Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói ông không chỉ đạo xử lý vì như thế dễ bị cho là trù dập cán bộ.
Vừa qua, trên cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang và báo chí có đăng tải thông tin ba cán bộ, viên chức và nhân viên công tác tại tỉnh An Giang bị xử lý kỷ luật về mặt đảng và chính quyền vì đã xúc phạm chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên Facebook. Thậm chí hai người trong số này còn bị Sở TT&TT tỉnh này xử phạt hành chính 5 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh. Ảnh: Infonet |
Để rộng đường dư luận, chiều 17/11, PV đã phỏng vấn (qua điện thoại) ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, xung quanh sự việc này.
Thưa ông, trong vụ sở, ngành chức năng tỉnh An Giang xử lý kỷ luật và phạt tiền ba cán bộ, giáo viên vì đã xúc phạm ông trên Facebook, ông có trực tiếp chỉ đạo họ làm vậy không?
Dứt khoát tôi không chỉ đạo. Người ta nói xấu tôi, tôi đâu thể chỉ đạo được. Cái chuyện này trước Đại hội Đảng bộ của tỉnh, phía công an tỉnh đã phát hiện chuyện này trên Facebook nên báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy. Tỉnh ủy có công văn giao Đảng ủy Khối cơ quan dân chính Đảng và công an kiểm tra, làm việc với những người có liên quan và sau đó giao cho đơn vị chủ quản của những cán bộ, nhân viên này cùng Sở TT&TT xem xét, xử lý. Cô Nga thì Đảng ủy khối đã xử lý kỷ luật cảnh cáo, Sở TT&TT căn cứ Nghị định 174 để xử phạt vi phạm hành chính với hai cá nhân còn lại. Nếu phát ngôn vi phạm thì Sở TT&TT xử lý, tôi không có ý kiến gì chuyện đó cả.
Vậy là ông không có ý kiến, không can thiệp gì trong chuyện xử lý này?
Tôi chẳng can thiệp gì hết. Cái này cơ quan chức năng làm vô tư và khách quan. Tôi làm vậy coi sao được. Cứ để làm cho khách quan đi. Bộ phận an ninh mạng của công an phát hiện các trường hợp này nên đề nghị kiểm điểm, xử lý các trường hợp này.
Theo ông, xử lý như vậy có nặng tay lắm không?
Tôi có gì thì nói cái đó. Anh em căn cứ theo quy định để xử lý. Tôi không tham gia bất kỳ cái gì trong chuyện xử lý của cơ quan chức năng. Mình mà tham gia vào thì sẽ bị cho là không khách quan. Còn nếu cho rằng xử lý không đúng thì (người bị xử lý) có quyền khiếu nại, không ai cấm cản chuyện đó. Ví dụ, cô Nga nếu thấy xử lý về mặt đảng chưa được thì có quyền kiến nghị, thấy Sở TT&TT xử phạt chưa đúng căn cứ thì cứ khiếu nại.
Thưa ông, nếu công an không phát hiện vụ việc và kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy mà chính ông nghe, biết được thông tin “xúc phạm” ông trên Facebook thì cá nhân ông có khởi kiện những người này để yêu cầu họ xin lỗi hay không?
Nếu đúng theo luật thì rõ ràng là vi phạm. Nhưng trong vụ việc này bản thân tôi không phát hiện và không biết. Đặt trường hợp tôi phát hiện thì những dạng này tôi mời họ và lãnh đạo đơn vị họ đến để làm việc và trao đổi.
Vậy công an có báo cáo cho Thường trực UBND tỉnh không?
Là người trong cuộc, ông có được thông báo về thông tin này?
Nội dung vụ việc Cô giáo Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên môn ngữ văn Trường THPT Long Xuyên, An Giang, đọc báo và thấy nội dung: “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang”. Bà Trang liền đăng lại nội dung này lên Facebook của mình và bình luận: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Sau khi bà Trang đưa nội dung trên lên Facebook, có nhiều người vào bình luận tỏ ý đồng thuận với bà Trang, trong đó có ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, là nhân viên Điện lực An Giang. Vợ ông Phúc - bà Phan Thị Kim Nga, Phó Văn phòng Sở Công Thương - được cho là sử dụng tài khoản Facebook của chồng để “câu like”. Cô giáo Trang và ông Phúc mỗi người bị phạt 5 triệu đồng. Cô Trang còn bị trường kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật Viên chức, ông Phúc bị cơ quan xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty. Bà Nga bị kỷ luật cảnh cáo về đảng và chính quyền. |
Theo Pháp luật TP.HCM