Ngày 1/4, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Trong phần tranh luận, các luật sư đã trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo và các bị cáo cũng tự bào chữa cho chính mình.
Hầu hết, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc của VKS. Tuy nhiên, các bị cáo đều cho rằng bản thân chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên. Nhiều bị cáo còn khẳng định, khi biết sai đã không đồng tình và có phản ứng lại với các chỉ đạo đó.
Theo cáo buộc, giữ vai trò Trưởng ban kiểm soát SCB, từ ngày 17/4/2019 đến ngày 7/7/2022, bị cáo Lưu Quốc Thắng đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng, đầy đủ chức năng nhiệm vụ quy định của Ban kiểm soát; thiếu kiểm tra giám sát hoạt động cấp tín dụng của Ngân hàng SCB nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của SCB trong việc hợp thức hồ sơ cho vay, giải ngân 652 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 344 nghìn tỷ đồng.
Với sai phạm này, bị cáo Thắng bị VKS đề nghị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bào chữa cho bị cáo Thắng, luật sư không tranh luận về tội danh, nhưng đề nghị HĐXX xem xét về cáo buộc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không ngăn chặn kịp thời để Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB.
Theo luật sư, trong thời gian làm việc tại SCB, bị cáo phát hiện rất nhiều sai phạm nên đã làm hàng chục báo cáo tình hình hoạt động, nêu các kiến nghị để HĐQT chỉ đạo các chi nhánh, phòng ban liên quan giám sát chặt chẽ nguồn vốn, nguồn trả nợ của khách hàng, nhưng không được HĐQT SCB xem xét.
Ngoài ra, quá trình công tác bị cáo còn chủ động đề xuất phải xem xét lại tiến độ thực hiện một số dự án, bất động sản là tài sản đảm bảo cho các khoản vay để kịp thời phát hiện những sai sót trong ngân hàng.
Bị cáo còn có ý kiến, văn bản, báo cáo gửi HĐQT xem xét định giá tài sản, giá trị tài sản thực tế nhưng không được xem xét. Hoặc báo cáo về việc một số khoản vay có giá trị tài sản đảm bảo được định giá cao hơn thực tế, Ban kiểm soát đề nghị xem xét, định giá lại phù hợp, đề nghị khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo...
Thậm chí, từ tháng 2/2022, khi bị phát hiện ung thư giai đoạn cuối phải nằm điều trị trong bệnh viện nhưng bị cáo Thắng vẫn tiếp tục làm văn bản báo cáo những bất thường tại SCB với HĐQT.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Huỳnh Lan Chi (nguyên Phó giám đốc phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB), luật sư rằng, bị cáo chỉ là người làm công, ăn lương. Tuy nhiên, khi phát hiện thấy cấp trên chỉ đạo sai pháp luật, bị cáo đã phản đối, không đồng ý thực hiện nên đã xảy ra mâu thuẫn với cấp trên là bà Nguyễn Phương Hồng (hiện đã chết). Nhiều lần, lãnh đạo cấp cao là Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB), Chiêm Minh Dũng (Phó tổng giám đốc SCB) đứng ra giải quyết.
Theo luật sư, do nhận thức được việc làm sai trái, cuối năm 2017, bị cáo Lan Chi đã 3 lần viết đơn xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận. Để tạo áp lực, bị cáo đã chọn cách không ký tờ trình xin xét duyệt các hồ sơ vay trong 6 tháng để gây áp lực cho cấp trên, buộc phải cho mình nghỉ việc.
Cũng theo luật sư, sau khi nghỉ việc Lan Chi, bị cáo Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT) còn liên tục gọi điện thoại yêu cầu quay trở lại SCB để ký hợp thức hóa các hồ sơ khoản vay mà trước đây không chịu ký. Tuy nhiên, Lan Chi cương quyết không quay lại ký mà quyết định đổi số điện thoại khác.
"Đây là một tình tiết đặc biệt quan trọng thể hiện thái độ bị cáo không đồng ý với chỉ đạo của cấp trên, mong HĐXX lưu tâm khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Chi", luật sư dẫn chứng.
Theo cáo buộc, từ 2015 đến 2018, bị cáo Lan Chi với vai trò Trưởng phòng, Phó giám đốc phụ trách Phòng Tái thẩm định SCB, đã ký hợp thức hồ sơ của 83 khoản vay liên quan đến Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, gây thiệt hại cho SCB hơn 18 nghìn tỷ đồng.
Bị cáo Chi bị VKS đề nghị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.