Trịnh Hải Sơn, sinh năm 1996, quê Bắc Giang, là tân cử nhân ngành Vật lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Sơn vừa trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa với điểm GPA đạt 3.92/4.0.
Ngay sau khi kết thúc buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, Sơn nhận được lời đề nghị từ thầy cô ở lại làm trợ giảng, sau đó sẽ trở thành giảng viên tạo nguồn cho nhà trường. Điều này cũng đúng với mong muốn của nam sinh là trở thành giảng viên để tiếp tục truyền đi ngọn lửa đam mê với ngành Vật lý.
‘Nếu đã đam mê, không bao giờ là quá muộn’
Hải Sơn vốn là cựu học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Dù vậy, nam sinh lại có niềm đam mê đặc biệt với môn Vật lý.
Với Sơn, Vật lý là một lĩnh vực rộng, có nhiều chuyên ngành. Hải Sơn thích thú được khám phá những quy luật căn bản nhất của thế giới vật chất, năng lượng hay thời gian.
“Năm lớp 10, em được học về định luật Newton. Em cảm thấy ấn tượng với hệ thống lý thuyết – dù chỉ có 3 định luật cơ bản nhưng lại mô tả thế giới tự nhiên rất hoàn chỉnh, chặt chẽ, rõ ràng. Sau đó, em tiếp tục được học về điện từ năm lớp 11, dao động điều hòa năm lớp 12… và nhận thấy, từ sự hiểu biết ấy, chúng ta có thể xây dựng nên những ứng dụng thực tiễn rất tuyệt vời”, Sơn mê mẩn nói về vẻ đẹp kỳ diệu của môn học này.
Yêu thích Vật lý, nhưng giai đoạn đứng trước ngưỡng cửa đại học, Sơn lại quyết định đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội.
Thời điểm ấy, bản thân Sơn cũng chưa có định hướng rõ ràng. Do đó, Sơn lựa chọn ngành Công nghệ thông tin vì biết rằng đây là một ngành học hot, cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng rất cao. Hơn nữa, đây cũng sẽ là công cụ được sử dụng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có Vật lý.
Tuy nhiên khi vào học, dù vẫn đạt GPA ở mức Giỏi, Sơn vẫn cảm thấy bản thân không mấy đam mê.
“Nếu tiếp tục đi theo con đường này, có thể cả đời em sẽ phải làm công việc mình không yêu thích. Khi 1/3 thời gian chỉ để làm những điều bản thân không đam mê, cuộc sống sẽ rất buồn chán và tẻ nhạt”.
Không muốn cả cuộc đời phải sống trong sự không hạnh phúc, cũng không muốn lãng phí thời gian cho những điều không phù hợp, Sơn quyết định thay đổi con đường để theo đuổi đam mê với lĩnh vực Vật lý.
Từ một ngành học hot để quay về với ngành Khoa học cơ bản, không ít người khuyên ngăn, cho rằng ý định này của Sơn “quá ngớ ngẩn và liều lĩnh”.
Quãng thời gian đó, Sơn nói, bản thân đã phải đấu tranh rất nhiều để được đi trên con đường mà mình muốn.
Năm 2019, nam sinh Bắc Giang quyết định thi lại vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và đỗ chương trình Vật lý quốc tế, học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Là người lớn tuổi nhất trong lớp, Sơn được bầu làm Bí thư. Tại đây, Sơn cũng được làm những điều mình thích, được truyền cảm hứng học tập và nghiên cứu từ những thầy cô nhiệt tình, tâm huyết. Với Sơn, đây là môi trường tuyệt vời để bản thân theo đuổi đam mê, phát huy năng lực, đặc biệt là trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết.
“Việc chọn ngành học, em nghĩ, cũng giống như chọn người yêu. Đã chọn cùng nhau đi chung đường, đó phải là người phù hợp thì mới lâu dài, bền chặt. Và nếu đã là đam mê thì không bao giờ là quá muộn”, Sơn đúc rút ra bài học sau 4 năm “chọn lại”.
Chinh phục những đỉnh cao nhờ đam mê
Không còn lên lớp vì “nghĩa vụ”, Sơn nói: “Giờ đây, mỗi ngày lên lớp là một ngày vui”. Việc lớn tuổi hơn các bạn trong lớp cũng không phải rào cản, thậm chí còn là thuận lợi vì Sơn đã quen với phương pháp học ở bậc đại học.
“Môi trường đại học đòi hỏi sự tự học cao ở sinh viên. Đa phần thầy cô sẽ cung cấp kiến thức nền tảng, còn việc đào sâu, mở rộng vấn đề vẫn cần người học tự nghiên cứu, tìm tòi và đặt câu hỏi cho những điều chưa thông suốt”.
Hầu hết các vấn đề mới, cần sự đầu tư đều do Sơn tự học, tự nghiên cứu. Nam sinh đã đọc nhiều cuốn sách chuyên về Vật lý lý thuyết, trong đó có những cuốn của tác giả Wolfgang Nolting – vốn kinh điển và khó nhằn.
Điều này một phần do cậu luôn cảm thấy “khó chịu, không thoải mái” khi gặp một vấn đề yêu thích nhưng không hiểu. Vì thế, Sơn có thể mất nhiều thời gian đọc để tìm hiểu tận cùng vấn đề.
“Mỗi khi khám phá ra kiến thức mới, em cảm thấy rất sung sướng và như một lần được mở rộng thế giới quan. Khi hiểu sâu tận cùng vấn đề cũng khiến việc làm bài thi trở nên dễ dàng hơn”.
Đặt mục tiêu phải khám phá những điều đẹp đẽ, kỳ diệu trong thế giới của khoa học tự nhiên, trong khi Vật lý là lĩnh vực rộng, còn những lỗ hổng cần phải lấp vá, chỉnh sửa trong hệ thống lý thuyết, Sơn cho rằng bản thân vẫn cần phải tiếp tục trau dồi vì những điều trang bị được ở bậc đại học là chưa đủ.
Do đó, 9X dự định sẽ tiếp tục học lên bậc cao hơn và vẫn đang trong quá trình tìm kiếm học bổng nước ngoài. Sơn cũng kỳ vọng có thể tham gia vào vị trí giảng dạy, nghiên cứu Vật lý tại một trường đại học trong nước.
Từng gặp Sơn trong một buổi Open Lab của khoa Vật lý ở thời điểm 4 năm trước, TS Hoàng Chí Hiếu, Phó Trưởng khoa Vật lý ấn tượng về cậu sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa Hà Nội đang mong muốn theo đuổi con đường Vật lý.
“Tôi đã khuyên em nên suy nghĩ kỹ. Tuy nhiên sau khi nghe em nói chuyện với GS.TS Phan Mạnh Hưởng của Đại học Nam Florida về những điều liên quan đến vật chất tối, tôi bất ngờ vì nếu không phải sinh viên theo ngành Vật lý, chắc chắn sẽ không biết được những kiến thức sâu đến thế. Lúc đó, tôi mới tin quyết tâm của em cao thế nào”.
Sau khi đỗ vào khoa, TS Hoàng Chí Hiếu càng thấy rõ được niềm đam mê của Sơn dành cho Vật lý. TS Hiếu cho biết, bất cứ thầy cô nào từng dạy Sơn đều đánh giá đây là một sinh viên “hiếm”, có sự đam mê và luôn đào sâu tìm hiểu kiến thức về những nội dung thầy cô truyền dạy.
Sơn cũng từng giành học bổng Nguyễn Hoàng Phương – giải thưởng dành cho sinh viên xuất sắc nhất khoa.
“Đa số thí sinh thường lựa chọn ngành học dựa trên điểm thi hoặc cảm tính vì đó là ngành "hot". Nhưng Hải Sơn đặc biệt ở chỗ, em dám từ ngành “hot” của ĐH Bách khoa là Công nghệ thông tin để chuyển sang ngành khoa học cơ bản. Dẫu vậy, em luôn biết mình muốn gì và thích gì. Đây là điều không phải sinh viên nào cũng dám làm và có thể làm được”, TS Hoàng Chí Hiếu nói.