Giáo sư Thúc Tinh Bắc (1907-1983) xuất thân trong gia đình danh giá ở Giang Đô (Giang Tô, Trung Quốc). Ở tuổi lên 6, ông được bố mẹ gửi đến trường tư thục của chú. Với sự thông minh và nhạy bén, ở tuổi 17, ông hoàn thành chương trình THPT.
Năm 1924, tốt nghiệp THPT, ông gia nhập khoa Vật lý của Đại học Chi Giang (nay là Đại học Chiết Giang). 1 năm sau, ông chuyển sang Đại học Tề Lỗ (nay là Đại học Sơn Đông), vì không hài lòng phương pháp giảng dạy của trường. Đây là thời điểm Thuyết tương đối của nhà bác học Albert Einstein được quan tâm nhiều ở Trung Quốc. Điều này thúc đẩy niềm đam mê Vật lý của ông.
Mong muốn theo đuổi nghiên cứu Cơ học lượng tử và Lý thuyết tương đối chuyên sâu, tháng 4/1926, ông sang Mỹ du học bằng chi phí riêng tại Đại học Baker (Mỹ), với tư cách là sinh viên năm 3 ngành Vật lý. Ở tuổi 19, ông xuất bản được bài báo đầu tiên Quy luật mới về cự ly hành tinh và tốc độ quỹ đạo.
Chưa đầy 1 năm sau, tháng 2/1927, ông chuyển đến Đại học California. 5 tháng sau, ông có chuyến du lịch đi từ Nhật Bản, Triều Tiên, Moscow (Nga), Warszawa (Ba Lan) và Đức. Dừng chân ở Đức sau chuyến đi dài, ông nhận được lời mời làm trợ lý nghiên cứu 1 năm tại Viện Vật lý Wilhelm Kaiser thuộc Đại học Berlin - nơi Albert Einstein giảng dạy.
Tốt nghiệp đại học ở tuổi 21, ông học thạc sĩ tại Đại học Edinburgh. Dưới sự hướng dẫn của 2 nhà khoa học nổi tiếng E. I. Whittaker và C. G. Darwin. 1 năm sau, ông bảo vệ thành công luận văn Bàn về cơ sở Vật lý Toán học.
Tháng 2/1930, ông đến Đại học Cambridge nghiên cứu phương trình Dirac và Thuyết tương đối, dưới sự hướng dẫn của Arthur Eddington. 6 tháng sau, nhờ có sự giới thiệu của tiến sĩ Eddington, ông đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với tư cách là trợ giảng và nghiên cứu sinh. Dưới sự hướng dẫn của nhà Toán học D. J. Struik tại đây, ông hoàn thành luận văn Sơ bộ nghiên cứu hệ thống siêu phức số và ứng dụng trong hình học, ở tuổi 24.
Hoàn thành việc lấy bằng thạc sĩ, năm 1931, ông về nước và kết hôn với bà Cát Sở Hoa theo sự sắp xếp của bố mẹ. Dù đã có gia đình nhưng ông vẫn đau đáu việc ra nước ngoài học hỏi Vật lý. Bởi ông cho rằng, chỉ khi sở hữu 'sức mạnh' kiến thức mới có thể xây dựng quê hương.
Tuy nhiên, vì tham gia vào phong trào yêu nước chống đế quốc Nhật, nên ông phải gác lại dự định. Về nước, tháng 1/1932, ông được bổ nhiệm làm giảng viên khoa Vật lý tại Học viện Quân sự Trung ương Nam Kinh (Trung Quốc).
Tháng 9/1932, ông trở thành phó giáo sư khoa Vật lý, Đại học Chiết Giang. Sau 3 năm làm việc tại đây, tháng 8/1935, ông được bổ nhiệm thành giáo sư kiêm trưởng khoa Toán, Đại học Tế Nam. Đồng thời, ông giữ cả chức vụ giáo sư khoa Vật lý tại Đại học Giao thông.
Trở thành giáo sư ở tuổi 28, ông được nhận xét là người có kinh nghiệm giảng dạy phong phú. "Tôi ngưỡng mộ phương pháp dạy của Thúc Tinh Bắc. Ông thường lý giải khái niệm và nguyên lý bằng ví dụ thực tế đời sống. Đây là cách dạy cả đời tôi cũng không học được", nhà Vật lý Vương Kim Xương cho hay.
Trong giai đoạn này, ông vừa giảng dạy vừa nghiên cứu thiết bị như máy bay, tàu chiến không người lái, laser và radar, để giảm thiểu thương vong cho bộ đội khi đối mặt với các cuộc không kích của quân Nhật. Năm 1944, ông cùng nhóm nghiên cứu chế tạo thành công radar. Thời điểm đó, ông cho rằng, đây là nhiệm vụ được giao nên phải hoàn thành.
Năm 1952, ông phải chuyển đến Đại học Sơn Đông làm việc. Tại đây, ông và hiệu trưởng lúc bấy giờ bất đồng quan điểm. Năm 1955, ông bị tước quyền giảng dạy. 3 năm sau, ông phải đến hồ Nguyệt Tử Khẩu ở Thanh Đảo (Trung Quốc) cải tạo lao động. Từ năm 1960-1978, sau khi công trình hoàn thành, ông sang Học viện Y Thanh Đảo dọn nhà vệ sinh, rửa dụng cụ thí nghiệm và làm tiêu bản xác.
Thời gian này, ông không từ bỏ việc trau dồi kiến thức. Lúc rảnh, ông thường lấy sách ra nghiên cứu. Bởi ông cho rằng, việc dừng nghiên cứu sẽ làm não chậm lại.
Năm 1978, ông được trả quyền giảng dạy và nghiên cứu sau 23 năm. Lúc này, ông được chuyển đến Viện Nghiên cứu Hải dương học 1 (Thanh Đảo, Trung Quốc) để làm việc. Năm 1979, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc giao cho ông công trình tính toán quỹ đạo tên lửa, với kinh phí 1 triệu NDT (3,4 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông từ chối nhận số tiền này.
Ở tuổi 72, ông gây chấn động ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc vì tốc độ tính toán. Bước vào căn phòng yên tĩnh cùng với bút và máy tính, ông nhanh chóng đưa ra kết quả chính xác. Điều này đã giải quyết được nhiều vấn đề cho Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Ngày 30/10/1983, ông qua đời vì bạo bệnh. Trước đó, giáo sư có nguyện vọng hiến thi thể của mình cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mong muốn cuối cùng của ông không thể thực hiện.