Phố cổ Hà Nội được người ta nhắc đến với vẻ đẹp cổ xưa như một đặc trưng di sản của Thủ đô được bảo tồn nhưng cũng không ít người cảm thấy ngán ngẩm với cảnh sống chen chúc nơi những ngôi nhà siêu nhỏ bên trong những con ngõ siêu nhỏ dài hun hút, tối đen, đêm cũng như ngày, chỉ 1 người đi lọt ở phố cổ.

Đếm được ngày "làm vợ" vì… nhà chật

Gần 20 năm sống trong căn nhà vỏn vẹn 3m2 là chỗ hõm cầu thang nhà tập thể trong phố Hàng Vải, hơn ai hết, bà Hoàng Thị Dung thấm thía sự trái ngang của chuyện "yêu" trong nhà chật. Nhớ lại những ngày đầu tiên làm dâu, làm vợ, bà Dung không kìm được tiếng thở dài. Bà kể, đêm tân hôn của mình ngập trong nước mắt. Lúc đó, vợ chồng bà chưa dọn sang cái gầm cầu thang 3m2 mà ở cùng cả đại gia đình bên cạnh. Căn nhà tập thể 16m2 của nhà chồng bà là nơi ở của bà mẹ chồng và 4 cặp vợ chồng nữa là anh em trong gia đình. Không gian chật chội đã đành, sự xuất hiện của cô con dâu mới cũng có phần nào xáo trộn gia đình, các cặp vợ chồng khác có phần… dè chừng và ngại ngùng khi chung sống trong không gian bé tí ấy.

{keywords}

Bà Dung có thể... đếm được số ngày mình "làm vợ"

Đêm tân hôn hai vợ chồng thì thào, nhỏ to tâm sự, đang tính chuyện "yêu đương" thì bị mẹ chồng dựng dậy. Sáng hôm sau, ông bà phải dậy sớm để tiện sinh hoạt chung của cả nhà.

Bà kể, mẹ chồng bà tuổi già khó ngủ, lại rất thính, một tiếng động nhỏ giữa đêm cũng làm cụ tỉnh giấc. Phần vì ngượng, phần vì chưa quen sống trong căn nhà ẩm mốc, cả người bà Dung cũng… "mốc" theo nên sau khi cưới vài tháng, ông bà vẫn chưa có điều kiện "tân hôn". Mấy tháng sau, hai vợ chồng bà mới dọn sang ở bên gầm cầu thang sát nhà, khi đó được tận dụng làm nhà kho. Lúc đó, thời gian "làm vợ" của bà mới thực sự bắt đầu. Tuổi thanh xuân của bà đã vụt đi rất nhanh mà chưa kịp tận hưởng trọn vẹn.

Bà Dung tâm sự, chuyện "gần gũi" của hai vợ chồng lúc nào cũng nơm nớp, vội vàng, tranh thủ như đánh trận, rồi lâu dần, cái chật chội, bức bí không gian đã khiến những ham muốn đời thường ấy mất dần theo thời gian… Còn cô con gái 17 tuổi của ông bà, chẳng bao giờ có bạn bè đến chơi. Bà chỉ lo không biết vài năm nữa, con bé có người yêu thì đem về nhà giới thiệu kiểu gì…

Không dám đẻ con vì… không có chỗ ở

Sống trong căn nhà rộn 5m2 trên cùng dãy phố, 2 cặp vợ chồng trẻ con của ông Trần Đăng Tuyền cũng khổ sở vì chuyện "tế nhị". Cơi nới được hai tầng trên nóc nhà vệ sinh công cộng của khu, ông Tuyền cũng thu xếp được chỗ ở cho gia đình hai cậu con trai. Tầng hai được chia làm đôi là nơi sinh hoạt của hai cặp vợ chồng trẻ.

Con dâu ông Tuyền, chị Thanh Huyền chia sẻ: "Ngăn nhau bởi cánh cửa lùa, vẫn có không gian riêng cho từng đôi, nhưng căn phòng vẫn từng đấy mét, từng đó con người sinh sống, mỗi động tĩnh nhỏ trong phòng là người ở bên cạnh nghe thấy hết".

{keywords}

Không gian riêng của đôi vợ chồng trẻ.

Chị kể, nhà chật chội nên việc sinh hoạt của vợ chồng vô cùng khó khăn, nhất là hồi mới cưới. Cả hai đôi cùng cưới một năm, ở cách nhau một tấm vách, muốn tâm sự gì với nhau cũng phải nói thật khẽ, "hành sự" cũng phải nín thở để hạn chế âm thanh tế nhị và phải vô cùng nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động. "Cô chú ấy cũng thế, những chuyện kín đáo như vậy phải để ý từng ly từng tí, tránh làm phiền đến nhau và tránh những pha… hớ hênh" - chị thỏ thẻ.

Ông Tuyền cũng tâm sự, ông rất hiểu cái khó của các con trai, con dâu. "Chúng tôi già rồi, chẳng khát khao gì nữa, nhưng các anh chị ấy thì đúng là bí thật. Nhưng được cái anh chị em chúng nó biết ăn biết ở, nhường nhịn nhau lắm. Hồi chưa cưới, các con dâu tôi đến chơi, thấy gia cảnh như vậy nhưng chúng vẫn quyết lấy nhau. Tôi cũng chỉ mong chúng yêu thương nhau thế này là êm đềm rồi".

Ông Tuyền bảo: "Tôi đã có hai cháu nội rồi, mỗi cậu một đứa. Chắc chúng không đẻ thêm nữa đâu, đẻ nữa thì chỗ nào mà ở…"

Không được phép chết trong nhà vì không mang quan tài vào được

Giữ kỷ lục về ngõ nhỏ phải kể đến số 14 ngõ Gạch ở quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội. Theo báo Người đưa tin, ngõ rộng chưa đến 50cm, chỉ xe đạp mới dắt được vào bên trong.

Bà Lại Thị Ân nói: "Ở ngõ này, khổ nhất có lẽ là chuyện ma chay. Hễ gần tắt thở là phải lập tức cõng ra đường rồi đưa đến nhà tang lễ Phùng Hưng, không được phép chết trong nhà". Theo lý giải của bà Ân, nếu chết trong nhà thì thật gay go vì không có cách nào có thể mang quan tài vào trong nhà được.

{keywords}

Dắt chiếc xe đạp mà cũng phải chật vật mãi mới ra hết ngõ

Một con ngõ siêu nhỏ khác ở số 13 Hàng Giấy rộng chừng 70cm, cao chưa đầy 2m, sâu hun hút như một địa đạo tối đen.

Anh Ngô Thành Công, một người dân sống trong ngõ này cho biết, hiện có năm gia đình với tổng cộng 25 nhân khẩu đang sinh sống trong ngõ. Với diện tích trung bình khoảng 15m2/căn hộ gồm 5 người ở thì việc mua sắm đồ đạc luôn được giản tiện đến mức tối đa. "Chưa ở đâu đồ đạc siêu mini lại được trọng dụng như ở đây". Phương tiện để "đối phó" với con ngõ siêu nhỏ này chỉ có thể là xe số nhưng cũng phải tìm mọi cách để đơn giản hóa các bộ phận của xe như: Bẻ bớt núm tay lái, gập gương chiếu hậu… Anh Công cho biết thêm: "Có tiền chúng tôi cũng không dám mua xe tay ga đắt tiền bởi không thể "vượt ải" lại mất thêm một khoản không nhỏ dành cho việc gửi xe hàng tháng".

Không gian sinh hoạt chật hẹp, lối vào bất tiện nên ngay cả việc người dân muốn làm dăm mâm cơm đám cưới cho con cũng đành ngậm ngùi mượn tạm bãi xe công cộng nơi gầm cầu Long Biên để tổ chức.

Ngôi nhà không bao giờ đóng cửa

Ngôi nhà nằm ở ngõ 44 phố Hàng Buồm (Hà Nội) của cha con anh Hoàng Văn Xuân chỉ vỏn vẹn 5m2 và không bao giờ đóng cửa.

Căn phòng rộng 1,9m; chiều dài 2,7m; chiều cao 1,2m kiêm đủ chức năng vừa là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng học... của anh Xuân và cậu con trai 17 tuổi. Nơi đây quanh năm tối tăm và không bao giờ có ánh nắng chiếu vào. Nếu không quen, các vị khách không thể ngồi quá lâu trong phòng dù là vào mùa đông. Mùa hè, không khí lại càng ngột ngạt, khó thở; ngày mưa lại ẩm thấp vì nước mưa theo những kẽ hở trên trần dột xuống.

{keywords}

Trong ngôi nhà này, cả 2 bố con anh Xuân không bao giờ đứng thẳng người được, vì cứ đứng lên là đầu đụng phải trần nhà.

Anh Xuân kể, những hôm trời nóng bức nhất là vào mùa hè, căn phòng của 2 bố con ngột ngạt đến khủng khiếp. Bố con anh còn không dám nấu cơm ở nhà mà phải đi ăn bên ngoài bởi lẽ, chỉ cần nghĩ đến việc ngồi ăn cơm trong nhà, mồ hôi vã ra như tắm, không khí ngột ngạt khó thở đã thấy khiếp sợ rồi.

Anh Xuân than thở thêm, ở trong ngôi nhà vốn đã nhỏ hẹp, thiếu không khí, thiếu ánh sáng mà còn phải hứng khói và hơi nóng từ bếp than tổ ong từ các hàng quán tạt vào. “Có những hôm đang ngồi trong phòng mà bố con tôi phải bảo nhau chạy dạt ra bên ngoài. Biết khói, hơi nóng từ than tổ ong, từ hàng ăn thức uống xung quanh ảnh hưởng trực tiếp đến mình nhưng vẫn phải chịu thôi vì thực ra hàng xóm cũng có muốn thế đâu, cũng chỉ tại nhà cửa, đường đi lối lại quá chật chội mà thôi”.

Theo Trí Thức Trẻ

Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: [email protected]