Sufiah Yusof sinh năm 1984 trong gia đình có cha Farooq Yusof là người gốc và mẹ Halimaton Yusof là người gốc Malaysia. Cô bé Sufiah lớn lên ở thị trấn Northampton, hạt Northamptonshire, Vương quốc Anh.
Farooq là thấy giáo địa phương và ông bị ám ảnh với việc phải đào tạo ra các thần đồng. Bởi vậy, cuộc sống của Sufiah Yusof cùng các anh chị em luôn trong tình trạng căng thẳng và áp lực cực độ.
Ông cùng vợ - một nhà nữ khoa học, đã từ bỏ công việc của mình để dạy dỗ 5 con ở nhà, theo Daily Mail. Buổi sáng của anh em nhà Sufiah bắt đầu bằng nghi thức cầu nguyện theo truyền thống của Hồi giáo. Những thú vui giải trí như âm nhạc hay TV đều bị cấm tại nhà vì ông Farooq cho rằng chúng sẽ gieo vào đầu bọn trẻ suy nghĩ thiển cận và vô ích.
"Khi muốn đánh thức chúng tôi dậy vào nửa đêm, ông gọi bằng cách đấm thẳng vào mặt. Đó là những thứ khủng khiếp mà chúng tôi đã trải qua khi còn bé", con trai Isaac Abraham và là anh trai của Sufiah, kể lại với The Telegraph.
Ngay từ rất sớm, Farooq đã tuyên bố sẽ giúp cô con gái Sufiah vào Trường St Hilda's College thuộc ĐH Oxford. Ý định của ông đã thành hiện thực vào năm 1997.
Cô bé Sufiah Yusof ngay lập tức trở thành hiện tượng và được mệnh danh là "Thần đồng toán học". Ở tuổi 13 khi các bạn đồng trang lứa còn đang vật lộn với các công thức cơ bản, cô đã đăng ký làm tân sinh viên tại ĐH danh tiếng bậc nhất nước Anh.
Tuy nhiên, năm 2000, Sufiah, khi đó 15 tuổi, đã đột nhiên trốn khỏi trường đại học một ngày sau kỳ thi năm thứ ba. Nhà trường cùng gia đình vô cùng ngạc nhiên và lập tức phát thông báo tìm nữ sinh.
Bi kịch đằng sau được hé lộ
Nữ sinh Sufiah đã chạy đến thị trấn Bournemouth ở phía Tây Nam London và làm nhân viên phục vụ bàn. Sau 12 ngày, Sufiah được cảnh sát tìm thấy trong một quán cà phê nhưng cô không chịu quay về với bố mẹ.
Sufiah được một gia đình nhận nuôi chăm sóc. Tại đây, cô đã tiết lộ rằng bản thân đã chạy trốn để thoát khỏi “địa ngục trần gian” mà cô cho rằng cha cô đã tạo ra.
Trong một email gay gắt gửi về nhà, Sufiah đã nói rõ sự ghẻ lạnh của mình sâu sắc đến mức nào khi phải sống trong gia đình Yusof. “Cuối cùng tôi cũng đã chịu đủ 15 năm bị lạm dụng cả về thể xác và tinh thần”.
Nữ sinh cho biết cha cô sẽ rất tức giận nếu cô không hiểu bài học và bắt cô phải học dưới trời lạnh để gia tăng sự tập trung.
Sufiah đã nghĩ ĐH Oxford sẽ là “nơi trốn thoát” của cô, nhưng cha đã cùng cô đến đó. Nữ sinh nói thêm rằng bản thân không bao giờ muốn gặp lại người cha luôn muốn “kiểm soát và bắt nạt” của mình nữa.
Hai năm sau, Sufiah trở lại ĐH Oxford để học năm cuối cùng. Mặc dù không hoàn thành khóa học nhưng cô đã tìm thấy tình yêu với Jonathan Marshall, một luật sư thực tập tại trường Cao đẳng Keble.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân kéo dài hơn một năm thì đổ vỡ. Marshall cho biết cả hai xuất hiện nhiều bất đồng, con đường mỗi người muốn đi lại khác xa nhau nên tất yếu dẫn đến chia tay.
Sau khi chia tay, Sufiah quyết định đăng ký vào ĐH London để học kinh tế vào năm 2005. Hai năm sau đó, nhiều người phát hiện ra rằng Sufiah đã để lại số điện thoại và thông tin của mình trên web đen.
Những ai có nhu cầu có thể gọi cho cô, cùng hẹn hò, trò chuyện và làm tất cả mọi thứ với chi phí là 170 USD/giờ, theo Daily Mail. Cô bé thần đồng năm nào còn tỏ ra thoải mái hơn bởi không còn chịu áp đặt của gia đình.
Cũng bởi vì cuộc đời trước đây chỉ có học, Sufiah không có lấy một người bạn thân trong cuộc đời.
Bi kịch gia đình chưa dừng ở đó. Năm 2012, ông Farooq - cha cô đã phải ngồi sau song sắt sau khi tấn công tình dục hai cô gái 15 tuổi. Ông bị buộc tội có hành vi “sờ soạng những nạn nhân trong buổi dạy kèm tại nhà”.
Vợ ông bị kết án tù treo sau khi tòa án phát hiện bà đang sống trong một ngôi nhà có cả sân tennis mà vẫn yêu cầu nhận 180 bảng tiền trợ cấp mỗi tuần.
Câu chuyện của Sufiah là một chuỗi bi kịch, làm nổi bật vai trò “kép” của cha mẹ trong việc hình thành nên những thần đồng cũng như có khả năng góp phần hủy hoại chúng. Bi kịch nhấn mạnh ranh giới giữa việc bồi dưỡng tài năng đặc biệt và việc vô tình khiến những đứa trẻ gặp bất hạnh do kỳ vọng quá mức.
Câu chuyện về Sufiah vẫn còn nguyên tính thời sự đến ngày hôm nay, gợi lên sự suy ngẫm về việc xác định lại định nghĩa thành công, thúc giục nhà trường và gia đình cần đạt sự cân bằng giữa việc nuôi dưỡng sự thần đồng và ưu tiên sức khỏe tinh thần cho những đứa trẻ thiên tài.
Tử Huy