- Năm 2010, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đột ngột tăng cao sau vụ chiếc tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đắm ở biển Hoàng Hải.
Vào đêm 26/3/2010, chiếc tàu chiến Cheonan của hải quân Hàn Quốc, có trọng tải 1.200 tấn với 104 thủy thủ trên boong, bất ngờ bị nổ, gãy đôi và chìm ở khu vực biển Hoàng Hải. Cả thế giới khi đó đã hồi hộp theo dõi từng bản tin về công tác cứu hộ. Số thủy thủ bị thiệt mạng sau đó được công bố chính thức là 46 người.
Xác tàu chiến Cheonan hiện đang được bảo quản tại Hạm đội 2 - Bộ Tư lệnh Hải quân ở Pyeongtaek, phía nam Seoul. |
Ngay sau khi vụ đắm tàu xảy ra, Chính phủ Hàn Quốc đã lập tức triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi 4 ngày sau, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đích thân tới khu vực chiếc tàu Cheonan bị chìm, nằm gần hòn đảo Baengnyeong thuộc quyền kiểm soát của nước này.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hàn Quốc tiến hành chuyến đi tới đảo Baengnyeong, gần sát đường giới tuyến đang tranh chấp trên biển Hoàng Hải với Triều Tiên. Chuyến đi của ông Lee Myung-bak cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc, cũng như mức độ ảnh hưởng khi nguyên nhân gây ra thảm kịch được công bố.
Theo đánh giá của giới phân tích, nếu như nguyên nhân chìm tàu có liên quan đến phía Triều Tiên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải đưa ra quyết định phản ứng. Còn nếu như vụ nổ hoàn toàn là do lỗi từ trên tàu, quân đội Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu những chất vấn nghiêm khắc của giới chức và dư luận về trách nhiệm.
Phần mũi của con tàu được trưng bày tại Pyeongtaek. |
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 30/3 đã công bố một đoạn băng ghi hình dài khoảng một phút quay cảnh tàu Cheonan chìm. Đoạn băng do một lính tuần tra trên đảo Baengnyeong ghi lại được sau khi nghe thấy tiếng nổ. Đoạn băng không cho thấy rõ về vụ nổ, chỉ thấy cảnh một số thủy thủ nhảy ra khỏi phần đầu của con tàu.
Một ngày sau, Phủ tổng thống Hàn Quốc ra thông cáo bác bỏ tin đồn tàu ngầm Triều Tiên hoạt động gần nơi tàu Cheonan bị đắm ngay sau vụ nổ đêm 26/3. Thông cáo viết, thông tin mà một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc những ngày qua đồn đoán Triều Tiên có liên quan đến vụ đắm tàu là hoàn toàn không đúng sự thật.
Tuy nhiên, báo chí Hàn Quốc tiếp tục hướng dư luận về phía Triều Tiên. Đài Truyền hình YTN dẫn một nguồn tin quân sự cho hay, vào ngày bị đắm, tàu Cheonan đang lần theo các tàu ngầm nhỏ của Triều Tiên. Dẫu vậy, Đài Truyền hình này nhận định, có vẻ như không có liên hệ trực tiếp giữa vụ đắm tàu và các tàu ngầm nhỏ này.
Xác tàu được bảo quản ở tình trạng khá tốt tại Pyeongtaek. |
Còn theo tờ Dong-A Ilbo, tình báo Mỹ và Triều Tiên có ảnh vệ tinh cho thấy tàu ngầm nhỏ di chuyển ra, vào một căn cứ ven biển phía tây tại Sagot, Triều Tiên, trước và sau khi xảy ra vụ đắm tàu Hàn Quốc.
Ngày 1/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông cáo báo chí khẳng định không phát hiện bất cứ hoạt động nào của tàu ngầm Triều Tiên gần khu vực Hoàng Hải vào thời điểm Cheonan gặp nạn. Cùng ngày, Tổng thống Lee Myung-bak kêu gọi người dân bình tĩnh chờ đợi các nỗ lực cứu hộ cũng như kết quả điều tra.
Trong cuộc gặp với các quan chức kinh tế tại Phủ Tổng thống, Tổng thống Lee tuyên bố sẽ không che giấu thông tin về vụ việc và sẽ công bố kết quả điều tra đầy đủ, chính xác. Tổng thống Lee Myung-bak cũng nói rằng không có bằng chứng nào về việc Triều Tiên liên quan đến vụ này.
Phần đuôi tàu Cheonan được trục vớt đầu tiên, vào ngày 12/4/2010. |
Ngày 7/4, các thủy thủ sống sót đã xuất hiện trong một cuộc họp báo. Họ cho biết, một tiếng nổ lớn ở bên ngoài đã khiến tàu chìm, loại trừ giả thiết xảy ra nổ trên boong hoặc dưới hầm tàu. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, tất cả những người sống sót đều khẳng định nghe thấy một hoặc hai tiếng nổ trước khi tàu bị lật nghiêng.
Ngày 12/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, phần đuôi tàu Cheonan đã được trục vớt và đưa về gần đảo Banengnyeong, để hỗ trợ điều tra nguyên nhân tàu chìm. Tới ngày 20/4, Hàn Quốc tiếp tục trục vớt nốt phần mũi tàu của tàu chiến Cheonan.
Trong khoảng thời gian này, ngày 17/4, Triều Tiên đã lên tiếng khẳng định không liên quan đến vụ tàu chiến của Hàn Quốc bị đắm ở gần biên giới tranh chấp giữa hai bên. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi xảy ra vụ chiếc tàu chiến Cheonan của hải quân Hàn Quốc bị đắm làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Phần thân giữa bị cắt rời sau vụ nổ đêm 26/3/2010. |
Tuy nhiên, tới 18/5, tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ và Đông Á cho biết, sau cuộc điều tra phối hợp với các chuyên gia Australia, Anh, Thụy Điển và Mỹ, Hàn Quốc đã có các bằng chứng xác định ngư lôi Triều Tiên làm đắm tàu Cheonan. Loại chất nổ gây ra vụ đắm tàu có thành phần tương tự thành phần hóa chất trong một quả ngư lôi của Triều Tiên mà Hàn Quốc thu được trước đó.
Hai ngày sau, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc họp báo, công bố kết quả điều tra, khẳng định nguyên nhân đắm tàu là bởi một vụ nổ ngầm dưới nước do một quả ngư lôi Triều Tiên sản xuất - chứng cứ dẫn đến kết luận nó được phóng từ tàu ngầm Triều Tiên. Vụ nổ xảy ra bên mạn trái cạnh buồng tuabin khí khiến tàu Cheonan bị vỡ đôi và chìm.
Quả ngư lôi phát nổ ở độ sâu 6-9m so với mặt nước, với sức công phá tương đương 200-300kg thuốc nổ TNT. Các bộ phận động cơ của ngư lôi thu được từ hiện trường khớp với kích cỡ, hình dáng cũng như thông số kỹ thuật trên bản vẽ trong tài liệu mà Triều Tiên cung cấp cho nước ngoài nhằm mục đích xuất khẩu vũ khí này.
Vụ nổ xé toạc thân tàu Cheonan thành hai phần. |
Ngay sau khi Hàn Quốc công bố kết quả điều tra vụ đắm tàu, Triều Tiên đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của Seoul. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh, kết luận điều tra của Hàn Quốc là “sự bịa đặt hoàn toàn nhằm đánh lạc hướng dư luận”.
Tiếp đó, ngày 21/5, người phát ngôn Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên khẳng định, “Hàn Quốc đã ngụy tạo bằng chứng”, đồng thời nhấn mạnh "từ giờ phút này, hai nước đã cận kề một cuộc chiến tranh". Theo người phát ngôn, Hàn Quốc chỉ đưa ra bằng chứng là những mảnh vỡ có nguồn gốc không xác định.
Bốn ngày sau, ngày 24/5, trong bài phát biểu trước cả nước, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cho hay, nước ông sẽ không còn có thể tha thứ cho hành động “bạo tàn” của Triều Tiên và Triều Tiên phải trả giá cho cuộc tấn công đầy bất ngờ đối với tàu chiến Cheonan. Ông yêu cầu Triều Tiên phải xin lỗi về vụ đắm tàu Cheonan.
Mặt cắt một phần thân tàu sau vụ nổ. |
Tổng thống Lee Myung-bak cho hay, Seoul sẽ đưa Bình Nhưỡng lên Hội đồng Bảo an, ngưng các trao đổi liên Triều và cấm tàu Triều Tiên vượt qua lãnh hải nước này. Tuy nhiên, ông bác bỏ những lời kêu gọi dùng hành động quân sự đối với Triều Tiên. Ông khẳng định, mục đích cuối cùng của Hàn Quốc không phải là đối đầu quân sự.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nối lại hệ thống loa phóng thanh sang Triều Tiên gần Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Cũng tại DMZ, Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự. Vài ngày sau, hải quân Hàn Quốc tổ chức tập trận chống tàu ngầm, với sự tham gia của khoảng 10 tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục 3.000 tấn.
Đáp lại, Triều Tiên ngày 25/5 cho hay sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Hàn Quốc và dọa có hành động quân sự nếu Hàn Quốc tiếp tục vi phạm lãnh hải phía tây nước này. Một ngày sau, Triều Tiên quyết định trục xuất quan chức Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong, cắt đứt đường dây truyền thông hàng hải và văn phòng liên lạc tại Bàn Môn Điếm.
Lớp vỏ bên ngoài con tàu, nơi xảy ra vụ nổ, bị móp méo. |
Tiếp đó, ngày 27/5, Triều Tiên tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ với hải quân Hàn Quốc. Nếu bất kỳ tàu nào của Hàn Quốc xâm nhập lãnh hải của Triều Tiên, “ngay lập tức các cuộc tấn công sẽ được triển khai”, quân đội Triều Tiên tuyên bố trên hãng thông tấn KCNA.
Ngày 4/6, phát biểu ở Đối thoại Shangri-La 2010 tại Singapore, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak loan báo nước này đã chính thức yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên vì vụ chìm tàu chiến Cheonan, mà Seoul nói là bị tàu ngầm của Triều Tiên tấn công, bất chấp đe dọa trả đũa từ phía Bình Nhưỡng.
Trong động thái phản ứng lại hành động của Hàn Quốc, Đài Truyền hình Triều Tiên hôm 6/6 phát đi một thông cáo nói rằng, Hàn Quốc sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc về ý đồ ngoại giao này. Ông Minju Joson, người phát ngôn chính thức của Triều Tiên, cũng nhắc lại là Bình Nhưỡng không có dính líu gì đến vụ tàu chiến Hàn Quốc bị đắm.
Mặt cắt còn lại với các đường dây rối tung. |
Hơn 1 tháng sau, ngày 8/7, Hội đồng Bảo an đạt được thỏa thuận về tuyên bố lên án vụ tàu Cheonan. Tuyên bố bày tỏ "lo ngại sâu sắc" và cho rằng sự việc này đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, tuyên bố không chỉ trích đích danh Triều Tiên, và ghi nhận quan điểm của Bình Nhưỡng là bác bỏ trách nhiệm đối với vụ tàu Cheonan.
Hôm 13/9/2010, Hàn Quốc công bố báo cáo cuối cùng kết quả cuộc điều tra đa quốc gia do Seoul đứng đầu về vụ đắm tàu chiến của nước này hồi tháng 3. Ở báo cáo mới, Hàn Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm của mình về vụ đắm tàu Cheonan, cho rằng tàu đã bị ngư lôi của Triều Tiên tấn công.
Cho tới nay, hơn 6 năm đã trôi qua, nút thắt này trong quan hệ hai miền Triều Tiên vẫn chưa được hóa giải. Hàn Quốc tiếp tục cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ tàu đắm, trong khi Triều Tiên kiên quyết bác bỏ. Trong khi đó, nguyên nhân khiến chiếc tàu chiến bị đắm vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải, bởi còn nhiều ý kiến trái chiều.
Bài và ảnh: Dương Lâm
Quái vật Loch Ness đánh chìm tàu ngầm Đức?
Một thuyền trưởng tàu ngầm Đức từng tiết lộ, họ bị một con thủy quái như quái vật Loch Ness tấn công ở ngoài khơi bờ biển Scotland năm 1918. Gần một thế kỷ sau, các kỹ sư cho biết, họ vừa tìm được chiếc tàu ngầm này.
Tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu tuần duyên Hàn Quốc
Một tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm một tàu tuần duyên của Hàn Quốc trong một cuộc va chạm trên biển gần đây.
Xem hải quân Mỹ ì ạch đánh chìm tàu chiến
Mất 12 tiếng bắn phá liên tiếp 2.300kg thuốc nổ vào USS Thach, hải quân Mỹ mới đánh chìm chiếc tàu chiến này xuống đáy Thái Bình Dương.
Putin đau buồn về thảm kịch chìm tàu
Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ sự đau buồn sâu sắc về thảm kịch ở Karelia, tây bắc Nga, nơi vừa chứng kiến vụ chìm tàu làm 14 học sinh thiệt mạng.
Những vụ đắm tàu kinh hoàng trong lịch sử