Nhà Vật lý nổi tiếng thế giới Trương Thủ Thành sinh năm 1963 ở Thượng Hải (Trung Quốc). Con đường học vấn của nhà khoa học khác với bạn bè đồng trang lứa. Từ nhỏ, ông đã thể hiện tài năng kinh ngạc đối với môn Vật lý. 

Năm 1978, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, ông đỗ vào khoa Vật lý của Đại học Phúc Đán (Trung Quốc). Đỗ đại học ở tuổi 15, ông nhanh chóng hòa nhập với môi trường và bạn bè. Với sự cố gắng không ngừng, ở tuổi 17, ông được cử sang Đại học Freie Berlin (Đức) học trao đổi. 

Tại đây, ông mất thêm 3 năm để hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ. Tốt nghiệp năm 1983, ông học lên tiến sĩ tại Đại học New York (Mỹ), dưới sự hướng dẫn của nhà Vật lý đoạt giải Nobel Dương Chấn Ninh. 

Năm 1987, tốt nghiệp tiến sĩ ông gia nhập Trung tâm nghiên cứu Almaden của tập đoàn IBM (trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ) với vai trò là nhà nghiên cứu cấp cao. Đến năm 1993, Đại học Stanford (Mỹ) mời ông về giảng dạy tại khoa Vật lý.

Sau 2 năm gắn bó với trường, ông được bổ nhiệm trở thành Giáo sư ở tuổi 32. Thời điểm đó, Trương Thủ Thành là một trong những GS trẻ nhất Đại học Stanford. Với khả năng nghiên cứu học thuật tốt, chỉ 10 năm, ông đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng trong giới Vật lý. Ông đạt được nhiều thành tựu lớn và các giải thưởng khoa học uy tín thế giới. 

Những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực Vật lý lượng tử đã đưa ông trở thành học giả có tiếng trên thế giới. Trong đó, nổi bật là đề xuất hiệu ứng Hall lượng tử (Quantum spin hall effect), cụ thể là hạt thiên thần (Angel particle) năm 2006 của ông và đồng nghiệp. 1 năm sau, nghiên cứu này được Tạp chí Science đánh giá là một trong 10 thành tựu lớn mang tính đột phá quan trọng toàn cầu. 

Ngoài ra, nghiên cứu của ông còn góp phần thúc đẩy sự đổi mới trong công nghệ chip điện tử và làm giảm tiêu thụ năng lượng hoạt động. Do đó, ngay sau khi được giới khoa học thừa nhận, lý thuyết này nhanh chóng phổ biến trong các công ty công nghệ lớn.

448364836_777226407732683_2254508586284710614_n.png
Nhà Vật lý Trương Thủ Thành. Ảnh: Baidu

Dù sự nghiệp đã ổn định ở Mỹ nhưng ông vẫn mong muốn làm cầu nối khoa học cho quê hương. Do đó, năm 2009, chấp nhận tham gia Kế hoạch ngàn người tài, ông quyết định phát triển sự nghiệp ở cả Trung Quốc và Mỹ. Thời điểm đó, ông được Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) mời về làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Công nghệ lượng tử. 

4 năm sau, ông Trương Thủ Thành được bầu làm Viện sĩ quốc tịch nước ngoài của Viện Khoa học Công nghệ Trung Quốc. Cùng năm, ông quyết định thành lập công ty đầu tư mạo hiểm Danhua Capital (Đan Hoa Capital) ở Mỹ. Đây là công ty chuyên đầu tư vào những startup về trí tuệ nhân tạo, người máy và blockchain tại Đại học Stanford và thung lũng Silicon. 

Sau này khi ổn định, Danhua Capital còn hợp tác với Huawei để tập trung phát triển công nghệ. Trong quá trình hợp tác, Huawei trao cho ông Trương Thủ Thành toàn quyền nghiên cứu. 

Đến năm 2018, khi công nghệ 5G ở Trung Quốc đang có những bước đột phá lớn, ông Trương Thủ Thành đột ngột ra đi ở tuổi 55. Biến cố này đã đẩy Huawei vào tình thế 'ngàn cân treo sợi tóc'. Cho đến nay, sau 8 năm, nguyên nhân về cái chết của ông vẫn là ẩn số gây tranh luận. 

Trước khi từ bỏ thế giới, ông được dự đoán là nhà khoa học sẽ nhận giải Nobel Vật lý. Khi nhận xét về học trò, GS Dương Chấn Ninh, cho hay: "Đối với Trương Thủ Thành việc nhận giải Nobel chỉ còn là vấn đề thời gian".

Với hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy Vật lý, ông Trương Thủ Thành từng nhận được một số giải thưởng danh giá thế giới như sau: Europhysics (2010), Oliver Buckley và Dirac (2012), Vật lý Frontiers (2013),... Ngoài ra, ông cũng từng đảm nhận một số chức vụ như: Viện sĩ Viện Mỹ thuật và Khoa học Mỹ và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.