Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO) thừa nhận, hành vi tách phần C hợp đồng EPC và ký phụ lục hợp đồng, điều chỉnh giá là sai.
Việc Dự án Gang thép Thái Nguyên không hoàn thành tiến độ, bị cáo có phần trách nhiệm.
Theo lời khai của ông Mừng, những việc bị cáo làm đều báo cáo Tổng công ty Thép Việt Nam – VNS, Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền.
Bị cáo chưa khắc phục hậu quả, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin giảm bồi thường.
Các bị cáo tại tòa |
CQĐT phong tỏa 800 triệu đồng trong tài khoản bị cáo Mừng và kê biên 2 căn nhà ở Hà Nội và Hòa Bình.
Bị cáo Mừng khai, nhà đất trên là tài sản của 2 vợ chồng. Bị cáo đồng ý khắc phục hậu quả trong phần tài sản thuộc phần sở hữu của mình.
Bị cáo Đặng Văn Tập (nguyên Phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án) kháng cáo vì cho rằng mức án 7 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm dành cho bị cáo là nặng.
Ông Tập xin giảm hình phạt và được miễn bồi thường số tiền 70 tỷ đồng.
Các bị cáo Đồng Quang Dương (nguyên Phó giám đốc dự án) cũng xin giảm án, xin miễn bồi thường.
Bị cáo Đỗ Xuân Hòa (nguyên kế toán trưởng TISCO) xin giảm án và xin miễn bồi thường 40 tỷ đồng vì cho rằng, trong vụ án này bị cáo có vai trò mờ nhạt, không tư lợi nên không có trách nhiệm phải bồi thường.
Hiện bị cáo đã khắc phục 110 triệu đồng.
Theo trình bày của bị cáo Uông Sỹ Bính (nguyên Phó phòng kế toán TISCO), tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường 30 tỷ đồng là quá lớn, chưa hợp lý.
Bị cáo cũng trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin được hưởng án treo.
Vì bị cáo Đậu Văn Hùng (cũng là nguyên TGĐ Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) xin xét xử vắng mặt nên luật sư của bị cáo thay mặt thân chủ trình bày nội dung kháng cáo.
Ông Hùng xin giảm án, giảm trách nhiệm dân sự và đã tự nguyện nộp 60 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Bị cáo lấy lý do tuổi cao, sức khỏe yếu, mắc bệnh nan y... xin được cải tạo ngoài xã hội.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 4, khi được hỏi, đại diện TISCO cho hay, không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng không yêu cầu 19 bị cáo bồi thường 830 tỷ đồng.
Về thiệt hại, đại diện VNS cho biết, hoàn toàn tôn trọng ý kiến của TISCO trong vấn đề bồi thường dân sự.
Trong vụ án này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản của các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Văn Khâm (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TISCO) bị kê biên 6 nhà, đất nằm rải rác tại Thái Nguyên và Hà Nội. CQĐT cũng kê biên 5 tài sản là nhà, đất của bị cáo Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng giám đốc VNS) ở TP.HCM; Kê biên 2 nhà đất của bị cáo Trần Trọng Mừng; 1 nhà đất của bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT của VNS) ; 1 nhà đất của bị cáo Ngô Sỹ Hán (cựu Phó Tổng giám đốc TISCO). CQĐT còn phong tỏa, tạm dừng giao dịch một số tài khoản ngân hàng của các bị cáo. |
Xử vụ thất thoát hơn 830 tỷ đồng ở TISCO, tòa dừng 30 phút để bị cáo nghĩ
Bị cáo Đỗ Xuân Hòa (nguyên Kế toán trưởng TISCO) đề nghị HĐXX cho hoãn tòa. HĐXX thuyết phục và tạm dừng tòa 30 phút để bị cáo suy nghĩ.
T.Nhung