Lỗ theo dây chuyền
Trước dịch Covid-19, Sun World Bà Nà Hills Đà Nẵng (Sun Group) đón khoảng 5 triệu lượt khách/năm, hơn 55% trong đó là khách quốc tế. Tết Âm lịch 2023, điểm du lịch này mới chỉ phục hồi 60%. Tương tự, tại Phú Quốc (Kiên Giang), điểm đến tiềm năng đối với khách quốc tế cũng chỉ đón lượng khách bằng 60% trước đây.
Trong khi đó, Sun World Hạ Long (Quảng Ninh) có Tết Âm lịch u ám với lượng khách chỉ còn 50% so với cùng kỳ. Nhiều khách sạn tắt đèn, công viên không mở cửa cả tuần bởi không đủ khách tới tham quan. Trước đó, hệ thống Sun World từng đón mười mấy triệu lượt khách/năm. Trước tình cảnh ấy có thể nhìn nhận phần nào bức tranh du lịch Việt Nam hậu đại dịch.
“Đau lòng với những số liệu trên”, Phó Tổng giám đốc Khối Sun World (Sun Group) Trần Nguyện đã phải thốt lên tại hội thảo bàn về du lịch, diễn ra sáng 9/3.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc thương mại Vietnam Airlines, cho hay, năm 2022 tổng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 28% so với năm 2019. Hai tháng đầu năm 2023, lượng khách cũng chỉ đạt 64% so cùng kỳ năm 2019. Trong khi, Singapore hay Thái Lan đã phục hồi du lịch 100% và có sự tăng trưởng so với năm 2019. Nếu không có giải pháp, du lịch Việt Nam thời gian tới sẽ trì trệ.
“Bức tranh du lịch hiện tại quá xấu”, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) nhận định. Trước dịch Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam bằng một nửa Thái Lan. Theo ông Nam, chúng ta mở cửa sớm hơn với hy vọng rút ngắn khoảng cách so với các nước, nhưng thực tế, khách tới Việt Nam tụt xuống còn 1/3 Thái Lan, có thể sẽ chỉ bằng 1/4 nước bạn trong năm 2023.
Thành viên TAB dẫn số liệu, với tình trạng hiện nay, hàng nghìn doanh nghiệp thua lỗ, nhiều khách sạn phải rao bán trả nợ. Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ; Bamboo Airways lỗ lũy kế 16.700 tỷ; Vietjet lần đầu tiên công bố lỗ 2.417 tỷ đồng sau 10 năm có lãi.
“Chủ nợ nước ngoài đã có động thái giữ máy bay của một số hãng hàng không để thu hồi nợ, việc này xảy ra nhiều sẽ tạo hiệu ứng domino, nguy cơ lớn với ngành hàng không Việt Nam”, ông Nam cảnh báo.
Cứu du lịch
Chia sẻ thêm về bức tranh du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, thông tin, năm 2023, Campuchia đặt mốc đón 8 triệu du khách như Việt Nam; Thái Lan mục tiêu đón 30 triệu du khách. Còn du lịch Việt Nam chỉ tăng mục tiêu từ 5 triệu lên 8 triệu lượt, con số không cao nên ngành du lịch sẽ làm vừa vừa.
Ông Kỳ phân tích, các yếu tố dẫn đến sự thu hút về du lịch gồm: thương hiệu du lịch quốc gia có đủ hấp dẫn; sản phẩm du lịch nổi trội, nhắc là nhớ; giá du lịch; chính sách visa nhập cảnh.
Theo ông Kỳ, chính sách visa cần mở rộng với các quốc gia, tăng thời gian lưu trú, linh hoạt theo từng thời điểm để thu hút các thị trường; tận dụng chính sách visa để thúc đẩy sự hồi phục du lịch. Ví dụ, luật quy định 15 ngày lưu trú, thì sau 15 ngày, visa có thể được gia hạn tự động cho du khách. Hiện, chúng ta vẫn nghĩ khách du lịch là đối tượng quản lý chứ không phải đối tượng khai thác.
Ngoài ra, tính kết nối trong hệ thống dịch vụ Việt kém, doanh nghiệp nào cũng muốn “ăn” đứt tiền, làm trọn gói từ A-Z. Trong khi, Thái Lan lại cung cấp giá tour rất thấp, tính cạnh tranh cao. Giá tour thực tế khách Việt Nam đi Thái Lan đang cao gấp 3 lần so với giá đúng. 4-5 doanh nghiệp liên quan tới tour đều muốn lấy lợi nhuận, bán với giá đó thì không thể cạnh tranh được trong bối cảnh lạm phát, tiết kiệm chi tiêu như hiện nay”, theo ông Kỳ.
Đồng quan điểm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng, chính sách vĩ mô điều chỉnh là một chuyện, song, bản thân doanh nghiệp du lịch cần kết nối. Doanh nghiệp cần hiểu, không phải mỗi đơn vị sẽ thu bao nhiêu mà tổng số tiền khách du lịch đó tiêu trên đất nước Việt Nam mới quan trọng.
Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines thì kiến nghị, toàn bộ hoạt động quảng bá, xúc tiến, tiếp thị ở các thị trường phải được thực hiện trước từ 6-8 tháng. Đơn vị này đến giờ chưa nhận được thông báo nào về kế hoạch tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2023 của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, cho biết, mức chi tiêu tính trên đầu khách tại Việt Nam đang là 7,5 USD/người/đêm; Thái Lan là 30 USD/người; Singapore trên 100 USD/người. Chúng ta thiếu trầm trọng các điểm kinh tế đêm, gồm tổ hợp vui chơi-mua sắm-ăn uống. Trong khi đó, tình trạng mua sắm kiểu lừa đảo vẫn tồn tại, đầu chợ một giá, cuối chợ một giá, nói hàng Việt nhưng thực tế là hàng Trung Quốc. Những vấn đề này cần được giải quyết triệt để, giúp du lịch tăng trưởng.