệ.
Mặt khác, chính sự quản lý thiếu chặt chẽ của nhà nước trong việc các trường đại học, học viện mở tràn lan các ngành nghề đã gây mất cân đối cung - cầu lao động, góp phần tạo ra một thị trường hỗn loạn “thừa thầy thiếu thợ” làm lãng phí các nguồn lực quốc gia. Từ thực tế quan sát, các trường đại học top dưới đã tạo ra cánh cửa quá rộng cho tất cả học sinh, chỉ cần qua tốt nghiệp là dễ dàng vào ngay một trường đại học phù hợp với kết quả thi có khi chỉ đủ điểm trung bình.
Trong bối cảnh cử nhân ra trường với tỉ lệ thất nghiệp, làm trái chuyên ngành cao, các trường đại học, học viện càng cần phải công khai minh bạch trong việc xây dựng tiêu chí tuyển sinh và cam kết kết quả đầu ra.
Nhà nước cần phải có sự điều chỉnh, không thể để giáo dục đại học hoàn toàn bị thương mại hoá. Bởi lẽ, giáo dục không phải là ngành kinh tế, trọng trách nặng nề của ngành giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong thời đại Vuca (biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ).
Ngoài ra, nội dung giảng dạy ở đại đa số các trường đại học đều chưa chú trọng vào ứng dụng thực hành, chỉ tập trung giảng dạy kiến thức lý thuyết hàn lâm, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học chưa kết hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp bên ngoài trong quá trình đào tạo. Vì vậy, việc các trường đại học nắm bắt nhu cầu của xã hội về “chất” của nguồn nhân lực cung ứng còn hời hợt, dẫn đến nội dung giảng dạy của nhà trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi thực tế là sinh viên ra trường vào làm ở doanh nghiệp nhiều hơn so với cơ quan nhà nước. Mời và kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, tuyển chọn và đặt hàng ngay từ khi tổ chức và phân loại đầu vào theo định hướng mà doanh nghiệp đặt hàng là việc cần làm ngay để đào tạo đại học đúng nghĩa “học đi đôi với hành”, đào tạo nhân lực cho nơi cần chứ không đào tạo nhân lực cho xã hội. Đây cũng là trách nhiệm của các trường đại học với sinh viên.
Hệ quả
Rời xa đèn sách, đến lúc muốn dừng lại để tìm việc làm đúng chuyên môn kiến thức đã rơi rớt hết, tuổi đã lớn không đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm mong muốn, kết quả các em ngậm ngùi gắn bó lâu dài với những công việc lẽ ra chỉ dành cho lao động phổ thông hay người trung tuổi, những đối tượng vốn không có nhiều sự lựa chọn trong công việc.
Cuộc sống mưu sinh vốn dĩ vô cùng phức tạp, nhất là khi chúng ta lựa chọn mưu sinh bằng trí tuệ. Con đường dùng trí tuệ để kiếm sống đòi hỏi thời gian, kinh nghiệm và bản lĩnh dấn thân, nỗ lực tìm kiếm lối đi riêng trên hành trình phát triển bản thân.
Vậy nên nếu thạc sĩ, cử nhân bỏ quên chất xám rong ruổi theo từng cuốc xe, mức thu nhập không tăng lên mà chỉ giảm đi theo năm tháng. Nhưng cử nhân, thạc sĩ tại các cơ quan, doanh nghiệp sau 5 năm, 10 năm họ có thể phấn đấu nắm giữ các vị trí cao hơn, lương, thưởng, chế độ phụ cấp cũng tăng lên cùng với sự chín muồi về trí tuệ và kinh nghiệm.
Có ý kiến rất xác đáng rằng: “Không có nghề nào là cao quý nhất, chỉ có những con người cao quý trong nghề nghiệp của mình thôi”. Chạy xe ôm công nghệ, làm công nhân… đều là những nghề cao quý, được pháp luật thừa nhận và cho phép.
Nhưng xét từ góc độ cá nhân, nếu học đại học với mục tiêu bồi đắp tri thức, rồi sau đó vận dụng những tri thức ấy để xây dựng một sự nghiệp riêng như phát triển ngành nghề truyền thống, làm trang trại, sản xuất nông sản sạch… trong khát vọng “mang đất nước đi xa” đó là hồng phúc của dân tộc.
Nếu đã xác định chạy xe ôm hay làm công nhân, thiết nghĩ các em có lẽ không cần lãng phí những tháng năm tuổi trẻ tại giảng đường đại học, bởi mỗi con đường luôn cần một lối đi riêng.
ThS. Vương Thị Liên (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể gửi vào phần bình luận dưới bài viết hoặc email [email protected]. Xin cảm ơn. |