Các quan điểm bị nghi ngờ, phản biện và phủ định lại không chỉ là các lập trường pháp lý của TQ, mà còn là cách tiếp cận luật pháp quốc tế trong từng hồ sơ, vấn đề theo cách “không giống ai” mà Bắc Kinh đang cổ súy.    

Các vấn đề pháp lý trong tranh chấp biển Đông và câu hỏi làm thế nào để cùng phát triển một vùng biển đang có tranh chấp thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và đem lại lợi ích cho các bên là trọng tâm của hai ngày hội thảo quốc tế “An ninh và phát triển biển: hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu” ở TP Hạ Long tuần qua.  

Thời điểm diễn ra hội thảo gần sự kiện liên quan đến Biển Đông được dư luận quan tâm, trong đó nổi lên những tranh cãi pháp lý liên quan đến việc Philippines đệ đơn lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) kiện TQ mà phán quyết dự kiến sẽ có trong thời gian sắp tới, cũng như cách ứng xử của các bên có liên quan (trực tiếp, lẫn gián tiếp). Tương tự như các diễn đàn ngoại giao, học giả diễn ra trong tuần trước đó, những cuộc đấu khẩu giữa Trung Quốc và “phần còn lại của thế giới” là trọng tâm.  

Ngay từ khi vụ kiện khởi động, Bắc Kinh kiên quyết không tham gia, phớt lờ yêu cầu tranh tụng của PCA, và tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền xét xử của tòa án quốc tế do Liên hợp quốc bảo trợ này. “Mặt trận pháp lý” được các học giả Trung Quốc khăng khăng bám vào là tuyên bố Tòa trọng tài không có thẩm quyền cũng như những vấn đề “bất hợp lý” trong việc cơ quan tài phán này can thiệp vào “chủ quyền” mà Bắc Kinh tự xem là chính đáng và không tranh cãi của mình.  

Lập trường này được GS Sienho Yee, chuyên gia luật pháp quốc tế của ĐH Vũ Hán nhấn mạnh. Ông Yee cho rằng việc Bắc Kinh từ chối tham gia quá trình thụ lý của Tòa trọng tài là chính đáng. Trong phần trình bày, GS Yee không đưa ra thêm nhiều lập luận mới để giải thích, ngoại trừ dựa vào các quan điểm chính thức của phía Trung Quốc.  

{keywords}

TQ luôn khăng khăng phủ nhận thẩm quyền xét xử của PCA trong vụ kiện Biển Đông. Ảnh: PCA

Trên thực tế, đã có một số nỗ lực lý giải quan điểm của các học giả Trung Quốc về Tòa trọng tài từ một góc nhìn đa chiều hơn, dù vẫn mang tính biện bạch cho các hành động của Trung Quốc. Chẳng hạn, quan điểm của TS. Nong Hong từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Hoa Kỳ. Trình bày tham luận tại một hội thảo về biển Đông khác diễn ra tại Mỹ, bà Nong Hong đã đưa ra các “góc nhìn” từ phía Trung Quốc về Luật quốc tế và cách ứng dụng phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế.  

Ngược lại với quan điểm phía Trung Quốc và các học giả của nước này, những luận điểm như Tòa PCA không có thẩm quyền, xâm phạm quyền cùng với lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, hay Tòa đã bỏ qua nguyên tắc thượng tôn pháp luật… mà TQ bám vào để cho rằng nước này hoàn toàn có quyền từ chối tham gia PCA đều bị các học giả quốc tế khác bác bỏ. Các quan điểm bị nghi ngờ, phản biện và phủ định lại không chỉ là các lập trường pháp lý của TQ, mà còn là cách tiếp cận luật pháp quốc tế trong từng hồ sơ, vấn đề theo cách “không giống ai” mà Bắc Kinh đang cổ súy.    

Là thành viên Tòa trọng tài, Trưởng khoa Luật pháp châu Âu và quốc tế (Đại học Tự do Bỉ), GS Erik Franck là một trong những học giả bày tỏ ý kiến như vậy. Các vấn đề tranh chấp biển Đông phức tạp và đang lâm vào bế tắc một phần quan trọng là do thiếu vắng đi một cơ chế pháp lý đủ rõ ràng, minh bạch và có tính ràng buộc làm một nền tảng. 

Theo ông Erik Franck, mô hình hội nhập tương đối thành công từ EU đã cho thấy, sự hội nhập khu vực về kinh tế, chính trị hay ngoại giao cần thiết một sự tương thích về khuôn khổ pháp lý và tư duy về thượng tôn pháp luật. Khối ASEAN đang là một tâm điểm hội nhập khu vực với các trụ cột liên kết của mình cần thiết phát triển hội nhập sâu rộng hơn về luật pháp. Qua đó không chỉ thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực, mà còn tạo một tiền để để quản lý và giải quyết các tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ một cách hòa bình và theo đúng Luật quốc tế.

Cũng đồng tình về nhu cầu phát triển hội nhập sâu rộng hơn về luật pháp tại khu vực Đông Nam Á, TS Raul C. Pangalangan (Philippines) - thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế tại The Hague (Hà Lan) cũng kêu gọi các bên trao đổi kinh nghiệm trong việc sử dụng Công ước luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ. ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình hay kinh nghiệm của EU về cách thức quản lý tranh chấp hay chia sẻ các vùng chồng lấn, chia sẻ tài nguyên giữa các nước với nhau. Các học giả nhấn mạnh về tầm quan trọng của các cơ quan tòa án quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế.  

Vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài chắc chắn sẽ có những hạn chế hay giới hạn của nó cả từ góc nhìn pháp lý, lẫn các yếu tố chính trị trong việc buộc các bên phải tuân thủ và chấp nhận. Đây cũng có thể là một con đường dài, phức tạp và thủ tục nhiêu khê, nhưng đến nay vẫn là cách thức văn minh nhất của nhân loại để giải quyết một mâu thuẫn giữa các đối tác. Nỗ lực giải quyết tranh chấp theo một cơ chế bằng luật sẽ hình thành các ý chí chính trị giữa các bên để có thể quản lý, và từ từ giải quyết các tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ.  

Như trong phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhấn mạnh: "Để giải quyết những vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh biển thì chúng ta cần phải có hai điều: Quyết tâm hợp tác của các quốc gia hay nói cách khác là ý chí chính trị và cơ sở để hợp tác là luật quốc tế. Nếu không có hai điều đó thì không thể làm được”.  

Cả hai điều này vẫn còn đang mờ mịt tại Biển Đông và là một nhiệm vụ khó cho bất kỳ nỗ lực nào muốn tìm kiếm một hướng giải pháp bình đẳng chủ quyền và vấn đề biển ở châu Á. 

Hoàng Thắng