Theo Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT - Sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định ở điểm a, khoản 3, điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:“Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.
Như vậy, từ 1/6 đến 31/7 là thời gian nghỉ của giáo viên (nghỉ theo học sinh).
Căn cứ quy định pháp luật hiện hành nói trên, giáo viên không phải tham gia trực trường. Nhưng rất tiếc, ở nhiều trường, Ban giám hiệu bắt buộc giáo viên phải trực trong khoảng thười gian nghỉ hè này.
Vậy Ban giám hiệu nhà trường có biết việc trực trường là trái với qui định của pháp luật không? Xin trả lời là biết nhưng làm lơ.
Một số hiệu trưởng lập luận rằng họ căn cứ vào Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GD-ĐT ban hành chức năng quyền hạn của hiệu trưởng, căn cứ vào tình hình thực tế hiệu trưởng đưa ra quy định trực trường.
Hiệu trưởng vận dụng thông tư này đúng hay không cần phải xem lại. Hơn nữa, thực tế cũng không có văn bản nào của Phòng Giáo dục hay Sở Giáo dục cấp trên của trường hướng dẫn chỉ đạo cho giáo viên không trực hè. Chính vì vậy,nhiều hiệu trưởng tùy ý quyết định giáo viên có trực hè hay không.
Còn thái độ của giáo viên thì như thế nào về việc này? Xin thưa “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Nhiều thầy cô tuy không đồng tình nhưng không dám nói ra vì đây là quyết định của hiệu trưởng không thể không thực hiện. Ngay cả Công đoàn nhà trường cũng không lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của công đoàn viên thì lấy ai mà bảo vệ giáo viên, nên cứ im lặng mà làm tránh rước họa vào thân.
Cũng có thầy cô có ý kiến không đồng tình việc trực trường nhưng hiệu trưởng bảo cứ thực hiện, nếu có gì hiệu trưởng chịu trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm tới đâu và trách nhiệm như thế nào thì không rõ ràng.
Việc phân công trực cũng tùy trường. Ban giám hiệu phân công dựa trên số giáo viên của trường, có nơi thầy cô trực hai ngày hoặc ba, bốn ngày… mỗi tháng, thời gian từ 7-17h.
Một vấn đề đặt ra là nhiệm vụ của giáo viên trực trường là làm gì? Câu trả lời là không biết phải làm gì.
Trông coi trường thì không đúng chức năng, nhiệm vụ - đây là việc của bảo vệ). Xử lý giải quyết vấn đề văn bản, công văn đến…là nhiệm vụ của hiệu trưởng. Do đó, việc phân công giáo viên trực để làm gì là không rõ. Ban giám hiệu cần xem lại vấn đề này, để tránh những sự cố đau lòng có thể xảy ra. Như trường hợp cô N. ở Trường THCS Lê Thuyết (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) khi đang trực trường đã bị một thanh niên bịt mặt xông vào trường dùng dao đe dọa, uy hiếp khống chế rồi thực hiện hành vi xâm hại ngày 20/6/2018.
Mong Bộ GD-ĐT sớm có công văn hướng dẫn thống nhất việc trực hè cho giáo viên. Đây là vấn đề không lớn nhưng gây ra nhiều bức xúc với thầy cô, cũng đồng thời phản ánh sự lạm quyền của một số hiệu trưởng trong việc đưa ra những quyết định không dựa trên cơ sở pháp lý nào. Việc này cần phải được chấn chỉnh.
Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
"Nhiều giáo viên không có động lực và năng lực tự thay đổi mình"
Ông Chữ Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng đội ngũ giáo viên, giáo viên dễ mang tính bảo thủ, chậm thay đổi, đặc biệt ở hệ thống công lập do chính tính chất nghề nghiệp.