Những ngày gần đây, làn sóng Covid-19 lần 2 khiến việc xuất khẩu tôm hùm bị "nghẽn" lại. Theo đó, giá tôm hùm tại các vựa nuôi rớt thê thảm, được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử.

Chia sẻ của một số chủ nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa cho biết, đối với một loại hải sản cao cấp, mức giá bán hiện nay là thấp chưa từng có. Những ngày qua, chủ các vựa nuôi liên tục bị ép giá giảm tới 50%, thậm chí 60-70% nhưng vẫn phải chấp nhận vì không có đầu ra.

Cụ thể, tôm hùm xanh được cân buôn tại vựa nuôi với mức giá 450.00 – 520.000 đồng/kg đối với loại 0,4-0,7 kg/con, giảm 50% so với thời điểm bình thường.

Đối với tôm hùm xanh loại dưới 0,2 - 0,4 kg/con, giá cân buôn ở mức 400.00 – 450.000 đồng/kg, loại nhỏ hơn chỉ có mức 300.000 đồng/kg. Về tôm hùm bông, hiện tại giá bán buôn cao hơn ở mức 700.000 – 800.000 đồng/kg đối với loại dưới 1kg.

{keywords}
Người nuôi tôm hùm đang phải bán ra với giá rẻ hơn 50 - 60% so với bình thường.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các chủ nuôi, mức giá này đã giảm khoảng 50% so với thời điểm bình thường. Đặc biệt, tôm hùm bông loại dưới 1,5kg phải giảm mạnh tới 60%, giá cân buôn ở mức 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg.

Theo nhận định của giới chuyên môn, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần 2, các nhà hàng tiêu thụ chậm. Ngoài ra, các công ty lớn cũng chịu cảnh không xuất khẩu được do bị siết chặt tiểu ngạch khiến cho lượng tôm hùm tại Khánh Hòa dư thừa.

Đặc biệt, sở dĩ dân buôn có thể ép giá người nuôi là do tôm hùm đến lứa bắt buộc phải thu hoạch không thể để lâu. Được biết, không chỉ ở Khánh Hòa, nhiều địa phương khác ở Bình Định, Phú Yên…, giá tôm hùm cũng rớt thê thảm.

Hiện tại, giá bán buôn phổ biến ở mức 300.000 – 550.000 đồng/kg đối với tôm hùm xanh; 800 nghìn đồng/kg đến 1,2 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông…

Trước tình trạng tôm hùm ế do ảnh hưởng của dịch bệnh, trào lưu "giải cứu" tôm hùm lại xuất hiện. Tuy nhiên, theo khảo sát, giá bán bán lẻ trên thị trường không hề rẻ, thậm chí còn liên tục tăng.

Tại nhiều cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, giá bán tôm hùm tăng nhanh theo ngày, dao động từ 680.000 – 990.000/kg đối với loại tôm hùm xanh, cao hơn giá bán buôn khoảng 300.000 – 450.000 đồng/kg.

Tôm hùm bông có giá từ 1,7 - 3,85 triệu đồng/kg tùy từng kích cỡ, cao hơn giá bán buôn từ 500.000 đến cả triệu đồng…

Tại cửa hàng Thế giới Hải sản trên đường Trần Kim Xuyến (Cầu Giấy, Hà Nội), giá tôm hùm xanh loại 0,3-0,4 kg/con ở mức 890.000 đồng/kg, tăng 240 nghìn đồng/kg so với mức giá 650 nghìn đồng/kg cách đây vài hôm.

Loại 0,4-0,6 kg/con có giá 990.000 đồng/kg, tăng 310 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, giá tôm hùm bông không thay đổi do không được khách hàng ưa chuộng, vẫn ở mức 1,75 triệu đồng/kg đối với dưới 1,2 kg/con. Đối với loại từ 1,2-1,6 kg/con có mức giá 2,45 triệu đồng/kg. Đắt nhất là loại tôm hùm bông trên 2,0 kg/con có mức giá 3,85 triệu đồng/kg.

{keywords}
Giá bán lẻ tôm hùm vẫn ở mức tương đối cao.

Nhận định về trào lưu "giải cứu" tôm hùm, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, hiện tại, sản lượng tôm hùm sản xuất trong nước không quá lớn. Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn theo nhu cầu của thị trường một cách bình thường, không nên gây tâm lý, làm xáo động dư luận xã hội.

"Theo tôi, không nên đặt vấn đề là "giải cứu" tôm hùm. Từ trước đến giờ tôm hùm vẫn là một mặt hàng xa xỉ phẩm, có nhóm đối tượng khách hàng đặc thù. Đối với mặt hàng tôm hùm, doanh nghiệp luôn hướng tới thị trường Trung Quốc.

Hiện tại, các nhà hàng còn phải đi nhập tôm hùm của nước ngoài để tiêu thụ. Nguyên nhân vì khách hàng có khi không sử dụng tôm hùm nuôi trong nước mà hướng tới các sản phẩm như từ tôm hùm từ Alaska hoặc Caribe", ông Đông nhận định.

Đồng quan điểm trên, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, phân tích thêm, căn cơ của tình trạng "giải cứu" hàng hóa, nhất là nông sản, là do các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam quá phụ thuộc vào 1 hoặc 2 thị trường chủ lực, điển hình là Trung Quốc.

Do đó, để tôm hùm nói riêng và các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nói chung không rơi vào tình trạng phải "giải cứu", các đơn vị sản xuất, phân phối cần nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro.

(Theo Dân Việt)