- Thay vì lo lắng trước áp lực bị "chấm điểm", Chủ tịch huyện Gio Linh, Quảng Trị muốn tiếp nhận phản ánh của dân về dịch vụ công để chấn chỉnh.
Kể từ khi vào "tầm ngắm" được dân chấm điểm trực tiếp, lãnh đạo chính quyền huyện Gio Linh quyết định nâng cấp chất lượng dịch vụ công tại văn phòng 1 cửa bằng cách tăng cường 5 cán bộ.
Đó là các cán bộ chuyên môn về đăng ký kinh doanh, chứng thực hộ tịch, đất đai, lao động thương binh xã hội và xây dựng cơ bản.
Các cán bộ này ngồi trực tiếp nhận hồ sơ ở văn phòng 1 cửa 2 ngày/tuần theo lịch.
Bộ phận 1 cửa huyện Gio Linh tăng cường cán bộ chuyên môn |
Tổ trưởng bộ phận 1 cửa của huyện Gio Linh, bà Hoàng Thị Hoa kể, từ khi có công cụ Mscore, người dân biết rõ hồ sơ của họ đang ở đâu. Vì thế, trách nhiệm của cán bộ cũng nâng lên rõ rệt.
Bà thú nhận từng chịu áp lực thời gian đầu vì nghĩ việc chấm điểm cán bộ một cửa trong khi chậm trễ là do cán bộ chuyên môn.
Nhưng sau một thời gian, ai nấy đều cảm thấy bình thường, không còn lo lắng vì chỉ cần làm việc với tinh thần trách nhiệm chứ không phải vì sợ bị chấm điểm thấp mà phải làm tốt.
"Trước hồ sơ đến hẹn thì trả, giờ cố gắng làm nhanh hơn, trả sớm hơn. Hết giờ có thể về để mai làm tiếp nhưng vẫn làm ngay, làm sớm cho dân", bà Hoa chia sẻ.
Tổ trưởng Hoàng Thị Hoa: Dân biết rõ hồ sơ của họ đang ở đâu |
Chủ tịch huyện nghe điện thoại 24/24h
Không chỉ ở Gio Linh, có một cuộc thi đua ngầm về chất lượng dịch vụ công của các huyện.
Ở Hướng Hóa, lãnh đạo chính quyền huyện còn yêu cầu cơ quan thuế cử một cán bộ chuyên trách về làm tại bộ phận 1 cửa, trực tiếp tháo gỡ vướng mắc khó khăn về thuế cho dân khi làm các thủ tục đất đai, kinh doanh.
Không chỉ vậy, cán bộ một cửa ở các lĩnh vực dịch vụ công khác cũng phải chọn người có năng lực, kinh nghiệm, vững chuyên môn.
Phó chủ tịch huyện Lê Quang Thuận kể chiếc điện thoại di động của ông, các đồng cấp phó và cấp trên (Chủ tịch huyện) thống nhất mở 24/24h. Họ sẵn sàng nghe bất cứ thông tin phản ánh nào từ dân.
Cán bộ bị dân đánh giá thấp sẽ bị luân chuyển |
"Nếu có chuyện cán bộ vòi vĩnh, hạch sách, người dân cứ tố cáo trực tiếp với lãnh đạo huyện. Cung cấp thông tin đầy đủ, cụ thể, cán bộ nào để huyện có cơ sở xử lý", ông Thuận cho hay.
Phó chủ tịch huyện Hướng Hóa còn dứt khoát quan điểm cán bộ công vụ là bộ mặt của cơ quan hành chính. Cán bộ nào bị dân đánh giá thấp sẽ bị luân chuyển, điều động người khác làm thay.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng mô tả Mscore đã tạo ra một "áp lực" để đánh động đội ngũ cán bộ phục vụ dân.
Như khi người dân phản ánh hồ sơ bị trễ, kiểm tra biết trễ ở khâu nào thì cán bộ chuyên môn khâu đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Với cán bộ 1 cửa, nếu bị phản ánh về thái độ thì phải lo thay đổi, không thể giữ cách nghĩ chỉ dân cần mình như trước kia.
Mscore-Dân chấm điểm đã tạo ra "áp lực" công vụ |
Văn phòng 1 cửa của huyện Gio Linh cũng đã có lúc bị dân chấm điểm thấp. "Án" của dân ghê ở chỗ họ phản ánh thái độ của cán bộ có vấn đề nhưng không cụ thể chỉ mặt điểm tên ai.
Chỉ thế thôi cũng phải khiến chính quyền huyện suy nghĩ. Chủ tịch huyện Gio Linh Trương Chí Trung thừa nhận, trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, họ không tránh khỏi những va chạm. Có những cán bộ chưa nhận thức đầy đủ, chưa làm đúng quy định.
"Phản ánh của dân là có cơ sở. Tiếp nhận thông tin đó, chúng tôi sẽ xác minh, trao đổi, chấn chỉnh. Nếu không chuyển biến thì sẽ có biện pháp xử lý theo đúng quy định", ông Trung trao đổi.
Dù thế nào, lãnh đạo huyện Gio Linh cũng cho rằng, trách nhiệm phục vụ dân là trung tâm, quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ.
Chủ tịch huyện Gio Linh Trương Chí Trung: Phản ánh của dân là có cơ sở |
Chia sẻ kinh nghiệm với đồng sự, Phó chủ tịch huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho rằng, dân chấm điểm qua những gì cán bộ thể hiện ra. Dù con người có lúc này lúc khác, không phải cái máy nhưng dân đánh giá đúng thì cán bộ phải rút kinh nghiệm.
Bị điểm tồi, còn ngồi đó làm gì
Kể từ khi mở đường dây nóng Mscore của HĐND Quảng Trị cách đây 2 tháng, trung bình mỗi ngày họ nhận 2 cuộc gọi của người dân, phản ánh chủ yếu về hồ sơ quá hạn, về lĩnh vực đất đai.
Công cụ Mscore sau gần 1 năm thí điểm đã chính thức được UBND tỉnh đưa vào nghị quyết về cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính không giấu giếm mong muốn nhanh chóng "bịt những lỗ hổng" về cải cách hành chính để tạo ra sinh khí mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính |
Vừa qua, tỉnh miền Trung này đã có chương trình thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyển thẳng vào cơ quan nhà nước từ tỉnh cho đến huyện 80 người được học hành ở các trường đại học có thương hiệu, thậm chí học ở nước ngoài.
Quảng Trị cũng đang gấp rút xây dựng phầm mềm kiểm soát dùng cho các văn phòng 1 cửa, giao dịch theo hướng chính quyền điện tử, trao đổi và xử lý qua thư điện tử các công việc mà dân và doanh nghiệp có yêu cầu.
"Mục đích là để giảm thời gian cho người có nhu cầu về dịch vụ công, giảm tiếp xúc mà thông thường hay nảy sinh tiêu cực, những điều không hài lòng, đồng thời công khai minh bạch vì tất cả đều có trên mạng", ông Chính cho biết.
Thậm chí, tới đây, lãnh đạo tỉnh, các sở có thể kiểm tra công việc về đến cấp huyện, hồ sơ đang ở đâu, ai giữ bao nhiêu ngày, vì sao chậm...
Đưa ra phương pháp dân chấm điểm như ta đi học vậy. Nếu bị chấm điểm quá thấp thì phải thay đổi. Thậm chí có những cán bộ nếu thực sự không thể thích hợp với vị trí đang giữ thì có thể chuyển đi làm việc khác, hoặc không làm trong bộ máy nhà nước nữa.
Đưa ra quan điểm này, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu không có đạo đức công vụ thì không để làm ở những vị trí nhạy cảm, những vị trí sẽ gây ra cản trở trong bộ máy nhà nước.
"Còn nếu bị chấm điểm tồi, mà cứ ngồi vị trí đó thì không còn ý nghĩa gì nữa", ông nói.
Chung Hoàng - Thu Hằng