Đại lý kêu: Bộ Tài chính đề xuất mức chiết khấu hoa hồng khoảng 430 đồng/lít là thấp quá, phải hơn 600 đồng/lít mới được.

Ngay sau khi Bộ Tài chính có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định 84 năm 2009, trong đó có nội dung liên quan đến thù lao (hoa hồng) cho đại lý không được vượt quá 430 đồng/lít thì một số đại lý xăng dầu đã phản ứng.

Loạn chi hoa hồng


Nghị định 84 đang có hiệu lực chưa quy định rõ ràng tỉ lệ hoa hồng, chỉ xác định khoản tiền này nằm trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (DN) xăng dầu. Do đó, mỗi DN sẽ có mức chi hoa hồng khác nhau. Thực tế, hầu hết mức hoa hồng chung mà DN đầu mối thường chi cho đại lý khoảng 400-500 đồng/lít.

Mức chi này không ổn định. Khi DN đầu mối có lãi hoặc để cạnh tranh chiếm thị phần thì họ sẽ chi mạnh tay, thậm chí có thể được đẩy lên đến 900 hoặc 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, cũng có lúc do kinh doanh ít lãi, hoặc lỗ, DN sẽ giảm hoa hồng xuống. Tiêu biểu, vào tháng 3, cho rằng việc kinh doanh xăng dầu bị lỗ nên các DN đầu mối đã hạ chiết khấu. Nhiều đại lý khẳng định hoa hồng họ nhận được chỉ còn 150-250 đồng/lít. Hàng loạt đại lý ở TP.HCM, các tỉnh miền Trung đã kiến nghị lên Sở Công Thương địa phương để xin tạm ngừng bán xăng.

“Chúng tôi xin ngưng bán thì cơ quan quản lý không chấp thuận. Bên DN đầu mối thì họ cũng than lỗ nên thậm chí không trích thù lao. Mỗi ngày mở mắt ra đã thấy lỗ tiền triệu, kinh doanh lỗ vậy thì làm sao chúng tôi sống?” - ông Nguyễn Văn Hải, chủ một cây xăng tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, kể.

Sau đó, tại nhiều cuộc họp, liên bộ Tài chính - Công Thương đã khẳng định cần có quy định cụ thể về chiết khấu thù lao đại lý.

Với mức 430 đồng/lít hoa hồng dành cho đại lý - theo dự thảo của Bộ Tài chính, nhiều đại lý kêu thấp.

Thấp quá thì… ăn gian (?)


Tuy nhiên, theo các đại lý, với mức thù lao đại lý mà Bộ Tài chính đề xuất còn thấp, chưa đúng với thực tế chi phí của đại lý. Một DN sở hữu một số cây xăng tại quận 12, huyện Củ Chi khẳng định: Hoa hồng 430 đồng/lít xăng thì đại lý không thể sống được. “Hiện cước vận chuyển trong nội thành của chúng tôi đã lên tới gần 100 đồng/lít, nếu ở xa có thể lên tới gần 200 đồng/lít. Chưa kể cây xăng phải chịu hao hụt xăng dầu, nhân viên thì đòi tăng lương. Chúng tôi đã phải đầu tư một khoản tiền rất lớn để mua đất, xây dựng cây xăng, rồi còn lãi suất ngân hàng… Vì vậy, dù có lỗ thì cũng sẽ gắng bám trụ. Chỉ có điều, lỗ quá thì việc phải… gian lận là điều khó tránh khỏi (?)” - ông này nói.

Ông Nguyễn Văn Hải nói thêm: “Nếu Nhà nước tính đủ để các DN có lời đàng hoàng thì không ai đi tìm đến gian lận cả”.

Theo ông Lê Văn Xê, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế), mức hoa hồng phải ít nhất 650 đồng/lít thì các đại lý mới sống được. Hoặc, nếu áp dụng mức 430 đồng/lít thì các DN đầu mối phải vận chuyển hàng đến cho đại lý.

Nên quy định cả mức sàn tối thiểu

Bàn về điều này, một vị từng là giám đốc DN đầu mối xăng dầu ở Đồng Tháp cho biết: “Tôi đã từng có nhiều năm kinh doanh xăng dầu, thấy những mức chi phí mà đại lý nêu là có thật. Vì vậy, thời gian còn làm việc trong ngành này, chúng tôi cũng đã liên tục góp ý sửa đổi Nghị định 84, trong đó cần quy định lại chi phí kinh doanh của DN và nêu cụ thể mức thù lao cho đại lý”. Cũng theo vị này, hoa hồng cho đại lý nên cụ thể mức tối thiểu là khoảng 350 đồng/lít và tối đa là 600 đồng/lít.

“Thực ra, nếu chúng ta không quy định mức tối thiểu thì rất dễ xảy ra tình trạng đã từng có, đó là các DN đầu mối khi lỗ và chi thù lao quá thấp dẫn đến các cây xăng tư nhân gian lận thương mại như đong thiếu, pha xăng dỏm để tồn tại. Hoặc có nhiều cây xăng tìm đến cách đóng cửa. Điều này rất nguy hiểm cho thị trường xăng dầu. Còn việc đưa ra mức chiết khấu tối đa 600 đồng/lít là khung để khống chế các DN lớn đua chiết khấu để mở rộng thị phần, phá hệ thống bán lẻ của các DN nhỏ hơn” - vị lãnh đạo trên lý giải.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng khung đối với hoa hồng cho các đại lý mà Bộ đưa ra là cần thiết để tránh việc các DN vượt rào.

Hiện Petrolimex - DN đang chiếm lĩnh thị phần chưa có bình luận gì liên quan đến mức thù lao mà Bộ Tài chính đưa ra. Vị đại diện của Petrolimex cho rằng DN này sẽ làm theo nếu mức này được áp dụng.


“Dọa” là không hợp lý!


● Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số nội dung liên quan việc kinh doanh xăng dầu, trong đó có khống chế chiết khấu hoa hồng cho đại lý, là đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia và dư luận. Bộ Tài chính nâng mức chi phí kinh doanh từ 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít và chiết khấu hoa hồng tối đa không quá 50% chi phí (430 đồng/lít) là đã tính đến lợi ích rất lớn cho các DN và đại lý, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên. Đại lý không thể cứ kêu lỗ vì hoa hồng không vừa ý được. Nhà nước cũng không thể cứ chạy theo đòi hỏi của các đại lý. Đáng ra trong kinh doanh, các đại lý cần tính toán hợp lý, giảm các chi phí kinh doanh không cần thiết để đem lại lợi nhuận chứ không phải lỗ là đòi tăng chiết khấu.

Tiến tới khi thị trường có cạnh tranh thì không cần đến chiết khấu hoa hồng nữa mà bản thân đại lý phải có kế hoạch kinh doanh theo đúng thị trường, cạnh tranh thị phần… Nếu anh kinh doanh thua lỗ là đòi đóng cửa? Cần nhớ trước đây tại một cuộc làm việc, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã từng nói: “DN đừng dọa Nhà nước, nếu muốn đóng cửa thì cứ đóng, cơ quan quản lý sẽ thu hồi giấy phép ngay lập tức để cho đơn vị khác kinh doanh!”.

TS NGUYỄN MINH PHONG, chuyên gia kinh tế

● Thường các đại lý chịu phí hoa hồng thấp do phụ thuộc vào các tổng đại lý. Nếu chiết khấu hoa hồng DN đầu mối giảm, buộc các tổng đại lý giảm theo để có lãi. Mặt khác, sở dĩ các đại lý mua qua tổng đại lý vì tổng đại lý cho gối đầu tiền mua hàng, có phương tiện vận chuyển đến tận nơi và linh động hơn. Trong khi đó, nếu đại lý mua hàng từ DN đầu mối thì phải thanh toán tiền mặt ngay.

Hiện mức chiết khấu từ DN đầu mối cho các tổng đại lý dao động mức 200-250 đồng/lít, do vậy về đến các đại lý, hoa hồng sẽ thấp hơn quanh mức 100-150 đồng. Bộ Tài chính đề xuất nâng phí hoa hồng tối đa 430 đồng/lít sẽ phần nào đó giải quyết khó khăn cho các đại lý.

Một cán bộ kinh doanh của DN đầu mối xăng dầu tại Hà Nội

(Theo PL TP.HCM)