Cho tới khi "Thượng đế" phát hiện ra giá trị thật, họ mới cảm thấy ngỡ ngàng, song phía "hét giá" chỉ thản nhiên giải thích: Thuận mua thì vừa bán, thế thôi!

Nâng giá từ vài chục tới vài trăm lần: Cú hớ khó nuốt trôi!

Giữa tháng 7/2019, chìa khóa xe ô tô của anh V.C (Hà Nội) bị hết pin, nên người này đã đi vào cửa hàng chính hãng để thay thế. Mức giá thay là 300.000 đồng. Sau đó, anh C tham khảo bạn bè thì được biết, cục pin cho chìa khóa ô tô được bán ở ngoài chỉ có giá từ 10-20 nghìn đồng. Thao tác thay thế cũng khá đơn giản.

{keywords}
Chia sẻ về việc "bị chặt chém" thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận

"Tôi cảm thấy như bị lừa, và coi đó như một 'học phí' để tránh cú hớ về sau", anh C chia sẻ.

Tương tự, chiếc máy tính để bàn ở nhà chị Nguyễn L (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị lỗi, không chạy được như bình thường. Sau khi mang máy tính tới một cửa hàng sửa chữa, nam nhân viên kỹ thuật "phán" giá là 700.000 đồng, trong đó có 500.000 đồng tiền sửa máy, và 200.000 đồng thay pin BIOS.

Sau khi thanh toán, chị L thấy thợ kỹ thuật xử lý rất nhanh chóng, chỉ sau vài phút là máy chạy bình thường trở lại. Cảm thấy bất thường, người phụ nữ đã mô tả lại thao tác xử lý của thợ sửa cho kỹ sư tại cơ quan, thì mới biết rằng, máy tính của chị không bị lỗi gì nghiêm trọng.

"Máy chỉ bị bẩn chân RAM (bộ nhớ trong - PV), nên thợ tháo ra, đánh bụi khoảng 1 phút là xong. Trong khi đó, viên pin BIOS có giá chỉ 15 nghìn đồng. Tôi không ngờ họ có thể 'hét' giá khủng khiếp như vậy", chị L chia sẻ.

Cũng trong tháng 7, một vụ việc khác thu hút sự chú ý của dư luận là anh D (Hà Nội) nhờ thợ sửa điều hòa về xem máy tại gia đình, vì bị lỗi, không mát. Thợ kiểm tra nhanh chóng rồi báo giá 650.000 đồng, trong đó có 200.000 đồng tiền công và 450.000 đồng là giá cục tụ thay thế.

Cảm thấy bất thường, anh D trả tiền công rồi tự mình đi mua cục tụ ngoài hàng, với giá 30.000 đồng. Sau khi lắp đặt, chiếc điều hòa của nhà anh D đã vận hành bình thường, giúp người này không bị "mất oan" 420.000 đồng.

{keywords}
 

Những sự việc nói trên có thể dễ dàng bắt gặp hằng ngày, khi người tiêu dùng không thạo chi tiết kỹ thuật và bị thợ sửa báo giá gấp hàng chục cho tới cả trăm lần. Khi biết giá trị thực của món đồ thay thế và công xử lý, các khách hàng chỉ còn nước bấm bụng và coi đó là "học phí" để không bị mất tiền oan trong những lần kế tiếp.

Không phạm luật, là "người tiêu dùng chưa... thông minh"

Trao đổi với PV, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh - cho biết, việc đẩy cao giá trị hàng hóa, dịch vụ hơn nhiều lần so với giá trị thực tế là điều khá phổ biến.

"Có những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bán giá cao gấp nhiều lần đối với sản phẩm, dịch vụ của họ, so với giá đầu vào. Để có thể áp dụng giá bán cao ngất ngưởng đó, họ đưa ra lý lẽ rằng, phải mất nhiều chi phí cho doanh nghiệp, hoặc hàng hóa của họ thuộc loại tốt nhất, hay là hàng hóa của họ là 'hàng chính hãng'... Điều này khiến người tiêu dùng dễ bị thiệt thòi", luật sư Thanh bày tỏ.

"Trong những trường hợp đó, đa số người tiêu dùng không có khả năng, điều kiện để tìm hiểu chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả, nhưng quả thật, nếu một mặt hàng được bán ra với giá trị cao gấp rất nhiều lần giá nhập thì thật khó để tin rằng, chi phí mà cá nhân, doanh nghiệp phải bỏ ra lớn đến mức phải bán giá cao như thế để bù vào".

{keywords}
Để tránh bị "vặt tiền", người tiêu dùng buộc phải... "thông minh"

Dù vậy, luật sư Thanh cho rằng, việc bán giá cao "ngất ngưởng" lại không vi phạm điều cấm nào của pháp luật hiện hành. Nguyên tắc của thị trường là "thuận mua, vừa bán". Người bán công khai giá bán rồi sau đó, người mua và người bán có thể thỏa thuận về giá cả trước khi giao dịch thành công với nhau. Vì thế, dù người mua phải bỏ nhiều tiền để mua hàng do người bán đẩy giá, thì điều này cũng không vi phạm pháp luật.

"Cũng có trường hợp người bán bị xử lý hình sự do đẩy giá cao, đó là khi họ bán hàng có tính chất đầu cơ, nghĩa là lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế, mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, nhằm bán lại để thu lợi bất chính. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mà chúng ta đang bàn đến thì đây không phải là hoạt động đầu cơ", luật sư Thanh phân tích.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, theo vị luật sư trên, người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ nhiều nơi bán, rồi so sánh, đối chiếu với những nơi khác để từ đó thỏa thuận, "mặc cả", tránh việc mua hàng ngay mà không có sự tìm hiểu, dẫn đến những thiệt hại cho bản thân.

(Theo An ninh Thủ đô)