Bị cô lập vì nói không đúng ý sếp, chị bị tất cả đồng nghiệp né tránh. Ngày chị nhận quyết định luân chuyển, sếp nhìn chị buông câu “có tiền là có tất cả đó em!”.
Lời tòa soạn
Chốn công sở, bên cạnh chuyện công việc, chuyên môn, là một xã hội thu nhỏ với đủ hỷ nộ ái ố. Những câu chuyện bên lề nơi công sở đôi khi ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất lao động và hiệu quả công việc của các nhân sự.
VietNamNet mở tuyến bài Chuyện khóc cười chốn công sở, mời độc giả chia sẻ những câu chuyện bi hài xung quanh các mối quan hệ ở nơi làm việc của mình. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: [email protected].
Chị tôi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng giỏi nên nhanh chóng được nhận vào làm việc tại một cơ quan.
Đã gần 10 năm qua, từ một cô sinh viên chân ướt chân ráo bước vào môi trường làm việc tập thể, chị dần được thăng chức lên cấp phó. Trước giờ, tôi chỉ nghe chị than mệt mỏi vì áp lực công việc trách nhiệm nặng nề, chứ chưa nghe chị chán nản từ việc phải làm vừa lòng cấp trên.
Cho đến một hôm, thủ trưởng cơ quan chị được thay thế. Chị vẫn đảm nhận vai trò là cấp phó, vẫn công việc tham mưu đưa ra những đề xuất, các sáng kiến, phương án, giải pháp nhằm giúp lãnh đạo có thông tin, cơ sở, từ đó đưa ra quyết định đúng về những vấn đề phát sinh trong công việc thực tiễn.
Đây vốn là công việc dành cho một người có năng lực chuyên môn giỏi như chị. Nhưng từ khi có sếp mới, việc tham mưu đã bị lệch sang hướng khác. Mọi người phải tham mưu theo ý sếp. Tất cả cơ quan chị giờ đây phải xem sếp muốn gì để tham vấn cho đúng ý.
Trong nhiều cuộc họp, một mình chị đứng lên nêu ra quan điểm công việc, dự án mang tính khách quan, khoa học trong khi những người khác chỉ nói theo ý sếp muốn. Thậm chí, họ còn quyết liệt phản đối chị, hướng về ý định của sếp, nhất quyết cho đó là đúng dẫu có nhiều bất cập.
Từ đó trở đi, đa số những cán bộ cấp dưới chỉ chuyên tâm đón ý, xu nịnh, chiều lòng sếp. Những ý kiến tham mưu sắc sảo, ý tưởng hay từ chị từng được lãnh đạo các nhiệm kỳ trước công nhận, nay bị vô hiệu hóa hết. Những lời tham vấn, phản biện khoa học, đúng tính chất công việc vì lợi ích chung dần bị xóa sạch.
Tất cả đặt lợi ích riêng của sếp lên hàng đầu để sếp hài lòng, vui vẻ và mọi người trông chờ hưởng ít hoa hồng từ sếp.
Tôi nhìn thấy ý chí kiên định, nỗ lực phát triển trong công việc của chị dần mất đi bởi sự chán nản sau mỗi lần trò chuyện tâm sự cùng nhau. Trong cơ quan, chỉ còn chị dám đứng ra nói lên ý kiến khi thấy sếp làm sai, bào mòn của chung xây đắp lợi ích của riêng mình.
Sếp xem chị là cái gai trong mắt, là kẻ luôn cản đường “công việc lợi ích riêng của mình” nên gây ra bao áp lực lên chị. Mọi người trong cơ quan cũng vì thấy chị không làm vừa lòng sếp đã cùng nhau cô lập chị, không ai trò chuyện, giao tiếp thân thiện với chị như trước.
Nhiều lúc tôi bảo chị cứ làm ngơ, hòa chung với tập thể mà sống để công việc được yên ổn. Chị nói chị không thể a dua nịnh nọt, thấy sai mà ngó lơ được.
Và cuối cùng, cái gai trong mắt sếp thì phải nhổ đi. Chị bị điều động từ cấp phó xuống làm trợ lý tại một cơ quan khác. Ngày chị nhận quyết định luân chuyển, sếp nhìn chị ngẩng cao đầu, buông câu “có tiền là có tất cả đó em!”.
Tôi chỉ mong chị ổn định với công việc mới. Khi nào, ở đâu vẫn còn những vị sếp chỉ thích xu nịnh, vuốt đuôi thì vẫn còn hình thành phương châm “tiền hô, hậu ủng” trong bộ phận nhân viên cấp dưới và việc “tham mưu theo ý sếp” mặc nhiên tồn tại. Còn những người tham mưu trái ý thì khó lòng mà trụ vững.
Mong rằng trong xã hội vẫn luôn có những nơi chú trọng đội ngũ giỏi chuyên môn, vì mục tiêu lợi ích chung để làm cho mảnh đất của những kẻ nịnh bợ, dựa thế cậy quyền hẹp dần, trả lại môi trường làm việc văn minh, trong sạch.
Không ít người xấu tính, hay ghen ghét, soi mói từng cử chỉ, lời nói, các mối quan hệ của đồng nghiệp. Họ khiến công sở trở thành một nơi ngập tràn năng lượng tiêu cực.